menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lê Long

Các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ gây ra bao nhiêu tổn thất cho Nga?

Theo nhận định của The Economist, các biện pháp trừng phạt mới được công bố của phương Tây không gây ra nhiều tác động đối với Nga, thậm chí các biện pháp cứng rắn hơn sẽ có thể gây tổn hại ngược lại cho chính phương Tây.

Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận nền độc lập của hai khu vực ly khai ở miền Đông Ukraine vào ngày 21/2, ông biết rằng phương Tây sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt. Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Anh đều đã hứa sẽ có các biện pháp trừng phạt vượt mức áp đặt vào năm 2014, khi Nga sáp nhập Crimea.

Trong vòng một ngày sau quyết định của ông, phản ứng của phương Tây đã được công khai (hiện cả Australia, Canada và Nhật Bản cũng đã tham gia trừng phạt Nga). Vòng trừng phạt này bao gồm các hạn chế đối với việc bán trái phiếu của Nga trên thị trường vốn phương Tây, đóng băng tài sản nước ngoài của một số nhà tài phiệt Nga và con cái của họ, hạn chế đối với các ngân hàng và các nghị sĩ Nga.

Nổi bật nhất là quyết định của Đức đình chỉ việc cấp phép cho dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2), dự án đường ống dẫn khí đốt đã hoàn thành giữa Nga và Đức. Các thông báo trừng phạt được đưa ra cùng với những lời hùng biện cứng rắn từ các nhà lãnh đạo phương Tây.

Nhưng các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ thực sự gây ra cho Nga tổn hại như thế nào, và phương Tây có thể làm gì hơn nữa để ngăn chặn một cuộc tấn công toàn diện? Cho đến nay, nhà lãnh đạo của Nga dường như chưa có dấu hiệu dừng lại. Các bức ảnh vệ tinh do công ty Maxar Technologies công bố vào ngày 22/2 cho thấy, Nga vẫn triển khai quân và thiết bị mới tới gần biên giới Ukraine. Và các biện pháp được phương Tây đưa ra cho đến nay sẽ không gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho nền kinh tế Nga.

Vòng trừng phạt đầu tiên được bắt đầu với một số nhà tài phiệt và những người thân cận với ông Putin. Việc đình chỉ Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 là một cử chỉ quan trọng mang tính biểu tượng, đặc biệt là ở Đức, nơi các chính trị gia đã tranh cãi về dự án trong nhiều năm. Quyết định này sẽ làm tổn hại đến ảnh hưởng của Nga ở châu Âu và niềm tự hào của ông Putin, ngay cả khi đường ống dẫn dầu không tạo ra bất kỳ thu nhập nào cho Nga hiện nay.

Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt tài chính có vẻ mang tính biểu tượng hơn là trừng phạt. Các công ty tài chính Mỹ đã bị cấm mua các khoản nợ mới bằng đồng USD của Nga kể từ năm 2014. Mặc dù các lệnh trừng phạt mới mở rộng điều này sang thị trường trái phiếu thứ cấp, nhưng Nga đã không phát hành trái phiếu bằng đồng USD kể từ năm 2019 và đã tự bảo vệ mình khỏi phụ thuộc vào thị trường vốn phương Tây bằng cách giảm tỷ trọng nợ chính phủ bằng ngoại tệ và tích lũy dự trữ ngoại hối lớn. Các ngân hàng được phương Tây nhắm mục tiêu bao gồm những ngân hàng có liên hệ với quân đội và chế độ, nhưng chỉ là những ngân hàng nhỏ. Chẳng hạn, hai ngân hàng mà Mỹ nêu tên (Ngân hàng VEB và Ngân hàng Quân đội Nga), chỉ chiếm 6% tài sản trong lĩnh vực ngân hàng của Nga vào cuối năm 2020.

Cân nhắc cuối cùng trong các gói trừng phạt là mức độ phối hợp toàn cầu. Ngay cả trong liên minh phương Tây, các lệnh trừng phạt cũng không hoàn toàn gắn kết. Thủ tướng Anh, Boris Johnson, đã bị chỉ trích vì đã bỏ qua hầu hết các nhà tài phiệt Nga, những người có hàng tỷ bảng Anh được cất giữ ở nước này. Ba người mà Anh bị tấn công đều đã là đối tượng của các lệnh trừng phạt của Mỹ. Và trong số năm ngân hàng mà Anh đặt lệnh trừng phạt, ngoại trừ ngân hàng Promsvyazbank, cũng đã là mục tiêu của Mỹ

Thách thức đối với phương Tây hiện nay là đạt được một thỏa thuận tập thể về răn đe Nga, nếu Nga tiếp tục có những hành động tấn công sẽ phải hứng chịu các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn. Giả sử phương Tây có thể làm được điều đó, một số vũ khí kinh tế mạnh mẽ hơn đã có sẵn. Hệ thống tài chính của Nga có thể bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt đối với hai ngân hàng lớn nhất, Sberbank và VTB, hoặc trong một bước đi trừng phạt thậm chí còn nặng nề hơn, bằng cách cắt đứt toàn bộ ngành ngân hàng Nga khỏi mạng lưới của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT).

Về công nghệ, Mỹ có thể chặn việc bán công nghệ như vi mạch cho Nga, sử dụng chính công cụ mà nước này đã sử dụng để trừng phạt tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc. Và phương Tây có thể tìm cách cản trở hoạt động xuất khẩu năng lượng phi khí đốt của Nga. Khí đốt chỉ chiếm chưa đến một phần mười giá trị xuất khẩu của Nga vào năm 2019. Sinh lợi nhiều nhất cho kinh tế Nga lại là dầu, hiện chiếm gần một nửa kim ngạch xuất khẩu.

Các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn như vậy sẽ có một số hạn chế đối với phương Tây. Điều này có thể thúc đẩy sự trả đũa kinh tế từ Nga, dưới hình thức chiến tranh mạng hoặc hạn chế bán khí đốt cho châu Âu. Nga có thể áp đặt chi phí trực tiếp cho các nền kinh tế phương Tây. Chẳng hạn, Nga vẫn là đối tác thương mại lớn thứ năm của EU. Việc cắt đứt nhanh chóng Nga ra khỏi SWIFT có thể gây ra bất ổn trong hệ thống tài chính. Hóa đơn năng lượng ở châu Âu có thể sẽ tăng mạnh.

Hơn nữa, để thực sự có hiệu quả, phương Tây cũng cần đảm bảo rằng các lệnh trừng phạt được thực thi trên toàn cầu. Điều đó có nghĩa là thuyết phục hoặc ép buộc các nước châu Á, bao gồm cả Trung Quốc và Ấn Độ tuân theo, có thể bằng cách đe dọa các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với hai nước này nếu từ chối. Nếu không có bất kỳ chế độ trừng phạt mạnh mẽ hơn, thì các gói trừng phạt này sẽ giống như một cái thùng bị rò rỉ.

Các nước phương Tây khẳng định rằng các biện pháp trừng phạt mới chỉ là sự nếm trải những gì Nga có thể phải đối mặt nếu ông Putin không chịu lùi bước. Anh đã hứa sẽ "tăng cường" các biện pháp của mình. Tuy nhiên, có một giới hạn về mức độ nghiêm khắc mà các nhà lãnh đạo phương Tây có thể đưa ra trong các lệnh trừng phạt trước khi chính công dân phương Tây bắt đầu cảm nhận được tác động. Câu hỏi lớn đặt ra là liệu ngưỡng chịu đựng của họ có thấp hơn mức của ông Putin hay không.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả