menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lý Xuân Hải

Các mắt xích yếu nhất thị trường tài chính toàn cầu

Lạm phát - hệ quả của chính sách tiền tệ dễ dãi - và xung đột địa chính trị ngay sau đại dịch Covid làm các nhà hoạch định chính sách quay cuồng. Dù vẫn xác định chống lạm phát là ưu tiên nhưng chính sách tiền tệ thắt chặt nửa vời kiểu “Thắt lưng Cởi bụng” chưa thấy thể hiện tác dụng.

Chỉ giảm quy mô và thanh khoản chút ít đã gây ra các vấn đề không dừng ở thị trưởng cổ phiếu trái phiếu mà dần lan ra các phân khúc khác của hệ thống tài chính toàn cầu.

1.

Các chu kỳ tiền tệ thắt chặt trước đây của FED là yếu tố cơ bản gây ra các cuộc khủng hoảng tài chính. Cũng đúng thôi vì nền tài chính toàn cầu dựa lên nước Mỹ và đồng USD.

Và luôn có 1 quả bom kích hoạt: Long-Term Capital Management kích hoạt khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, Lehman Brother kích hoạt Sub-Prime Mortgage và GFC 2008, các Doanh nghiệp rút tiền nộp thuế kích hoạt sự sụp đổ của thị trường vay qua đêm Mỹ tháng 9/2019 (Link 1).

Các nhà đầu tư lo ngại sẽ lặp lại một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Họ đang rà soát thăm dò xem đâu là mắt xích yếu nhất sẽ có thể kích hoạt cho cuộc khủng hoảng này.

Các mắt xích yếu nhất hiện nay đang là:

a. Credit Suisse vẫn là tâm điểm.

An toàn vốn của CS theo báo cáo là 13,5% cao hơn nhiều Lehman Brothers trước phá sản chỉ 3%. Thế là ổn- trên báo cáo.

Vấn đề ở chỗ khác: P/BV cổ phiếu CS đang dưới 25% (bằng của Deutsche Bank), thể hiện giới đầu tư không tin tưởng vào chất lượng tài sản của các đại gia này. Tỷ lệ Short Position - Bán khống/Tổng cổ phiếu lưu hành - cổ phiếu CS hiện trên 7%.

Giới tài chính vẫn đang chờ Credit Suisse trình kế hoạch tái cơ cấu ngày 27/10 này. Dự kiến CS sẽ bán một phần tài sản (đó là lúc biết P/BV hiện cao hay thấp), tách công ty làm 3 phần và thay đổi chiến lược.

CS rất lớn và mang trong mình rủi ro hệ thống. Sự sụp đổ của CS, dù xác suất thấp nhưng nếu diễn ra, có thể kích hoạt khủng hoảng hệ thống tài chính toàn cầu, vốn đang cũng bệnh đầy người, như LB ngày nào (Link 2).

b. Châu Âu: Anh Quốc.

Điều gì đã diễn ra?

Anh Quốc tất nhiên cũng không ngoại lệ với chính sách tiền tệ dễ dãi của BoE.

Brexit ngắt Anh khỏi châu Âu gây khủng hoảng nhân lực, mất mát thị trường và trục trặc chuỗi cung ứng. Covid làm đứt gãy chuỗi cung ứng thêm trầm trọng. Sự kiện Ucraina gây khủng hoảng và giá năng lượng cao vọt.

Kết quả là lạm phát năm nay của Anh có thể lên mức 18%.

23/09/2022 bà TTg Anh Liz Truss ban hành chương trình kích thích kinh tế khổng lồ: cắt giảm thuế thu nhập từ người giàu và thuế doanh nghiệp tương đương 1,8% GDP - khoảng £45 tỷ - trong vòng 5 năm. Đồng thời nhà nước sẽ chi thêm £150 tỷ để trợ cấp tiền điện trong hai năm tới. Các chương trình tài khoá kích thích kinh tế trên thực tế xung đột với các chính sách tiền tệ.

Các thông tin này cùng với việc bà Liz Truss có ý định gây sức ép lên BoE hãm thắt chặt tiền tệ, bao gồm cả việc đòi can thiệp vào các quyết định của BoE, đã gây phản ứng tức thì: Thị trường có luật của nó và không dễ uốn theo ý chí chủ quan!

Lo ngại lạm phát và tỷ giá thúc các nhà đầu tư bán tháo đồng Bảng. Bảng mất giá hàng chục phần trăm, có lúc gần ngang giá USD - thấp nhất trong vòng 37 năm. Cặp giao dịch GBP/USD đứng thứ 3 trong các giao dịch ngoại hối toàn cầu nên tác động rất lớn lên thị trường.

Yield (lợi tức) trên thị trường trái phiếu tăng vọt - kỳ hạn 10 năm tới mức gần 3,8% - làm trái phiếu chính phủ, tín phiếu kho bạc Anh mất giá thảm hại. Trái phiếu kho bạc loại 50 năm mất 1/3 giá trị chỉ trong vòng 4 ngày.

28/9 BoE mua ào ạt “không giới hạn” trái phiếu để giữ giá thị trường này mà không định “khử trùng” bằng cách bán ra tài sản khác. Một cách bơm tiền làm lo ngại lạm phát lại tăng cao hơn: Trái phiếu chính phủ 50 năm mất thêm 1/4 giá.

Bà Liz Truss lại vội vàng tuyên bố: “Ủng hộ BoE độc lập và không can thiệp vào các quyết định của BoE”. Đồng thời dừng chương trình cắt giảm thuế. Cần nói thêm đây là “cái đinh” để bà Truss thắng cử.

Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwateng từ cuộc họp IMF buộc phải quay về nước sớm chỉ để từ chức và trở thành người ngồi ghế này ngắn nhất lịch sử nước Anh. Thời gian đã mất và các hành động trên là dấu hiệu cho thấy các chính sách của bà Thủ tướng Liz Truss đã thất bại. Dường như cả chính phủ và NHTW Anh BoE không ngăn được cuộc khủng hoảng tài chính đang chín dần. Ghế của bà Liz Truss cũng như lung lay.

May là Nợ Chính phủ/GDP của Anh chỉ 95%, không phải cao nhất trong các nền kinh tế phát triển: Canada, Pháp 112%, Mỹ 133%, Ý 151% và Nhật 263% (WSJ). Còn cửa.

Anh có thể là nơi thứ 2 kích hoạt phản ứng dây chuyền gây khủng hoảng hệ thống tài chính toàn cầu.

c. Thị trường Nợ và Trái phiếu Mỹ

Tại Mỹ từ đầu năm thị trường trái phiếu mất giá 14% tương đương $7 ngàn tỷ (cổ phiếu mất giá $12 ngàn) theo Wilshire 5000.

Rộng hơn: Nợ doanh nghiệp xấp xỉ $20 ngàn tỷ chiếm 80% GDP, so với 65% năm 2007, 1/3 trong đó xếp hạng BBB, mức xếp hạng đầu tư thấp nhất.

Thanh khoản bị thu hẹp. Điều kiện cho vay thắt chặt. Chi phí cấp tín dụng tăng cao.

Trên thị trường cùng loại trái phiếu kho bạc đang được giao dịch ở các mức giá khác nhau, chênh lệch giá mua - giá bán đang tăng dần lên.

Tất cả các dấu hiệu của thị trường thời khủng hoảng, thiếu thanh khoản.

Các động thái can thiệp của FED, nếu có, là nới lỏng định lượng bơm thanh khoản. Nhưng điều ấy đi ngược chính sách chống lạm phát. Nghịch lý khó giải quyết. Đây là lúc đòi hỏi các quyết định chính xác về liều lượng, thời điểm và mưu lược quyền biến dẫn dắt thị trường.

Nhớ lại: năm 2008 lượng cho vay dưới chuẩn ở Mỹ chiếm 14-15% trong tổng danh mục cho vay thế chấp $10.5 ngàn tỷ tức chỉ $1,5 ngàn tỷ. Nhưng các sản phẩm tài chính phái sinh phức tạp đã đẩy quy mô lên nhiều lần đến mức bất định và gây nên khủng hoảng tài chính toàn cầu (GFC) cũng trong bối cảnh chống lạm phát.

Thị trường Nợ của Mỹ hiện lớn hơn nhiều và độ bất định không hề nhỏ… có thể là tác nhân thứ 3 kích hoạt khủng hoảng toàn cầu như 2008.

Có bạn nào thấy điểm kích hoạt tiềm năng nào khác không?

2.

Những phân khúc thị trường nào bị ảnh hưởng?

a. Thị trường Nợ

Thị trường Nợ tăng mạnh mẽ kể từ sau GFC 2008, thúc đẩy bởi Covid trên nền chính sách tiền tệ dễ dãi, các Chính phủ, doanh nghiệp, cá nhân vay tiền vô tội vạ. Bong bóng Nợ phình to, đòn bẩy quá cao. Thị trưởng hổng chân.

Đến khi chính sách tiền tệ mới thắt chặt nửa vời theo kiểu “Thắt lưng Cởi bụng” - tăng lãi suất nhưng thu tiền về từ từ- đã kịp đưa các nền kinh tế tiến gần đến gần mức nguy hiểm (Link 3). Châu Âu sẽ khó khăn, theo chân Mỹ nếu Mỹ nổ.

Trong đó quả bom trái phiếu doanh nghiệp là khủng bố hiển hiện nhất (Link 4).

Các khoản FDI sẽ chựng lại. Dòng tiền sẽ bị rút về “cố quốc”. Vay nước ngoài sẽ khó khăn hơn.

b. Các Quỹ hưu trí

Các quỹ hưu trí của Anh nắm giữ phần lớn danh mục đầu tư của họ bằng trái phiếu. Diễn biến thị trường và yêu cầu thanh khoản đã buộc phải bắt đầu bán tài sản để trang trải các khoản phái sinh được sử dụng để phòng ngừa rủi ro lãi suất. Tình huống này gợi nhớ đến sự sụp đổ của Lehman Brothers khi LB cũng buộc phải tung ra bán gần như đồng thời các số sản phẩm tài chính phức tạp nắm giữ.

Điều tương tự có xảy ra với các Quỹ hưu trí toàn cầu khác không? Nếu có thì sẽ là thảm hoạ vì quy mô rất lớn: theo OECD năm 2020 chỉ 101 Quỹ hưu trí lớn (Large Pession Funds - LPFs) và các Quỹ hưu trí tư nhân (Public Pession Reserve Funds - PPRFs) tại 47 quốc gia phát triển và tương đối phát triển đã quản lý tổng tài sản $10,3 ngàn tỷ (LPFs $3,3 ngàn, PPRFs $7 ngàn), chiếm 27% GDP các quốc gia này. Trong đó chủ yếu đầu tư vào trái phiếu, tiền gửi và các sản phẩm thu nhập cố định.

c. Quỹ trái phiếu

IMF cho biết các quỹ trái phiếu mở đang quản lý khoảng $41 ngàn tỷ. Việc trái phiếu mất giá sẽ kích hoạt các nhà đầu tư bán cắt lỗ đồng loạt và có thể làm sập thị trường trái phiếu. Các nhà đầu tư đã rút 8% tài sản của họ từ các quỹ này trong năm nay. Thị trường càng xuống càng kích hoạt bán và có thể gây sụp đổ thị trường.

Các quỹ hưu trí và trái phiếu sụp đổ không phải và không chỉ vì giá trái phiếu xuống mà bởi các công cụ hedging (bảo hiểm) và phái sinh lãi suất đòi hỏi marginal call, tiếp theo là thanh khoản không đủ để thực hiện nghĩa vụ.

Nếu các quỹ hưu trí và quỹ trái phiếu mở vỡ trận thì tác động kinh tế xã hội sẽ khủng khiếp không kém bom hạt nhân bởi số lượng nạn nhân khổng lồ và nhạy cảm.

Có bạn nào cần bổ sung không xin cứ tự nhiên.

3.

Bàn thêm

a. Niềm tin vào các cơ quan quản lý tiền tệ đang giảm.

Các NHTW bao gồm cả FED, ECB và BoE dường như đã rất tự tin vào quyền lực mình với thị trường. Họ trói chân trói tay các NHTM và vui vẻ bảo rằng: Hệ thống ngân hàng rất mạnh! Họ cũng sẵn sàng thì bàn tay lông lá can thiệp, làm thay các NHTM trong việc triển khai chính sách tiền tệ bằng cách can thiệp trực tiếp vào thị trường. Sai lầm này, tôi nói nhiều lần, là vô cùng lớn của các NHTW.

Họ tin rằng lạm phát chỉ là ngắn hạn và xử nó dễ, không cần vội.

Nay có vẻ khác. Chủ tịch FED Jerome Powell đã phải nói rằng để thiết kế chính sách tiền tệ phù hợp, cần phải thừa nhận rằng “nền kinh tế thường phát triển theo những cách không mong đợi” và lạm phát có thể mang lại những bất ngờ. Lý do ở ảnh hưởng ngày càng tăng của chủ nghĩa Keynes, lạm dụng chính sách tiền tệ và sự kiêu ngạo của nhà quản lý. Lạm phát đạt ngưỡng hai con số ở nhiều khu vực đã làm người dân phản ứng dữ dội. Ấy là bởi NHTW phản ứng quá chậm với nguy cơ lạm phát. Và niềm tin đã mất.

Hơn đâu hết, chính sách tiền tệ mà số đông không tin thì vứt đi: niềm tin tạo nên kỳ vọng, kỳ vọng định hướng hành động và hành động đám đông mới tạo ra hiệu quả chính sách. Các tuyên bố, lý luận, giải thích công khai là để tạo ra niềm tin và củng cố kỳ vọng.

Người mới được giải Nobel kinh tế, nguyên chủ tịch FED Bernanke đã nói: “Chính sách tiền tệ là 98% nói chuyện và chỉ có 2% hành động” là đấy.

Sẽ căng đấy.

b. Các nhà hoạch định chính sách đang bí.

Một mặt họ cần giảm lạm phát, mặt khác phải duy trì nền tảng tăng trưởng bao gồm hệ thống tài chính khoẻ mạnh về cả thanh khoản lẫn năng lực chi trả và thực hiện cam kết.

Bài toán cũ nhưng bối cảnh mới.

Bối cảnh giờ là rủi ro khủng hoảng hệ thống tài chính tăng cao, chi tiêu của chính phủ tăng không kiểm soát do dịch bệnh và nhu cầu địa chính trị, chi an sinh xã hội tăng do già hóa dân số, chi chống biến đổi khí hậu, giá năng lượng tăng và Green Transformation với ý chí chính trị là chủ đạo (Link 5).

Một số nhà nghiên cứu, bao gồm cả chủ tịch ECB, cho rằng kỷ nguyên tiền tệ dễ dãi gắn với với tăng trưởng thấp, lạm phát thấp và lãi suất thấp ở nhiều nước phát triển trong những năm sau 2010 có thể đã kết thúc.

Vậy sau đó là gì? Động cơ tăng trưởng mới là gì?

Chắc chắn chỉ có những biến đổi mạnh mẽ trong lựa chọn mô hình phát triển kiểu như áp dụng tư tưởng Keynes sau Thế chiến II hoặc lan toả chủ nghĩa tư bản thị trường và toàn cầu hóa sau những năm 1990 mới có thể cải thiện được tình hình. Nhưng mô hình ấy là gì chưa rõ.

Chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm. Chỉ còn đường dân tuý cũ cắn doping tiền tệ dù biết trước hệ quả. Bà Liz Truss cũng chỉ tính làm vậy, tội hơi sớm.

c. Ucraina - Nga leo thang chiến tranh.

Nga sau khi sáp nhập 4 khu vực vốn của Ucraina, bắt đầu dùng tên lửa bắn phá cơ sở hạ tầng, giao thông, năng lượng, căn cứ chỉ huy quân đội Ucraina trên diện rộng - một trong các bước của “kế hoạch 4 bước”. Nga cũng đã chuyển một lượng xăng dầu lớn đến biên giới Ucraina. Đe doạ sử dụng vũ khí chiến thuật tại Ucraina tăng lên. Bất ổn nội bộ cũng tăng.

Ucraina sau chiến thắng chiếm lại một phần lãnh thổ, bắt đầu bắn sang lãnh thổ Nga, phá cầu Crimea. Và tiếp tục tấn công tận dụng đà thắng lợi.

Nga và Thổ bàn kế hoạch xây dựng Thổ thành Hub năng lượng mới.

Mỹ bắt đầu gia tăng sức ép lên Trung Quốc với đe doạ sẽ cấm vận và trừng phạt như với Nga nếu tiếp tục ủng hộ và giao thương với Nga như hiện nay. Quy mô, nếu xảy ra, chắc sẽ lớn hơn với Nga nhiều chục lần.

Leo thang đang ngày càng cao. Các kịch bản đang bàn. Giá đang được tố lên. Đàm phán chưa thấy kết quả.

Chỉ biết rằng thế giới lại chuẩn bị chia đôi. Chỉ còn là chia đôi kiểu gì (link 6).

Những người không tin vào liên minh Trung - Mỹ lúc này hãy nhớ lại:

Đặng Tiểu Bình đã nói: “Nhìn lại, chúng tôi thấy rằng tất cả những quốc gia ủng hộ Mỹ đều trở nên giàu có, trong khi tất cả những quốc gia chống lại Mỹ thì nghèo”.

Ông Tập Cận Bình nói thời TT Obama: "Chúng tôi có hàng nghìn lý do để cải thiện quan hệ Trung-Mỹ, và không có một lý do nào để phá hỏng quan hệ ấy".

Hai người ấy có ảnh hưởng đến Trung Quốc lớn nhất thời bây giờ. Và người Trung Quốc thực dụng không kém Mỹ.

Mới hôm nay Sun Yeli, phát ngôn viên của Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20, cho biết trong cuộc họp báo: “Trung Quốc chưa bao giờ tin và không tin vào cái gọi là bẫy Thucydides”. (Bẫy Thucydides: một khái niệm cho rằng chiến tranh là xu hướng tự nhiên khi một trung tâm quyền lực mới nổi lên đe doạ thay thế trung tâm quyền lực cũ). Rõ là Trung Quốc chưa muốn gây sự với Mỹ. Lúc này. Vì lợi ích quá lớn. Lợi ích kinh tế ấy. Nga khoá Trung bằng cái gì?

Ông Putin, sau 10 năm đầu làm nước Nga mạnh lên, 10 năm sau ông không làm nước Nga giàu lên được. Bây giờ ông trở nên phụ thuộc và khó chủ động tự quyết định số phận nước Nga cũng như của mình hơn.

Nếu điều ấy xảy ra nước Nga dễ lên đường (Link 6). Tất nhiên chưa phải ngay lúc này, khi sự việc chưa chín muồi và thời điểm chưa phù hợp. Trung Quốc vẫn dành cho mình quyền còn được lựa chọn. Và những cái nháy mắt vẫn luôn có cho nhau.

Chả ai muốn bước vào vùng không còn lối xoay xở như ảnh dưới.

Mà nên làm gì khi đi vào nơi như ảnh nhỉ?

Diễn biến địa chính trị dường như là minh hoạ cho kinh tế - tiền tệ.

Hay hơn phim.

PS.:

1. Nội dung bịa hay đọc đâu đó quên mất nguồn.

2. Ảnh cũng lấy trên cõi mạng không nhớ của ai.

3. Ông Tập mới vẽ lại CNXH đặc thù Trung Quốc.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Lý Xuân Hải

Bấm theo dõi để nhận thêm nội dung bổ ích từ chuyên gia này.

Tìm hiểu thêm về chuyên gia.

Hãy chọn VIP/PRO hàng đầu để nhận kho bài viết chuyên sâu

8 Yêu thích
1 Bình luận 4 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại