Các ông lớn dầu mỏ Trung Đông có thặng dư tài khoản vãng lai 165 tỷ USD
Mức tăng giá dầu năm nay sẽ giúp các nhà sản xuất dầu Trung Đông ghi nhận thặng dư tài khoản vãng lai ở mức 165 tỷ USD vào năm 2021, so với thâm hụt tài khoản vãng lai là 6 tỷ USD vào năm 2020, Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho biết trong một báo cáo.
Theo IIF, các nước khai thác và xuất khẩu dầu ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA) cũng sẽ ghi nhận 138 tỷ USD thặng dư tài khoản vãng lai vào năm 2022, dựa trên dự báo giá dầu Brent ở ngưỡng 66 USD/thùng trong năm tới. Trong năm nay, ước tính thặng dư tài khoản vãng lai dựa trên triển vọng giá dầu Brent đạt 71 USD/thùng.
Khu vực MENA "đã vượt qua cơn bão kinh tế từ cuộc khủng hoảng y tế", IIF cho biết thêm rằng giá năng lượng cao hơn dự kiến sẽ cải thiện tình hình tài chính và tài khoản vãng lai ở các nước xuất khẩu dầu.
Mặt khác, các nhà nhập khẩu dầu sẽ tiếp tục ghi nhận mức thâm hụt cao, nợ chính phủ và tỷ lệ thất nghiệp, IIF cho biết trong báo cáo.
"Trong khi nền kinh tế tiếp tục trên đà phục hồi, sự chia rẽ về triển vọng kinh tế vĩ mô đã xuất hiện trong khu vực... sự khác biệt trong hoạt động kinh tế giữa các nước xuất khẩu dầu và nhập khẩu dầu đã mở rộng", viện nghiên cứu lưu ý.
IIF cho hay, tài sản nước ngoài công khai của các nhà xuất khẩu dầu ở Vùng Vịnh sẽ vượt quá 3 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2022, bao gồm cả dự trữ ngoại hối và dự trữ tại các quỹ tài sản có chủ quyền.
Sự phục hồi của nhu cầu dầu và giá dầu mang đến lợi ích cho các nhà khai thác dầu Trung Đông trong năm nay, sau một năm 2020 đầy khó khăn.
Điển hình như doanh thu từ dầu mỏ tại quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, Ả Rập Xê-út, đang chảy vào với tốc độ cao nhất trong ba năm, nhờ giá phục hồi mạnh mẽ kể từ đầu năm nay. Doanh thu từ dầu mỏ đạt 19 tỷ USD trong tháng 7, theo dữ liệu của Bloomberg.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận