menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Ly Na

Các ngân hàng Phố Wall vẫn lạc quan về ‘ví tiền’ của người Mỹ

Năm 2023, JPMorgan Chase vẫn mang về khoản lợi nhuận đáng kinh ngạc là 50 tỉ đô la, cao hơn so với mức 37,6 tỉ đô la trong năm 2022.

Các ngân hàng hàng đầu nước Mỹ vừa công bố báo cáo thu nhập quí 4-2023, trong đó những đánh giá về sức khỏe tài chính người tiêu dùng Mỹ là yếu tố được quan tâm hàng đầu.

Chi tiêu tiêu dùng hỗ trợ các ngân hàng Phố Wall

Hôm 12-1, các ngân hàng hàng đầu nước Mỹ gồm JPMorgan Chase, Bank of America, Wells Fargo và Citigroup đã lần lượt công bố báo cáo cho thấy lợi nhuận suy giảm trong quí 4-2023 do ảnh hưởng kéo dài của lãi suất cao và cuộc khủng hoảng ngân hàng hồi năm ngoái sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank và Signature Bank.

Các ngân hàng lớn đã phải dành ra gần 9 tỉ đô la nộp cho Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) để cơ quan này tiến hành cuộc đánh giá toàn ngành nhằm chi trả cho những người gửi tiền không có bảo hiểm bị ảnh hưởng do sự sụp đổ của Silicon Valley Bank và Signature Bank.

JPMorgan Chase cho biết lợi nhuận trong quí 4-2023 đã giảm 15%, mặc dù vẫn ghi nhận mức doanh thu hàng quí cao kỷ lục. Tuy nhiên, tính chung trong cả năm 2023, JPMorgan Chase vẫn mang về khoản lợi nhuận đáng kinh ngạc là 50 tỉ đô la, cao hơn so với mức 37,6 tỉ đô la trong năm 2022. Doanh thu của ngân hàng lớn nhất nước Mỹ đạt gần 160 tỉ đô la.

Bank of America có lợi nhuận quí 4-2023 giảm 50% so với cùng kỳ năm 2022, còn Citigroup thông báo lỗ 1,8 tỉ đô la.

Ở chiều ngược lại, Wells Fargo là điểm sáng đáng chú ý khi đạt mức lợi nhuận 3,45 tỉ đô la trên doanh thu 20,5 tỉ đô la. Doanh thu năm 2023 của Wells Farrgo đạt 82,6 tỉ đô la, tăng 11% so với năm 2022.

Theo giới phân tích, mặc dù ghi nhận lợi nhuận sụt giảm trong quí 4-2023 nhưng các ngân hàng lớn ở Mỹ vẫn khép lại năm 2023 với nhiều dấu hiệu tích cực nhờ thị trường việc làm khởi sắc, sức mua của người tiêu dùng vẫn ở mức ổn định bất chấp tác động của lạm phát và lãi suất cao.

Các ngân hàng lạc quan về chi tiêu tiêu dùng của người Mỹ

JPMorgan đã vẽ ra một bức tranh tương đối rõ ràng về chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ. Theo đó, các khách hàng của JPMorgan đã chi tiêu trên thẻ nhiều hơn 8% so với một năm trước và số dư thẻ tín dụng đang cao hơn 14%. Ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn để trang trải các khoản nợ khó đòi, nhưng khẳng định, sức khỏe của người tiêu dùng vẫn mạnh mẽ.

“Theo cách chúng tôi nhìn nhận, sức khoẻ tài chính của người tiêu dùng vẫn ổn”, Giám đốc tài chính JPMorgan Chase, ông Jeremy Barnum cho biết.

Chia sẻ quan điểm trên, ông Jamie Dimon, Giám đốc điều hành và Chủ tịch của JPMorgan, cũng cho biết trong một tuyên bố: “Nền kinh tế Mỹ tiếp tục cho thấy sự kiên cường, với người tiêu dùng vẫn chi tiêu và thị trường hiện đang kỳ vọng một sự hạ cánh mềm”.

Tương tự như JPMorgan, các giám đốc điều hành ngân hàng khác cũng tỏ ra lạc quan về sức chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ.

“Người tiêu dùng vẫn có nhiều nguồn lực”, Giám đốc tài chính của Bank of America Alastair Borthwick cho biết trong một cuộc trao đổi với các phóng viên. Giám đốc điều hành Wells Fargo Charles Scharf cũng đánh giá số dư tài khoản của người tiêu dùng vẫn còn mạnh, sau khi mức chi tiêu bằng thẻ tín dụng đã tăng 15% trong năm ngoái.

“Chúng tôi nghĩ rằng kịch bản hạ cánh mềm là một luận điểm cốt lõi”, Giám đốc điều hành Bank of America Brian Moynihan cho biết trong một cuộc trao đổi với các nhà phân tích. Ông cũng nói thêm rằng, người tiêu dùng vẫn đang hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế, ngay cả khi hoạt động tiêu dùng dần dịch chuyển từ mua sắm hàng hóa bán lẻ sang đi chơi và trải nghiệm với các dịch vụ, nhà hàng.

Tâm lý thận trọng trước sự suy giảm chất lượng tín dụng

Tuy vậy, đã có những tín hiệu đáng lo ngại về chất lượng tín dụng trong thời gian gần đây. Theo báo cáo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại Philadelphia, tỷ lệ nợ quá hạn thẻ tín dụng của người tiêu dùng Mỹ hiện đã vượt mức trước đại dịch Covid-19.

Theo đó, tính đến cuối tháng 9-2023, ước tính khoảng 3,2% dư nợ thẻ đã bị quá hạn thanh toán ít nhất 30 ngày, cao hơn 40% so với quí trước đó. Đây cũng là tỷ lệ cao nhất trong hơn một thập kỷ qua. Tỷ lệ các khoản nợ quá hạn khoảng từ 60-90 ngày cũng gia tăng.

Số liệu về nợ thẻ tín dụng cho thấy những áp lực lên các hộ gia đình Mỹ đang ngày càng lớn hơn, trong bối cảnh chi phí sinh hoạt thời kỳ hậu đại dịch tăng cao nhưng thu nhập không tăng tương xứng. Ước tính có khoảng 10% người nợ thẻ tín dụng hiện đang có dư nợ vượt mức 5.000 đô la.

Trong khi vẫn tỏ ra lạc quan về khả năng sẽ tránh suy thoái kinh tế, các ngân hàng cũng có quan điểm thận trọng hơn đối với bảng cân đối kế toán của mình bằng cách tăng cường dự phòng rủi ro và thực hiện các biện pháp khác. Nhiều ngân hàng đang giảm bớt hạn mức cho vay, trước những dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng đang gặp nhiều khó khăn.

Các ngân hàng cũng mô tả những động thái gần đây của người tiêu dùng nhằm giảm bớt lượng tiền gửi của mình như một phần của quá trình “bình thường hóa” nền kinh tế sau khi chính phủ đã bơm hàng ngàn tỉ đô la Mỹ vào kích thích kinh tế và hỗ trợ quá trình phục hồi sau đại dịch.

Giám đốc tài chính Barnum của JPMorgan cho biết, trong khi người tiêu dùng có thể có nguồn dự trữ tiền mặt dưới hình thức tiền gửi tiết kiệm và các nguồn lực khác “kém dồi dào hơn”, báo cáo việc làm tháng 12 của Mỹ vẫn cho thấy triển vọng tích cực của nền kinh tế.

Theo ông Barnum, sức mạnh của thị trường lao động là một động lực thúc đẩy hoạt động tín dụng tiêu dùng. Và hiện nay, rõ ràng là thị trường lao động Mỹ vẫn khá mạnh mẽ với tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3,7% – một yếu tố rất quan trọng để đảm bảo tổn thất cho vay vẫn ở mức có thể kiểm soát được.

“Mọi người đều muốn nhìn thấy một vấn đề nào đó. Nhưng thực tế là chúng tôi vẫn chưa nhận thấy điều gì cả”, ông Barnum nói với các phóng viên.

Theo ông Moynihan – giám đốc điều hành Bank of America, số dư tiền gửi của người tiêu dùng Mỹ hiện vẫn cao hơn 30% so với trước đại dịch, dù đang có xu hướng giảm nhẹ. Ông cho biết: “Bảng cân đối kế toán của người tiêu dùng nhìn chung ở tình trạng tốt. Và mặc dù bị ảnh hưởng bởi lãi suất ở mức cao, nhiều người tiêu dùng vẫn có các khoản vay thế chấp với lãi suất cố định và vẫn có việc làm, vì vậy họ đã cho thấy khả năng chống chịu tuyệt vời”.

Giám đốc điều hành Wells Fargo Charlie Scharf mô tả việc chất lượng tín dụng có “sự suy giảm khiêm tốn” là “phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi”. Ông cũng cho biết, “sức khỏe tài chính của người tiêu dùng của chúng tôi vẫn mạnh mẽ”, nhưng đồng thời cũng thừa nhận, trong khi tăng trưởng tiền lương “bù đắp nhiều hơn” cho mức chi tiêu tăng lên, “vẫn có những nhóm khách hàng đang trong tình trạng căng thẳng hơn”.

Chi tiêu tiêu dùng tác động tới tăng trưởng kinh tế Mỹ

Theo dự báo của tổ chức nghiên cứu Conference Board, chi tiêu tiêu dùng của Mỹ đã tăng đáng kể trong năm 2023 bất chấp lạm phát tăng cao và lãi suất cao hơn. Tuy nhiên, xu hướng này khó có thể duy trì trong dài hạn.

Tăng trưởng thu nhập cá nhân khả dụng thực tế đang gặp nhiều trở ngại, để bù đắp cho sự gia tăng mức chi tiêu thực tế, trong khi các khoản tiền tiết kiệm được tích lũy trong đại dịch đang giảm dần và nợ hộ gia đình ngày càng tăng, đi kèm với tình trạng nợ quá hạn. Ngoài ra, sự gia tăng trong các kế hoạch “mua ngay, trả sau” cũng có thể ảnh hưởng đến chi tiêu trong tương lai khi các hóa đơn đến hạn thanh toán.

Do đó, Conference Board dự báo rằng tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng nói chung tại Mỹ sẽ chậm lại trong quí 1-2024, và sau đó giảm dần trong các quí tiếp theo. Tuy nhiên, điều kiện thị trường lao động sẽ không xấu đi đáng kể, qua đó tiếp sức cho hoạt động tiêu dùng. Và khi cả lạm phát lẫn lãi suất đều giảm vào cuối năm 2024, Conference Board kỳ vọng tiêu dùng sẽ bắt đầu tăng trở lại.

Với việc hoạt động chi tiêu tiêu dùng chiếm tới hai phần ba GDP của Mỹ, Conference Board dự báo, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ có khởi động chậm chạp trong năm 2024, ngay cả khi triển vọng hạ cánh mềm đã tăng lên.

Tuy nhiên, cũng theo Conference Board, giai đoạn cuối năm 2024 và 2025 sẽ mở ra một thời kỳ ít biến động hơn, và nền kinh tế Mỹ có thể hướng tới mức tăng trưởng tích cực hơn. Lạm phát và lãi suất sẽ dần bình thường hóa và tăng trưởng GDP được dự báo sẽ đạt mức tiềm năng gần 2%.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại