24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trung Nguyên
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Các nước "tiến thoái lưỡng nan" khi đối mặt với rủi ro lạm phát đình trệ

Theo tạp chí Tri thức Thế giới, lạm phát đình trệ - với đặc trưng chủ yếu là kinh tế tăng trưởng chậm và lạm phát cao đồng thời xảy ra - đã chấm dứt đà tăng trưởng kinh tế cao kéo dài 20 năm vào thập niên 1970, đồng thời khởi động làn sóng cải cách và toàn cầu hóa trên thế giới với đặc trưng nổi bật là chủ nghĩa tự do mới.

Nhiều dấu hiệu xuất hiện gần đây cho thấy, kinh tế toàn cầu dường như đang lặp lại “vết xe đổ” của nửa thế kỷ trước, rơi vào chu kỳ “lạm phát đình trệ mới” đầy quan ngại. Đặc biệt, khủng hoảng Ukraine làm trầm trọng thêm tình trạng rối loạn nguồn cung đã gia tăng áp lực lạm phát và đẩy nhanh chu kỳ tăng lãi suất, rủi ro lạm phát đình trệ mà kinh tế toàn cầu đối diện đang gia tăng đáng kể.

Xung đột Nga-Ukraine làm trầm trọng thêm tình trạng rối loạn nguồn cung

Tháng 10/1973, chiến tranh Trung Đông lần thứ tư nổ ra dẫn đến chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu biến động dữ dội, trực tiếp gây nên tình trạng lạm phát đình trệ nửa cuối thập niên 1970. Trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine vào ngày 24/3/2022, chủ trương đưa sản xuất trở lại trong nước, tăng cường “tách rời” của Mỹ và hoạt động đi lại/giao thương bị cản trở, logistics tắc nghẽn do dịch bệnh đã dẫn đến tình trạng rối loạn nguồn cung nghiêm trọng.

Sau khi khủng hoảng Ukraine xảy ra, do vị trí quan trọng đặc biệt của Nga và Ukraine trong chuỗi cung ứng toàn cầu, cuộc xung đột đã làm trầm trọng hơn nữa cục diện rối loạn chuỗi cung ứng, cản trở đà phục hồi kinh tế toàn cầu.

Đầu tiên, xung đột Nga-Ukraine tác động mạnh vào chuỗi cung ứng năng lượng và vật tư chiến lược toàn cầu. Nga là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới và nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ hai toàn cầu. Neon là nguyên liệu quan trọng nhất để sản xuất chip, trong khi sản lượng của Nga và Ukraine chiếm 70% sản lượng toàn cầu. Lĩnh vực năng lượng và tài nguyên chiến lược quan trọng đang là nguồn gốc của rối loạn nguồn cung toàn cầu.

Thứ hai là các lệnh cấm lẫn nhau giữa Nga các nước phương Tây dẫn đến hệ thống vận chuyển logistics toàn cầu bị cản trở nghiêm trọng. Vùng chiến sự bùng phát giữa hai nước là đầu mối vận chuyển đường không và đường bộ của đại lục Á-Âu.

Thứ ba là các biện pháp trừng phạt và chống trừng phạt tài chính của Mỹ và phương Tây đối với Nga dẫn đến hệ thống thanh toán đóng vai trò “chất bôi trơn” cho sự vận hành thông suốt của chuỗi cung ứng toàn cầu xuất hiện sự rạn nứt nghiêm trọng.

Cuối cùng, Nga và Ukraine là “vựa lương thực thế giới” quan trọng nhất, xung đột xảy ra đã trực tiếp làm trầm trọng thêm khủng hoảng chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu.

Áp lực lạm phát thúc ép chuyển hướng chính sách

Sau khi dịch COVID-19 bùng phát, các nền kinh tế chủ chốt trên thế giới đều thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng với biên độ lớn để ngăn chặn suy thoái, kích thích phục hồi. Tuy nhiên, do nguồn cung rối loạn và ảnh hưởng của các nhân tố khác, bắt đầu từ quý IV/2021, các nền kinh tế chủ chốt, đặc biệt là Mỹ và các nước Liên minh châu Âu (EU) đã gặp sức ép lạm phát ngày càng nghiêm trọng.

Xung đột Nga-Ukraine làm trầm trọng thêm tình trạng rối loạn nguồn cung, càng gia tăng sức ép lạm phát đối với các nền kinh tế chủ chốt, nhất là các nước châu Âu. Theo số liệu do Cơ quan Thống kê châu Âu công bố gần đây, tỷ lệ lạm phát của Khu vực đồng euro (Eurozone) đã tăng mạnh từ mức 5,9% trong tháng Hai lên 7,5% trong tháng Ba, ghi nhận mức cao mới trong lịch sử kể từ khi đồng euro ra đời. Lạm phát của Đức là 7,6%, Tây Ban Nha là 9,8%.

Đứng trước tình hình lạm phát ngày càng nghiêm trọng, các nền kinh tế chủ chốt phải thắt chặt chính sách tài khóa và tiền tệ, xác định kiểm soát lạm phát là mục tiêu ưu tiên, do đó kinh tế toàn cầu bước vào chu kỳ tăng lãi suất. Tại cuộc họp chính sách tháng Ba, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tuyên bố tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm. Ngày 4/5 Fed lại tuyên bố có thể tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm, hơn nữa có thể tăng liên tục nhiều lần.

Từ cuối năm 2021 đến nay, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã tăng lãi suất 3 lần. Đồng thời, Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) còn xem thu hẹp chương trình mua tài sản là biện pháp quan trọng để tăng tốc thắt chặt chính sách tiền tệ cho đến khi chấm dứt hoàn toàn. Một số nền kinh tế mới nổi và đang phát triển gặp sức ép lạm phát nghiêm trọng cũng phải điều chỉnh chính sách vĩ mô và bắt đầu tăng lãi suất.

Quá trình phục hồi kinh tế bị tổn hại nghiêm trọng

Dịch COVID-19 khiến kinh tế toàn cầu năm 2020 rơi vào suy thoái, mức tăng trưởng âm 3,1% ghi nhận kỷ lục tồi tệ nhất kể từ cuộc “đại suy thoái” của thập niên 1930. Sự phục hồi “mang tính bù đắp” trong năm 2021, ở mức độ rất lớn chính là dựa vào sự hỗ trợ của chính sách kích thích tài khóa và tiền tệ quy mô lớn.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh lặp đi lặp lại phức tạp đã khiến đà phục hồi kinh tế toàn cầu vốn rất mong manh càng chao đảo hơn. Lạm phát ngày càng nghiêm trọng đã buộc các nhà hoạch định lựa chọn chính sách nhanh chóng chuyển từ mở rộng sang thắt chặt, điều gây tổn hại nghiêm trọng đối với đà phục hồi kinh tế toàn cầu.

Đồng thời đây cũng là nguyên nhân chính khiến các tổ chức quốc tế lần lượt điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022. Trong đó, dự báo mới nhất ngày 19/4 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ từ mức 4,4% xuống còn 3,6%, trước đó Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 từ 3,6% xuống 2,6%, tương tự Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng hạ dự báo từ 4,1% xuống 2,8%.

Vấn đề cần được đề cập là sự chuyển hướng chính sách của các nước phương Tây chủ chốt, đặc biệt là Mỹ đã gây nên tổn hại nghiêm trọng hơn cho các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Dòng vốn quốc tế tháo chạy, đồng nội tệ mất giá, gánh nặng nợ nước ngoài gia tăng đều gây nên cú sốc mạnh đối với đà phục hồi kinh tế vốn đang mong manh ở dưới các góc độ và khía cạnh khác nhau.

Tình thế khó khăn của lạm phát đình trệ đẩy nhanh tốc độ thay đổi thế giới

Tình trạng lạm phát đình trệ khiến việc điều tiết kinh tế vĩ mô của nhiều nước gặp nhiều khó khăn “được cái này mất cái kia”: muốn thoát khỏi kinh tế đình trệ cần phải mở rộng, nhưng việc mở rộng sẽ làm trầm trọng thêm tình hình lạm phát; muốn kiểm soát lạm phát cần phải thắt chặt, nhưng thắt chặt sẽ làm kinh tế tăng trưởng chậm hoặc suy thoái. Do đó, con đường thoát khỏi khó khăn phải chuyển sang thể chế tầng sâu, thậm chí là phương diện chế độ. Đây cũng là bối cảnh chính cho xu hướng cải cách của chủ nghĩa tự do mới sau khi xảy ra lạm phát đình trệ vào thập niên 1970, dẫn đến phong trào cải cách toàn cầu vào thập niên 1980 và thúc đẩy làn sóng toàn cầu hóa trong thập niên 1990.

Tình cảnh khó khăn “lạm phát đình trệ mới” mà toàn cầu gặp phải hiện nay buộc các nền kinh tế chủ chốt và tổ chức quốc tế phải tìm ra cách thức cơ bản để thoát khỏi khó khăn trên nhiều phương diện, từ thể chế thậm chí chế độ, cũng như quản trị kinh tế toàn cầu và phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô kinh tế. Tuy nhiên, liệu điều này có thể thúc đẩy thành công một vòng thay đổi mới của kinh tế toàn cầu hay không thì vẫn phải tiếp tục theo dõi.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả