Các hãng xe công nghệ “phân chia” phần tăng phí xăng như thế nào?
Xăng dầu tăng mạnh, các hãng xe công nghệ cả Việt Nam lẫn thế giới đều tăng cước. Tuy nhiên có sự khác nhau trong việc “phân chia” phần tăng này giữa các hãng xe Việt Nam và các hãng xe thế giới.
Với Grab, bắt đầu từ ngày 10/3/2022, tất cả các dịch vụ của đơn vị này, bao gồm xe máy, ô tô, giao thức ăn, giao hàng đều tăng cước phí. Cụ thể với xe máy, giá cước mới cho 2km đầu tiên là 12.500đ, mỗi km tiếp theo là 4.300đ. Dịch vụ GrabCar (gọi xe hơi), giá cước mới 2km đầu tiên của xe 4 chỗ là 29.000đ và 7 chỗ là 34.000đ.
Trong khi đó Gojek thông báo tăng giá hai dịch vụ GoRide (gọi xe máy) và GoFood (giao thức ăn). Theo đó 2km đầu tiên GoRide điều chỉnh lên 11.000đ - 13.000đ và tăng từ 500 - 900đ với mỗi km tiếp theo. Còn giá tối thiểu của GoFood tăng thêm 1.000đ so với trước.
Không chỉ ở Việt Nam, các dịch vụ gọi xe trên thế giới cũng phụ thu cước phí để điều chỉnh với tình trạng giá nhiên liệu tăng. Hãng Uber hôm 11/3/2022 vừa đưa ra chính sách phụ thu tạm thời có hiệu lực trong 60 ngày. Mỗi lần đặt dịch vụ Uber, người dùng trả thêm 0,4 hoặc 0,55 USD, còn đặt Uber Eats (giao đồ ăn) thì trả thêm 0,35 hoặc 0,45 USD mỗi đơn.
Lyft, một đối thủ của Uber, cũng thực hiện chính sách tương tự với phần phụ thu 0,55 USD cho mỗi cuốc xe.
Mặc dù cùng tăng giá cước, thế nhưng cách phân chia phần tăng cước này của các hãng gọi xe Việt Nam và thế giới không giống nhau.
Đối với Lyft và Uber, họ tuyên bố rằng khoản phụ thu tạm thời này sẽ được gửi toàn bộ và đi thẳng vào tài khoản tài xế. Hoặc DoorDash, một dịch vụ giao đồ ăn lớn, cũng vừa khởi động chương trình trao thưởng cho tài xế đầu tuần này, trong đó mỗi lần đổ xăng tài xế sẽ được hoàn 10% chi phí nếu họ sử dụng thẻ debit trả trước Dasher Direct.
Còn theo thông tin từ truyền thông, các tài xế xe công nghệ của Grab, Gojek cho biết Grab và Gojek không có chính sách như vậy. Hai dịch vụ này vẫn lấy chiết khấu tính theo giá mới đã tăng. Tức là khi ấy, phần tiền cước tăng thêm vẫn phân chia cho cả công ty lẫn tài xế.
Chính điều này cộng thêm việc khách hàng ít đi vì giá cước tăng, cho nên tuần vừa qua có hiện tượng nhiều tài xế thi nhau tắt app. Nhưng ngược lại, một số ứng dụng khác lại không tăng giá cước cũng khiến nhiều tài xế bức xúc, vì xăng tăng, giá cước không đổi, chiết khấu không đổi, khiến thu nhập của họ bị giảm đi rất nhiều.
Về tình hình này, ông Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, trả lời trên kênh ANTV cho biết, bản thân ông thấy rằng việc các ứng dụng gọi xe tính chiết khấu theo phần cước đã tăng là không hợp lý, bởi tài xế mới là bên chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng tăng. Tuy nhiên, ông cũng nêu rõ việc điều chỉnh giá cước hay chiết khấu giữa dịch vụ gọi xe và tài xế là thỏa thuận tự do của hai bên, do đó cơ quan chức năng cũng không thể can thiệp.
Về phía các ứng dụng, họ cho rằng việc tăng giá cước vẫn là “giúp đối tác gia tăng cơ hội thu nhập trên mỗi chuyến xe, đồng thời bù đắp một phần chi phí vận hành do những biến động về giá xăng và giá tiêu dùng trong nhiều tháng qua”. Khi giá xăng tăng, chi phí vận hành cũng tăng theo, nên việc các ứng dụng phải tăng thu, lấy chiết khấu trên giá mới đã tăng để bù chi phí cũng không phải là không có lý.
Tài xế có lý, công ty cũng có lý, cơ quan chức năng cũng không thể can thiệp, mâu thuẫn này có lẽ phải chờ tới “bàn tay vô hình” của thị trường chăng?
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận