Các hãng hàng không Việt Nam đang 'làm ăn" ra sao?
Tính đến cuối tháng 6-2019, các hãng hàng không Việt Nam khai thác đội máy bay gồm 197 chiếc, tăng 30 chiếc so với cùng thời điểm năm 2018, với độ tuổi bình quân là 5,2 tuổi, tỉ lệ sở hữu đạt 27,4%.
Hành khách đang đi máy bay của Jetstar Pacific - Ảnh: C.TRUNG
Tin từ Phòng vận tải hàng không Cục Hàng không Việt Nam cho biết thị trường hành khách hàng không 6 tháng đầu năm 2019 tiếp tục tăng trưởng, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng đã chậm lại so cùng kỳ 2018, với tốc độ tăng trưởng đạt 9,4% so cùng kỳ 2018, và sản lượng đạt 38,5 triệu khách.
Năm 2019, thị trường hàng không có sự tham gia của hãng hàng không mới là Bamboo Airways.
Hiện tại có 72 hãng hàng không quốc tế và 4 hãng không Việt Nam khai thác hơn 200 đường bay quốc tế thường lệ và thuê chuyến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ đến 8 điểm ở Việt Nam (Hà Nội, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Phú Quốc, Cần Thơ, Cát Bi, Đà Lạt).
Tổng thị trường 6 tháng đạt 20,2 triệu khách, tăng 12,5% so cùng kỳ 2018.
Các hãng hàng không Việt Nam hiện đang khai thác 155 đường bay thường lệ và thuê chuyến thường lệ đến 89 điểm của 20 quốc gia và vùng lãnh thổ với thị phần đạt 41%, tổng khách vận chuyển đạt 18,3 triệu khách, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Thị phần cụ thể như sau: Vietnam Airlines: 35,9%, VASCO 2%, Vietjet chiếm 44%, Jetstar Pacific chiếm 13,9% và Bamboo Airways chiếm 4,2%.
Theo Phòng vận tải hàng không, tính 31-6-2019, các hãng hàng không Việt Nam khai thác đội máy bay gồm 197 chiếc, tăng 30 chiếc so với cùng thời điểm năm 2018 với độ tuổi bình quân là 5,2 tuổi, tỷ lệ sở hữu đạt 27,4%.
Trong khi đó, việc khai thác của các hãng trong nữa đầu năm 2019 hơn 153.000 chuyến bay, trong đó 130.000 chuyến đúng giờ và 274 chuyến hủy.
Đánh giá của Phòng vận tải hàng không, Vietjet và VASCO là hai hãng hàng không có số chuyến bay hủy cao so với các hãng hàng không còn lại với 110 chuyến hủy.
Trong đó, nguyên nhân hủy chuyến của VASCO có 75 chuyến do thời tiết và 36 chuyến bị lỗi kỹ thuật.
Còn nguyên nhân hủy chuyến của Vietjet tăng (hủy chuyến trong giai đoạn từ ngày 13-6 đến ngày 16-6) là do một số phi công của hãng có thời gian làm việc quá quy định.
Nguyên nhân này xuất phát từ việc Vietjet chuyển đổi phần mềm quản lý thời gian làm việc, nghỉ ngơi của thành viên tổ bay từ hệ thống phần mềm cũ (Geneva) sang hệ thống phần mềm quản lý mới (AIMS).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận