menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hoàng Hảo

Các nước nói gì trước tuyên bố của Mỹ về Biển Đông?

Tuyên bố ngày 13/7 của Ngoại trưởng Mike Pompeo, nêu lập trường của Mỹ về Biển Đông ngay lập tức thu hút sự chú ý của các quốc gia khu vực và cộng đồn

Theo đó, ông Pompeo tuyên bố: “Tại Biển Đông, chúng tôi mong muốn bảo đảm hòa bình, ổn định, thượng tôn tự do trên biển và các hành động tuân thủ luật pháp quốc tế, bảo đảm thông suốt dòng chảy giao thương không bị gián đoạn và phản đối bất kỳ hành động sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp. Mỹ chia sẻ lợi ích sâu sắc và dài hạn với nhiều đồng minh và đối tác, vốn từ lâu đã duy trì sự ủng hộ cho một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.”

Ngoại trưởng Mỹ khẳng định: “Chúng tôi đang truyền đi thông điệp rõ ràng: Tuyên bố của Trung Quốc đối với các các tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông, cũng như các biện pháp cưỡng ép nhằm kiểm soát chúng, là hoàn toàn phi pháp.” Theo đó, Mỹ đã điều chỉnh lập trường cho phù hợp với phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) về đến tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với Biển Đông.

Trung Quốc

Ngay lập tức, Trung Quốc đã có phản ứng mạnh. Trong họp báo ngày 14/7, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã chỉ trích tuyên bố ngày 13/7 của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo là “hành vi cô tình kích động tranh cãi về các tuyên bố chủ quyền trên biển, phá hủy sự hòa bình và ổn định trong khu vực, thể hiện sự vô trách nhiệm.” Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ cho rằng các cáo buộc từ Washington là “hoàn toàn phi lý” và “can thiệp vào vấn đề Biển Đông” dù không phải là quốc gia liên quan trực tiếp đến các tranh chấp.

Trong điện đàm ngày 17/7 với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định: “Mỹ một mực theo đuổi chính sách ‘Nước Mỹ trên hết’, đầy vị kỷ, chủ nghĩa đơn phương và hành vi bắt nạt đến giới hạn. Đó không phải là điều một cường quốc nên làm… Mỹ đang dùng đại dịch để làm mất uy tín các quốc gia và đổ lỗi cho người khác. Mỹ không dừng lại trước bất cứ điều gì, thậm chí tạo ra các điểm nóng và đối đầu trong quan hệ quốc tế. Họ đã mất lý trí, đạo đức và uy tín…Mỹ đang hồi sinh chủ nghĩa McCarthy và tâm lý Chiến tranh Lạnh đã lỗi thời, cố tình kích động sự đối đầu về ý thức hệ, vi phạm luật phap quốc tế và các quy tắc cơ bản của quan hệ quốc tế.”

Các nước nói gì trước tuyên bố của Mỹ về Biển Đông?
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên. (Nguồn: EPA)

Đông Nam Á

Tương tự, các quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đặc biệt là các bên có lợi ích trực tiếp trong vấn đề Biển Đông, cũng sớm phản ứng trước tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.

Về phía Philippines, ngày 14/7, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana khẳng định: “Chúng tôi nhất trí mạnh mẽ với lập trường của cộng đồng quốc tế rằng nền có một trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông. Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của PCA và UNCLOS năm 1982 mà Trung Quốc vốn là bên đã ký kết. Sẽ là lợi ích tốt nhất cho sự ổn định của khu vực khi Trung Quốc chú ý tới lời kêu gọi của cộng đồng các quốc gia về tuân thủ luật pháp quốc tế và tôn trọng các thỏa thuận quốc tế hiện hành.”

Trong thông điệp nhân kỷ niệm 4 năm phán quyết của PCA về vụ kiện với Trung Quốc, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. đã nhấn mạnh: “Phán quyết này không thể thỏa hiệp. Tòa đã phán quyết rằng các đòi hỏi chủ quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên trong vùng biển… không có cơ sở pháp lý. Tuân thủ phán quyết một cách có thiện chí là phù hợp với nghĩa vụ của Philippines và Trung Quốc thể theo luật pháp quốc tế.”

Về phía Indonesia, trả lời tại họp báo trực tuyến ngày 16/7, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã bày tỏ quan ngại về diễn biến gần đây tại Biển Đông, nhấn mạnh hòa bình và ổn định ở Biển Đông là “hi vọng của mọi quốc gia”: “Quan điểm của Jakarta về Biển Đông rất rõ ràng và nhất quán. Việc tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS năm 1982, là vấn đề mấu chốt và cấn được tất cả các bên duy trì.”

Trong thông cáo báo chí về quan điểm của Malaysia với tuyên bố ngày 13/7 của Ngoại trưởng Mỹ về vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Hisshamuddin Hussein nhấn mạnh Kuala Lumpur sẽ tiếp tục đóng vai trò tích cực, đảm bảo Biển Đông là vùng biển của hòa bình và thương mại. Theo đó, các vấn đề liên quan đến Biển Đông phải được giải quyết một cách hòa bình, dựa trên các nguyên tắc được thừa nhận của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS năm 1982. Malaysia hy vọng tiến trình thảo luận sớm được thúc đẩy, nhằm xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất.

Các nước nói gì trước tuyên bố của Mỹ về Biển Đông?
Các quốc gia ASEAN, đặc biệt là các bên có lợi ích trực tiếp trong vấn đề Biển Đông, đã sớm có phản ứng sau tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo ngày 13/7. (Nguồn: AFP)

Cộng đồng quốc tế

Không chỉ các quốc gia khu vực, cộng đồng quốc tế cũng quan tâm đặc biệt tới tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo về lập trường của Mỹ trong vấn đề Biển Đông.

Ngày 14/7, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho rằng tuyên bố của Mỹ “thể hiện cam kết không thể bị lay chuyển đối với hòa bình, ổn định của khu vực, trong một môi trường an ninh ngày một biến động.” Đáng chú ý, ngay sau tuyên bố của ông Pompeo, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã công số Sách Trắng Quốc phòng năm 2020, trong đó bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc tiếp tục có hành động “mang tính cưỡng ép nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông.”

Ngày 21/7, phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kim Gunn đã bày tỏ hy vọng hòa bình và ổn định sẽ được đảm bảo ở Biển Đông, các tranh chấp lãnh thổ ở vùng biển chiến lược này sẽ được giải quyết một cách hòa bình, phù hợp với các quy tắc được quốc tế thiết lập.

Tại họp báo ngày 16/7, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srisvastava nhấn mạnh New Delhi ủng hộ tự do hàng hải và thương mại hợp pháp trên các tuyến hàng hải quốc tế: “Biển Đông là một phần của các lợi ích chung toàn cầu. Ấn Độ có lợi ích gắn chặt với hòa bình và ổn định trong khu vực này. Chúng tôi cương quyết ủng hộ tự do hàng hải, hàng không và thương mại hợp pháp không bị cản trở trên các tuyến đường thủy quốc tế này, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS năm 1982.” Mọi khác biệt cần được giải quyết một cách hòa bình, thông qua quy trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực.

Về phần mình, ngày 13/7, Thủ tướng Australia Scott Morrison khẳng định nước này duy trì “lập trường rất nhất quán” và tiếp tục “ủng hộ rất mạnh mẽ” tự do hàng hải ở Biển Đông. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm: “Chúng tôi sẽ ủng hộ lập trường đó bằng hành động, ý tưởng và tuyên bố theo cách của Australia.”

Trong điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị ngày 17/7, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov phản đối “chủ nghĩa đơn phương” trong quan hệ quốc tế, song không có phản ứng chính thức với tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.

Hiện Liên minh châu Âu (EU) chưa có phản ứng chính thức trước tuyên bố của Mỹ. Tại hội nghị trực tuyến về Chính sách an ninh Diễn đàn khu vực ASEAN (ASPC) ngày 8/7, ông Guillaume Decot thuộc Cơ quan Hành động Đối ngoại của EU cho rằng các hành động đơn phương thời gian gần đây trên Biển Đông đã làm gia tăng căng thẳng, ảnh hưởng đến môi trường an ninh hàng hải khu vực và đe dọa đến an ninh hòa bình khu vực. EU kêu gọi các bên kiềm chế, sử dụng biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS năm 1982.

Ngày 16/7, trả lời câu hỏi của phóng viên để nghi cho biết phản ứng của Việt Nam với tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ về vấn đề Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:

Hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông là nguyện vọng và mục tiêu chung của các nước ở Biển Đông, khu vực và cộng đồng quốc tế. Việc thượng tôn pháp luật quốc tế, tôn trọng trậ tự pháp lý trên biển và thực thì đầy đủ, có trách nhiệm Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 có ý nghĩa quan trọng để thực hiện mục tiêu nói trên.

Chúng tôi hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và chia sẻ quan điểm là UNCLOS 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương. Chúng tôi cũng mong rằng các nước sẽ cùng chúng tôi nỗ lực cao nhất để đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác tại Biển Đông và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại cùng các biện pháp hòa bình khác theo luật pháp quốc tế vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
3 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại