Các hãng thông tấn dự báo người thắng bầu cử Tổng thống như thế nào?
Rất nhiều hãng thông tấn lớn của Mỹ tham gia dự báo kết quả bầu cử tổng thống Mỹ, nhưng chỉ có hãng AP mới được xem là anh cả và tiêu chuẩn vàng trong lĩnh vực này.
Giữa trưa 7/11 (giờ địa phương), nhiều hãng thông tấn lớn của Mỹ như AP, CNN, NBC... đồng loạt công bố ông Joe Biden chiến thắng và trở thành tổng thống tân cử.
Tuy nhiên, ngay từ sáng ngày 6/11, Decision Desk - đối tác dự báo của Vox về cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay - đã gọi tên người chiến thắng là cựu Phó tổng thống Joe Biden. Theo Vox, đây là cơ quan đầu tiên khẳng định về một chiến thắng ngay cả khi nhiều bang chiến trường vẫn gấp rút đếm phiếu.
Thông tin về kết quả bầu cử đáng tin cậy và chắc chắn nhất đương nhiên phải do chính cơ quan bầu cử từng địa phương và liên bang công bố. Tuy nhiên, quá trình này được quy định chặt chẽ trong hiến pháp, và có thể kéo dài đến cả tháng.
Vậy nên các hãng thông tấn tiến hành tự thu thập thông tin bỏ phiếu để đưa ra kết quả dự báo - và thường là chính xác - trong cả thế kỷ qua.
Decision Desk còn là "lính mới" so với những hãng thông tấn lâu đời như NBC, CNN và đặc biệt là AP. Tuy nhiên, những khách hàng đăng ký mua thông tin của công ty này đều là "cỡ bự" như Reuters, FiveThirtyEight, Economist...
Nhờ dự báo của các cơ quan thông tấn mà người dân không phải chờ quá lâu để biết kết quả. Những dự báo thường là chính xác, trừ ngoại lệ duy nhất là cuộc đua năm 2000. (Trên thực tế, chiến thắng của ông George Bush trước ông Al Gore năm đó một phần do sự can thiệp của Tòa án Tối cao).
"Tiêu chuẩn vàng" để dự báo
Tong số các cơ quan đưa ra dự báo kết cục bầu cử tổng thống, AP là hãng chuyên nghiệp và uy tín nhất, được xem là "anh cả" trong lĩnh vực này.
Sally Buzbee, Phó chủ tịch cao cấp của AP đảm nhận giám sát hoạt động dự báo bầu cử, cho biết hãng bắt đầu dự báo kể từ năm 1848. Viện Báo chí Poynter đánh giá AP trở thành "tiêu chuẩn vàng" trong việc dự báo cục diện suốt nhiều thập kỷ qua.
Những người đảm nhận việc phân tích và dự báo đều có chuyên môn cao về khoa học chính trị hoặc những lĩnh vực liên quan.
AP xây dựng một quy trình chặt chẽ và mạng lưới khổng lồ để thu thập và phân tích thông tin. Hãng tuyển hơn 4.000 phóng viên tự do chỉ chuyên cho dự án này.
Các phóng viên được phái đến từng trung tâm bầu cử ở mỗi hạt trên khắp cả nước, thu thập số liệu thô ngay khi được công bố, và gửi về ban đầu não ở AP để tổng hợp. Khoảng 800 thư ký nhập liệu tại trụ sở AP sẽ quét dữ liệu để dò tìm điều bất thường, trước khi đưa các con số vào phần mềm.
Phần mềm xử lý của AP cũng có chức năng tự động cảnh báo nếu số liệu được phát hiện "không đồng nhất hoặc không thể xảy ra về mặt thống kê".
"Các chuyên gia dự đoán kết quả của AP rất thông thạo tình hình từng bang mà họ sẽ tuyên bố người chiến thắng. Phần lớn họ từng dự báo kết quả bầu cử ở các bang trong nhiều năm", AP giải thích trên website. Họ được yêu cầu nắm vững luật bầu cử ở các bang, yêu cầu để kiểm phiếu lại, theo dõi những thay đổi trong luật bầu cử địa phương.
Dù nhóm chuyên gia này tách biệt với việc vận hành tin tức, họ vẫn tương tác qua lại với các phóng viên để nắm bắt tình hình.
Việc dự báo dựa trên tổng số phiếu kiểm đếm được công bố ở mỗi hạt, phân tích dựa trên những cơ sở như thói quen bầu cử ở từng hạt như thế nào, đặc điểm nhân khẩu học ở bang này so với bang khác ra sao...
AP cũng xây dựng hệ thống cập nhật kết quả bầu cử liên tục trong thời gian thực. Bộ dữ liệu tinh vi này của AP giúp ích rất nhiều cho các đài truyền hình cáp, ứng dụng tin tức và những nền tảng xã hội để cập nhật kết quả tức thời đến người dùng.
Trên website của mình, AP tuyên bố đã dự báo chính xác 7.000 người chiến thắng trong mùa tổng tuyển cử năm 2020.
"Chỉ khi AP hoàn toàn tự tin rằng một ứng viên chiến thắng, cũng như đối thủ không còn đường thắng, thì chúng tôi mới tuyên bố", AP viết trên website của hãng.
"Chúng tôi không phỏng đoán", bài giải thích của hãng này khẳng định. Chẳng hạn, khi cách biệt giữa các ứng viên quá nhỏ (dưới 0,5 điểm hoặc ít hơn) thì AP sẽ không vội tuyên bố người thắng.
Không phải phép màu, mà là phép toán
Các chuyên gia dự báo sẽ có quan điểm độc lập với hướng đi của cơ quan. Arnon Mishkin, trưởng nhóm dự báo của Fox News, được nhìn nhận là đứng ngoài bộ sậu cánh hữu trong đài này.
Fox News cũng chính là cơ quan đầu tiên tuyên bố ông Biden chiến thắng ở Arizona - điều khiến ông Trump vô cùng tức giận. Chỉ có AP sau đó đưa ra tuyên bố tương tự như Fox News, dù khoảng cách biệt giữa 2 ứng viên tại thành trì của đảng Cộng hòa này đang thu hẹp dần.
Đài ABC, CBS, CNN và NBC có phương thức dự báo khác nhau trong đêm bầu cử. Những hãng này phụ thuộc vào một đối tác là Dữ liệu Bầu cử Quốc gia Tổng hợp (NEP) để được cung cấp thăm dò hậu bầu cử và các dữ liệu khác. Fox News và AP cũng từng là đối tác của NEP, nhưng rút khỏi sự hợp tác này sau cuộc đua năm 2016.
Theo NBC, NEP tuyển khoảng 4.000 nhân viên để phục vụ cho cuộc đua năm nay, chủ yếu cho hai nhiệm vụ chính là thu thập thăm dò hậu bầu cử, và thu thập số liệu kiểm phiếu ở từng điểm.
NBC khẳng định "kết quả kiểm phiếu được kiểm chứng và thẩm định theo một quy trình nghiêm ngặt. Một bước trong kiểm soát chất lượng là kiểm tra chéo dữ liệu bầu cử xem nó có thống nhất ở các nguồn hay không. Chúng tôi cũng so sánh dữ liệu với những mùa bầu cử trước để xem có sự bất thường cực đoan này hay không".
NBC khẳng định dự báo của họ là độc lập.
Một khách hàng khác của NEP là CNN cho biết quy trình của họ cũng không quá khác biệt.
Jennifer Agiesta, Giám đốc Bộ phận Thăm dò và Phân tích Bầu cử của CNN, nói các chuyên viên của đài "sẽ phân tích xem chúng tôi biết được bao nhiêu về mỗi nhóm phiếu bầu khác nhau, những nhóm cử tri khác nhau ngay trong một bang, các dữ liệu so với kết quả các năm trước như thế nào, và đặc điểm của nhóm phiếu bầu còn chưa kiểm đếm ra sao".
Tỷ lệ phiếu bầu vắng mặt và phiếu bầu qua thư tăng cao kỷ lục trong năm 2020, chủ yếu vì cử tri lo ngại tình hình dịch Covid-19, khiến công tác dự báo bầu cử năm nay càng thêm phức tạp.
"Nếu quá trình đếm phiếu bầu qua thư ở một bang bị chậm lại, thì chúng tôi cũng phải điều chỉnh tiến độ dự đoán. Điều này nhằm bảo đảm chúng tôi có cái nhìn chính xác về nhóm các phiếu còn chưa được kiểm đếm", Phó chủ tịch Buzbee của AP nói.
Bà Agiesta của CNN chia sẻ với quan điểm này. "Số lượng phiếu bầu còn chưa kiểm là rất quan trọng, và cũng là thông tin khó theo dõi nhất trong năm 2020".
Theo bà, khi mà số người bầu cử trực tiếp trong đêm 3/11 giảm đi so với những mùa trước, và một số điểm bỏ phiếu được hợp nhất, thì việc so sánh số cử tri đi bầu tại một điểm so với con số trong quá khứ sẽ "kém giá trị".
Vì những thay đổi này mà các hãng thông tấn tỏ ra thận trọng hơn trong việc đưa ra dự báo tình hình bầu cử năm nay. "Việc dự báo không phải phép màu nào, mà đó là những phép toán", bà Agiesta nói.
"Nếu một ứng viên rõ ràng là đang dẫn đầu cho đến vòng kiểm phiếu hiện tại, nhưng phần phiếu chưa kiểm lại là đến từ nơi vốn ủng hộ ứng viên đang bị dẫn trước, thì sự cách biệt sẽ không duy trì lâu", bà Agiesta phân tích.
"Tuy nhiên, nếu kết quả kiểm phiếu cho thấy sự hiện diện đồng đều về mặt phân bổ địa lý thì đó là một chỉ dấu tốt để đưa vào dự đoán", theo bà Agiesta.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận