Các nhà sản xuất thịt lợn của Mỹ lạc quan tìm cơ hội tại cuộc đàm phán thương mại lần thứ 13 với Trung Quốc
Kể từ khi dịch tả lợn châu Phi bắt đầu xuất hiện tại Trung Quốc vào tháng 8/2018, số lượng lợn của nước này đã bị cắt giảm một nửa và có rất ít dấu hiệu dịch bệnh sẽ sớm chấm dứt.
Cuộc khủng hoảng này trong khi đang tàn phá ngành thịt lợn Trung Quốc, vốn mang lại một cơ hội lớn cho các nhà sản xuất thịt lợn của Mỹ, nhưng đó lại là một cơ hội vẫn chưa được khai thác do các hạn chế của cuộc chiến thương mại. Bây giờ các nhà cung cấp thịt lợn Mỹ đang hy vọng các cuộc đàm phán lần thứ 13 giữa Mỹ và Trung Quốc sắp diễn ra vào ngày 10/10 sẽ giải quyết xung đột và cuối cùng mở cửa thị trường Trung Quốc trở lại.
Kể từ khi xuất hiện ở Trung Quốc, dịch tả lợn châu Phi đã giảm 25% sản lượng thịt lợn. Căn bệnh này đã lan sang các quần thể lợn trên khắp thế giới và các chuyên gia cảnh báo vấn đề có thể trở nên tồi tệ hơn nhiều, ước tính rằng 60% đến 70% lợn cái trưởng thành ở Trung Quốc đã chết vì dịch tả lợn châu Phi và căn bệnh này vẫn đang lan rộng.
Mặc dù căn bệnh này không ảnh hưởng đến con người, ngay cả với những người ăn thịt, nhưng nó rất dễ lây lan và cực kỳ nguy hiểm đối với lợn. Đối với các nhà sản xuất thịt lợn Mỹ, việc bù đắp sản lượng cho Trung Quốc là một lợi ích, vì Trung Quốc chiếm khoảng một nửa lượng tiêu thụ và sản xuất thịt lợn toàn cầu.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất thịt lợn của Mỹ đã bỏ lỡ cơ hội phát triển sang Trung Quốc vì các tác động làm tê liệt ngành thịt lợn trùng với cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Các đợt thuế quan liên tiếp trong năm qua có nghĩa là các nhà sản xuất thịt lợn của Mỹ phải đối mặt với mức thuế 72% để vào thị trường Trung Quốc, so với mức 12% áp dụng đối với các đối thủ toàn cầu khác. Do đó, các nhà sản xuất thịt lợn ở Mỹ chỉ có thể hy vọng một sự hòa giải của thỏa thuận thương mại sẽ giảm thuế và cho họ cơ hội cạnh tranh hơn trong việc xuất khẩu sản phẩm tới người tiêu dùng Trung Quốc.
Ngày 01/10, Trung Quốc kỷ niệm 70 năm Quốc khánh và kỳ nghỉ kéo dài một tuần cho người dân nên lượng tiêu thụ thịt lợn là rất lớn. Tuy nhiên, nguồn cung giảm do dịch tả lợn châu Phi đã khiến giá thịt lợn tăng vọt trên khắp nước này. Để ổn định giá cho kỳ nghỉ này, Chính phủ Trung Quốc gần đây đã bán đấu giá các kho dự trữ thịt lợn.
Tuy nhiên, đây chỉ là một giải pháp tạm thời cho vấn đề dịch tả lợn sẽ phải mất nhiều năm hoặc thậm chí nhiều thập kỷ để giải quyết. Chính phủ Trung Quốc đã tiêu hủy hàng triệu con lợn, đưa ra các biện pháp an toàn sinh học mới và tăng cường nỗ lực tìm kiếm một loại vắc-xin cho dịch tả lợn mà hiện không tồn tại.
Các chuyên gia ước tính rằng Trung Quốc có thể giải quyết cuộc khủng hoảng thịt lợn của mình trong vòng một năm hoặc hai năm với một loại vacxin phù hợp. Nhưng rất khó để biết một loại vacxin như vậy sẽ được phát hiện bất cứ lúc nào.
Trong khi đó, các nhà sản xuất thịt lợn của Mỹ sẽ mất thêm hàng triệu đôla trong kinh doanh tiềm năng nếu cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc tiếp diễn. Tuy nhiên, các nhà sản xuất có một số lý do để lạc quan. Đại diện ngành thịt lợn đã cùng Tổng thống Donald Trump ký thỏa thuận thương mại với Nhật Bản và điều này sẽ giúp giảm chi phí xuất khẩu thịt lợn sang quốc gia này.
Mới đây, Trung Quốc cũng cung cấp một số cứu trợ, tuyên bố sẽ không áp dụng thuế quan bổ sung đối với thịt lợn của Mỹ và các mặt hàng khác trong khi cuộc đàm phán thương mại sắp diễn ra vào tháng 10. Hội đồng các nhà sản xuất thịt lợn quốc gia Mỹ gọi động thái này là "cử chỉ thiện chí rõ ràng của người Trung Quốc" có thể dẫn đến "doanh số bán thịt lợn Mỹ nhiều hơn" và góp phần "giải quyết các hạn chế thương mại của Mỹ - Trung”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận