Các ngân hàng giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp vượt đại dịch
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, thực hiện chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng thương mại (NHTM) đã đồng thuận giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và người dân vượt qua khó khăn.
Có 16 tổ chức tín dụng hội viên gồm: Vietcombank, Agribank, Vietinbank, BIDV, MB, Techcombank, SHB, LienVietPostBank, VPBank, VIB, TPBank, SeABank, MSB, Sacombank, ACB, HDBank cùng đại diện của NHNN tham dự cuộc họp.Ngày 12/7, Hiệp hội Ngân hàng đã tổ chức cuộc họp với các tổ chức tín dụng (TCTD) là hội viên để trao đổi, thống nhất phương thức và thời gian thực hiện việc giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu trong 5 tháng cuối năm 2021 theo chỉ đạo của Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú.
Đồng hành, chia sẻ khó khăn với DN
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, đại dịch COVID-19 đang có những tác động tiêu cực tới nền kinh tế nói chung và hoạt động của các DN nói riêng. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 (Nghị quyết 63). Triển khai chủ trương của Chính phủ, ngày 9/7 vừa qua, NHNN đã tổ chức cuộc họp trực tuyến để bàn các giải pháp thực hiện Nghị quyết 63, trong đó đặc biệt lưu ý đến làm sao để giảm lãi suất nhằm hỗ trợ DN.
Theo ông Phạm Quang Thắng, Phó Tổng Giám đốc Techcombank, tính đến nay, Techcombank đã dành hơn 100 tỷ đồng để tham gia các hoạt động hỗ trợ cộng đồng phòng chống dịch theo chỉ đạo chung của Chính phủ và của ngành ngân hàng.
Từ năm 2020 đến nay, Techcombank liên tục giảm lãi suất, trong đó nhóm lĩnh vực ưu tiên có lãi suất cho vay là dưới 4,5%/năm; các lĩnh vực kinh tế thiết yếu vào khoảng 6-7%/năm, thậm chí có khách hàng thấp hơn…
“Techcombank đồng thuận giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng”, ông Phạm Quang Thắng nói.
Ông Phạm Quang Thắng cho biết thêm, ngân hàng sẽ tập trung hỗ trợ cho các DN sản xuất thiết yếu cho nền kinh tế, DN có lực lượng lao động lớn…
“Còn các DN bất động sản đang lãi lớn, các DN xuất khẩu hay các cá nhân vay tiền mua ô tô… thì không nên hỗ trợ lãi suất”, ông Phạm Quang Thắng thẳng thắn góp ý.
Còn ông Nguyễn Viết Mạnh, thành viên Hội đồng thành viên (HĐTV) Agribank cũng khẳng định, Agribank sẽ giảm lãi suất để hỗ trợ DN. HĐTV của Agribank sẽ họp để đưa ra mức giảm lãi suất, có khoản sẽ giảm 0,5%, có khoản sẽ giảm 2-2,5%, trung bình lãi suất cho vay của ngân hàng sẽ giảm khoảng 1%.
Bà Phạm Thị Trung Hà, Phó Tổng Giám đốc MB thông tin, thời gian qua, MB đã triển khai giảm lãi suất, nhưng thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của NHNN, MB sẽ hỗ trợ trực tiếp các DN gặp khó khăn không có doanh thu hoặc doanh thu giảm (ví dụ như DN trong lĩnh vực lưu trú, dịch vụ…) với mức lãi suất có thể giảm 1% hoặc hơn.
“Tuy vậy, MB sẽ căn cứ vào từng tệp khách hàng của mình để lựa chọn DN khó khăn hơn, từ đó có chính sách hỗ trợ lãi suất phù hợp”, bà Phạm Thị Trung Hà nhấn mạnh.
Hy sinh lợi nhuận nhưng vẫn bảo đảm an toàn hệ thống
Tại cuộc họp, một số ý kiến cho biết, để giảm lãi suất, các ngân hàng cũng sẽ phải xin ý kiến cổ đông vì giảm lãi suất sẽ ảnh hưởng lớn đến kế hoạch lợi nhuận trong năm nay.
Cụ thể, ông Nguyễn Hồng Quân, Phó Tổng Giám đốc TPBank cho biết, các ngân hàng luôn sẵn sàng chia sẻ khó khăn, giảm lợi nhuận để hỗ trợ DN vượt qua đại dịch.
Còn theo đại diện BIDV, với việc giảm lãi suất ở mức 1%, lợi nhuận của BIDV trong năm 2021 cũng sẽ giảm hàng nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, đại diện LienvietPostBank cho rằng, với tổng dư nợ của ngân hàng khoảng 191.000 tỷ đồng, nếu ngân hàng này giảm lãi suất khoảng bình quân 1%/năm thì sẽ bị giảm lợi nhuận khoảng 600 tỷ đồng.
Tại cuộc họp, các ngân hàng cũng đề nghị NHNN cấp thêm giới hạn cho vay “room” tín dụng trong những tháng cuối năm để ngân hàng có dư địa tín dụng hỗ trợ khách hàng tốt hơn.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, ngân hàng đã duy trì mặt bằng lãi suất thấp ngay từ đầu năm, đến nay, lãi suất cho vay bình quân ngắn hạn tại ngân hàng chỉ khoảng 6%/năm, trung và dài hạn chỉ 8%/năm.
“Đầu năm, Vietcombank được giao chỉ tiêu tín dụng là 10% nhưng đến nay, tín dụng đã tăng trưởng 9%. Do vậy, để tiếp tục hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn hiện nay, Vietcombank rất cần được NHNN nới "room" tín dụng trong những tháng cuối năm”, ông Nguyễn Thanh Tùng đề nghị.
Nới "room" tín dụng trong những tháng cuối năm cũng được các NHTM tham dự cuộc họp như BIDV, SHB, TPBank, LienVietPostbank… kiến nghị.
Các ngân hàng cho rằng, việc được NHNN cho phép nới "room" tín dụng sẽ giúp các ngân hàng có thêm điều kiện để hỗ trợ DN tốt hơn.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN đánh giá cao sự đồng thuận của các ngân hàng trong giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng vượt qua những khó khăn từ đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, ông Phạm Thanh Hà cũng lưu ý, các ngân hàng nên linh hoạt trong việc giảm lãi suất, tùy theo “sức khỏe” của mình để có mức giảm phù hợp.
Đại diện Hiệp hội Ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, sau quá trình thảo luận, hầu hết các ngân hàng đã thống nhất việc giảm lãi suất sẽ hướng đến các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tùy theo đối tượng bị ảnh hưởng, các ngân hàng sẽ có mức giảm lãi suất phù hợp. Thời hạn thực hiện giảm lãi suất là trong tháng 7 cho đến hết năm 2021.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quốc Hùng cũng lưu ý, hỗ trợ DN, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn nhưng các ngân hàng vẫn phải bảo đảm an toàn hệ thống một cách cao nhất bởi lẽ các tác động tiêu cực của đại dịch lên ngành ngân hàng sẽ có độ trễ rất lớn, do đó cũng cần phải tính đến giải pháp cho chính các TCTD.
“Hiện tại ngành ngân hàng chia sẻ khó khăn với DN nhưng trong tương lai, khi nợ xấu do đại dịch COVID-19 gây ra thì ai sẽ chia sẻ với ngành ngân hàng. Do vậy, hỗ trợ phải trên tinh thần bảo đảm an toàn hệ thống”, ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.
Đối với việc áp dụng "room" tín dụng, ông Nguyễn Quốc Hùng kiến nghị NHNN xem xét cách giao chỉ tiêu tín dụng hằng năm. Đặc biệt, với các ngân hàng đã áp dụng tốt Basel II và Basel III, nên được tạo thuận lợi khi cấp "room" tín dụng.
Các cơ quan quản lý cần tiếp tục đồng hành với các tổ chức hội viên trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động ngân hàng, đặc biệt liên quan đến góp ý về các văn bản pháp luật có liên quan. Để từ đó, các chính sách khi được ban hành sẽ hài hòa lợi ích giữa các TCTD và nhà nước, bảo đảm an toàn hệ thống.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận