Các nước châu Âu chi tiền tỷ để đối phó khủng hoảng năng lượng
Châu Âu ngày càng chìm sâu vào cuộc khủng hoảng năng lượng khi Nga hạn chế xuất khẩu khí đốt tự nhiên, buộc các chính phủ phải chi rất nhiều tiền để bảo vệ các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong bối cảnh chi phí năng lượng tăng vọt.
Theo trang oilprice.com, giá khí đốt tự nhiên châu Âu tăng 28% vào sáng 5/9, lên 272 USD/megawatt giờ. Đây là ngày giao dịch đầu tiên sau khi tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga ngừng cung cấp khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 vô thời hạn vì phát hiện thấy một lỗ rò rỉ dầu trong tuabin.
Năm ngoái, đường ống này đã cung cấp cho châu Âu khoảng 35% lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga. Nhưng kể từ tháng 6, Gazprom đã cắt giảm lượng khí đốt chuyển qua Nord Stream 1 xuống chỉ còn 20% công suất với lý do liên quan vấn đề bảo trì và tranh cãi về một tuabin bị vướng vào các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Nga quyết định không mở lại đường ống vào ngày 3/9 đã làm dấy lên lo ngại rằng Liên minh châu Âu (EU) có thể thiếu khí đốt vào mùa đông này, bất chấp đã tích đầy kho khí đốt theo đúng mục tiêu. Những lo ngại tương tự ở Anh đã khiến giá khí đốt tự nhiên bán buôn kỳ hạn tăng hơn 1/3 vào ngày 5/9.
Thông tin về việc đóng cửa vô thời hạn đường ống Nord Stream 1 đã khiến đồng euro giảm giá, chỉ còn 1 euro đổi 0,99 USD ngày 5/9 - mức thấp nhất trong 20 năm. Trong khi đó, 1 đồng bảng Anh chỉ đổi được 1,14 USD, mức thấp nhất kể từ năm 1985. Các nhà giao dịch lo lắng về thiệt hại mà tình trạng thiếu năng lượng nghiêm trọng có thể gây ra đối với hoạt động kinh tế khu vực và ngân sách của chính phủ.
Một số quốc gia đang chuẩn bị chi số tiền lớn để cố gắng hạn chế tác động của khủng hoảng.
Ngày 4/9, Chính phủ Đức đã công bố gói cứu trợ trị giá 65 tỷ euro để giúp các hộ gia đình và công ty đối phó với lạm phát tăng cao. Đức là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đặc biệt phụ thuộc khí đốt Nga để cung cấp năng lượng cho các hộ gia đình và ngành công nghiệp nặng.
Cùng với các biện pháp trước đó, gói cứu trợ trên đã nâng tổng số tiền hỗ trợ của Chính phủ Đức lên 95 tỷ euro, tương đương khoảng 2,5% GDP của Đức.
Trong khi đó, tân Thủ tướng Anh Liz Truss đang chịu áp lực rất lớn trong việc đưa ra tuyên bố giúp đỡ nhiều hơn cho các hộ gia đình và doanh nghiệp khi chi phí năng lượng tăng cao.
Bà Truss đang xem xét một gói trị giá 100 tỷ bảng Anh để hỗ trợ chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, trong đó có hóa đơn năng lượng.
Nếu vậy, con số đó sẽ vượt 30 tỷ bảng so với chi phí cứu trợ trong đại dịch COVID-19 của Anh. Khi đó, Chính phủ Anh trợ cấp tiền lương cho người lao động để ngăn chặn tình trạng sa thải hàng loạt.
Trong nhiều tháng qua, EU đã tăng cường dự trữ năng lượng cho những tháng lạnh hơn khi mức sử dụng tăng đột biến, vì họ lo ngại Nga sẽ cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt thêm.
Nga đã ngừng bán khí đốt cho một số quốc gia châu Âu không thân thiện và cả các công ty năng lượng nào đã từ chối thanh toán khí đốt bằng đồng ruble.
Thông báo ngừng hoạt động Nord Stream 1 được đưa ra chỉ vài giờ sau khi các quốc gia Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới G7 đồng ý áp giá trần với dầu Nga để nỗ lực hạn chế doanh thu của Nga từ mặt hàng này.
Khi ngày càng khó khăn về năng lượng, các nước EU đã nhanh chóng tích đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt. Theo dữ liệu từ Cơ sở hạ tầng khí châu Âu, các kho chứa đã đầy 82% công suất - vượt quá mục tiêu 80% mà các quốc gia đặt ra trước tháng 11.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo châu Âu biết rằng họ cần phải làm nhiều hơn nữa để tránh khó khăn trên diện rộng và hạn chế hậu quả của suy thoái. Các bộ trưởng năng lượng của EU sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn cấp vào ngày 9/9 để thảo luận các kế hoạch bảo vệ người dân châu Âu.
Các ý tưởng ban đầu là cơ chế tách giá điện khỏi giá khí đốt tự nhiên bán buôn và cung cấp tín dụng khẩn cấp cho các công ty năng lượng có nguy cơ phá sản.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận