Các nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh vào thị trường Trung Quốc trong bối cảnh lo ngại Fed và lạm phát
Các nhà đầu tư nước ngoài đang đổ xô vào thị trường Trung Quốc vào đầu năm 2022 vì xem đây là nơi trú ẩn của các vấn đề lạm phát, tăng trưởng và đại dịch đang hoành hành ở hầu hết các thị trường khác.
Mặc dù lợi nhuận của các doanh nghiệp Trung Quốc trong năm 2021 vừa qua bị xói mòn bởi các chính sách của Bắc Kinh, các nhà quản lý quỹ toàn cầu đang bơm tiền vào cổ phiếu và trái phiếu của thị trường chứng khoán nước này khi đặt cược vào cam kết ổn định của Trung Quốc, nới lỏng tiền tệ, tài khóa và lạm phát giảm có thể bảo vệ họ trước sự biến động trên các thị trường khác.
Điều đó hoàn toàn trái ngược với điều kiện ở những thị trường khác. Các ngân hàng trung ương lớn đang chuẩn bị rút lại các biện pháp kích thích dư thừa trong vài năm qua và Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đang tăng tốc thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát đang tăng vọt, điều này có khả năng làm suy giảm giá trị và lợi nhuận của thị trường chứng khoán.
David Dali, trưởng bộ phận chiến lược danh mục đầu tư tại Matthews Asia cho biết, Trung Quốc là "quốc gia ưa thích duy nhất" vào năm 2022 trong số khoảng 30 thị trường chứng khoán mới nổi có thể đầu tư.
“Chúng tôi tin rằng định giá của Trung Quốc là một trong những thị trường ít rủi ro nhất và hấp dẫn nhất trong số các thị trường lớn”, ông cho biết.
Ông trích dẫn các yếu tố bao gồm những khó khăn về quy định ít hơn, sự sẵn sàng của chính phủ trong việc kích thích nền kinh tế và nhiệm vụ chính trị để duy trì sự ổn định trong một năm có nhiều sự kiện quan trọng với Trung Quốc.
Fidelity International cũng nhận định thị trường chứng khoán Trung Quốc là thị trường hấp dẫn từ góc độ toàn cầu.
"Sự thay đổi chính sách của Trung Quốc là rất rõ ràng. Dữ liệu gần đây đưa ra những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đã ổn định", Zhou Wenqun, giám đốc quản lý quỹ của Fidelity có trụ sở tại Thượng Hải cho biết.
Theo Morgan Stanley, bằng chứng của sự tăng giá của thị trường là dòng vốn ròng từ nước ngoài vào chứng khoán Trung Quốc thông qua Stock Connect (một kênh đầu tư xuyên biên giới kết nối thị trường chứng khoán Trung Quốc với các thị trường khác) đã đạt mức trung bình hàng ngày cao kỷ lục là 413 triệu USD trong ba tuần đầu năm 2022.
Với dòng vốn nộp ròng của khối ngoại đạt kỷ lục 67 tỷ USD được đầu tư thông qua kênh Stock Connect trong năm 2021, nhưng chỉ số CSI 300 đã mất 5,2%, trái ngược với mức tăng gần 27% của S&P 500 của thị trường Mỹ và mức tăng hai con số ở hầu hết các chỉ số chứng khoán tại châu Âu.
Các nhà đầu tư trái phiếu cũng bị thu hút về phía Trung Quốc trong bối cảnh chính sách tiền tệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng phân hóa.
Paula Chan, giám đốc danh mục đầu tư cấp cao tại Manulife Investment Management cho biết, tại Trung Quốc, "chúng tôi thấy rằng chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ mới chỉ ở giai đoạn đầu".
"Mối lo lạm phát của Trung Quốc không đáng báo động như ở các nước khác và trái phiếu của nước này là một hàng rào tốt”, bà cho biết.
Dòng vốn nước ngoài vào mạnh mẽ đã giúp đẩy đồng nhân dân tệ của Trung Quốc lên mức cao nhất so với đồng đô la trong gần 4 năm trong tuần này, bất chấp việc cắt giảm một loạt lãi suất chính để hỗ trợ nền kinh tế.
Ngược lại, dòng tiền nước ngoài vào các thị trường mới nổi bên ngoài Trung Quốc đã "đột ngột đi vào bế tắc", Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho biết.
Đối với các thị trường mới nổi ngoài Trung Quốc, "chúng tôi tin rằng triển vọng sẽ xấu đi do biến thể Omicron và kỳ vọng về đồng đô la mạnh hơn và lãi suất của Mỹ cao hơn. Đồng thời, thị trường Trung Quốc cho thấy sự phục hồi nhanh hơn so với các thị trường mới nổi khác", IIF cho biết trong báo cáo theo dõi dòng vốn mới nhất.
Theo Morgan Stanley, hoạt động mua ròng của khối ngoại vào thị trường Trung Quốc đầu năm tập trung vào các ngành ngân hàng, nguyên vật liệu và tư liệu sản xuất, trong đó ghi nhận những cổ phiếu hàng đầu bao gồm China Merchants Bank, NARI Technology và Ping An Insurance Group.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận