Các “ông lớn” công nghệ Mỹ săn lùng nhân tài trí tuệ nhân tạo
Các “ông lớn” công nghệ Mỹ như Intel, Apple, Facebook... đang quyết liệt chi đậm để thâu tóm các công ty khởi nghiệp (startup) hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), nơi có những ý tưởng kinh doanh và các tài năng đang được săn lùng nhiều nhất.
Các thương vụ liên quan đến AI đạt mức kỷ lục
Hôm 27-12, hãng Intel thông báo đã chi 2 tỉ đô la Mỹ để thâu tóm Habana Labs, một startup phát triển chip AI ở Israel. Đây là thương vụ có giá trị lớn nhất liên quan đến AI trong năm nay.
Các công ty công nghệ khác của Mỹ bao gồm Amazon, Microsoft và Apple cũng đẩy mạnh các vụ thâu tóm startup AI trong những năm gần đây để cải thiện hiệu quả của nhiều sản phẩm từ robot giao hàng cho đến xe tự lái.
Ngay trước khi thương vụ thâu tóm Habana Labs diễn ra, giá trị các thương vụ liên quan đến AI trên toàn cầu đã tăng vọt lên con số kỷ lục 35 tỉ đô la chỉ trong hơn 10 tháng đầu năm nay. Theo hãng nghiên cứu dữ liệu thị trường PitchBook, trong vòng 6 năm qua, Apple đã thâu tóm 17 startup AI.
Oren Etzioni, Giám đốc Viện nghiên cứu Allen về AI, có trụ sở ở TP. Seattle, Mỹ, cho biết nhiều thương vụ thâu tóm được thúc đẩy bởi nhu cầu tiếp cận tài năng cũng như sở hữu một sản phẩm hứa hẹn liên quan đến AI.
Etzioni cho biết trong khoảng một nửa số thương vụ thâu tóm, bên mua thâu tóm luôn cả đội ngũ nhân sự công nghệ của họ.
Hồi tháng 6, khi Apple thông báo mua lại Drive.ai, một startup phát triển công nghệ xe tự lái đang gặp khó khăn với số tiền không tiết lộ, giới phân tích nhìn nhận mục đích chủ yếu của Apple là thu nạp kỹ sư của startup này. Các “ông lớn” công nghệ sẵn sàng trả giá cao để sở hữu các bộ não siêu việt.
Mitch Steves, nhà phân tích ở Công ty RBC Capital Markets, cho biết đó cũng là lý do Intel trả giá cao để thâu tóm Habana Labs dù công ty này chỉ mới bán sản phẩm đầu tiên trong thời gian gần đây và chỉ đạt được doanh số rất hạn chế.
Intel cho biết sau khi Habana Labs về chung một nhà, ông Avigdor Willenz, Chủ tịch Habana Labs sẽ tiếp tục gắn bó với startup này với vai trò cố vấn.
Navin Shenoy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc bộ phận các nền tảng dữ liệu của Intel, cho biết thâu tóm Habana Labs, một công ty chuyên phát triển chip cho các ứng dụng học máy, là một phần trong chiến lược đặt cược của Intel vào nhu cầu điện toán AI đang tăng nhang chóng. Intel dự báo doanh số chip sản xuất cho nhu cầu điện toán AI trên toàn cầu sẽ đạt 25 tỉ đô la trong vòng 5 năm tới.
Năm 2016, hãng chip này chi 400 triệu đô la để mua lại Nervana, nhà sản xuất chip AI, có trụ sở ở TP. San Diego, bang California. Một năm sau đó, Intel vung thêm 15,3 tỉ đô để thâu tóm Mobileye, một startup về công nghệ xe tự lái, có trự sở ở Israel.
Nhân tài AI được trả lương cao ngất ngưỡng
Các mức lương cao chót vót hiện nay dành cho các kỹ sư AI cho thấy nhu cầu nhân tài AI đang rất cao. Theo Quỹ đầu tư mạo hiểm MMC Ventures (Anh), mức lương của kỹ sư AI có kinh nghiệm đạt mức trung bình 224.000 đô la mỗi năm. Con số này cao hơn gấp đôi so với mức lương trung bình của các kỹ sư phát triển phần mềm ở Mỹ.
Từ lâu, các công ty công nghệ tìm cách lôi kéo các chuyên gia AI từ các trường đại học. Trong năm 2014, hãng gọi xe Uber đã chiêu mộ rất nhiều giáo sư tự động hóa ở Đại học Carnegie Mellon ở TP. Pittsburgh, bang Pennsylvania và xây dựng một trung tâm thử nghiệm xe tự lái gần trường đại học này để thúc đẩy các nỗ lực phát triển xe tự lái.
Một báo cáo nghiên cứu của Đại học Rochester ở New York hồi tháng 8 cho thấy trong 15 năm qua, có 221 giáo sư chuyên về AI ở các trường đại học ở Bắc Mỹ đã chuyển sang đầu quân cho các công ty công nghệ. Họ đảm nhận các công việc toàn thời gian ở môi trường mới hoặc vừa đi dạy vừa làm việc cho các công ty công nghệ. 40 giáo sư AI đã chuyển sang làm việc cho các doanh nghiệp tư nhân vào năm ngoái.
Năm 2018, các doanh nghiệp tư nhân ở Mỹ đã thu hút 60% tiến sĩ AI mới tốt nghiệp so với mức 20% vào năm 2004.
Trong những năm gần đây, Facebook cũng đã thực hiện nhiều vụ thâu tóm trong lĩnh vực AI đồng thời thành lập các phòng thí nghiệm AI gần các trường đại học để dễ dàng thu hút nhân tài. Năm ngoái, công ty mạng xã hội này đã tiếp cận nhiều giáo sư ở Đại học Washington để thuyết phục họ về làm việc.
Facebook đã đề xuất mức lương bổng cao gấp hai lần so với mức lương mà họ đang nhận được ở các trường đại học nhưng cuối cùng chỉ có một giáo sư nhận làm việc bán thời gian cho Facebook.
Jerome Pesenti, Phó Chủ tịch phụ trách mảng AI của Facebook cho biết các giáo sư, sau khi được Facebook tuyển về làm việc, vẫn được phép tiếp tục công việc giảng dạy để phát triển nhân tài. Ông nói: “Chúng tôi làm việc chặt chẽ với lãnh đạo các trường đại học để bảo đảm rằng chúng tôi không cản trở hoạt động nghiên cứu của họ”.
Theo Wall Street Journal
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận