Các hãng hàng không châu Á "bay" trong lo lắng
Chính sách hạn chế đi lại, đóng cửa biên giới, và nỗi lo về sự lây lan của dịch bệnh đã khiến nhu cầu đi lại bằng đường hàng không sụt giảm nghiêm trọng và các hãng hàng không gặp rắc rối về tài chính
Mới đây, hãng hàng không giá rẻ AirAsia Group cho biết sẽ bán 32,67% cổ phần trong đơn vị kinh doanh tại Ấn Độ cho Tata với giá 37,7 triệu USD. Trước đó AirAsia cũng quyết định rút khỏi Nhật Bản, nơi công ty con của hãng này nộp đơn phá sản vào tháng 11/2020.
Những động thái trên cho thấy các hãng hàng không của châu Á đang đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Chính sách hạn chế đi lại, đóng cửa biên giới, và nỗi lo về sự lây lan của dịch bệnh đã khiến nhu cầu đi lại bằng đường hàng không sụt giảm nghiêm trọng và các hãng hàng không gặp rắc rối về tài chính.
Theo công ty dữ liệu hàng không OAG Aviation Worldwide số lượng đặt vé máy bay trên toàn cầu trong năm nay giảm hơn 2,6 tỷ lượt so với năm ngoái và bằng khoảng một nửa mức của năm 2019. Trong khi đó, công ty dữ liệu hàng không Cirium ước tính lưu lượng hành khách trong năm nay giảm 67% so với năm 2019 và ngang bằng với mức năm 1999.
Tháng 11/2020, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) ước tính các hãng hàng không sẽ khép lại năm 2020 với khoản lỗ ròng 118 tỷ USD, vượt xa mức dự báo 84 tỷ USD hồi tháng Sáu.
Hãng hàng không Korean Air và Asiana Airlines của Hàn Quốc đang tiến tới hợp nhất thông qua một thương vụ sáp nhập. Trước động thái này, các chuyên gia trong ngành cho rằng các hãng hàng không châu Á khác có thể sẽ bị buộc phải có những bước đi tương tự tại một khu vực được đánh giá là dư thừa công suất ngay cả trước khi đại dịch bùng phát.
Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý tình thế khó khăn hiện nay cũng mở ra một cơ hội hiếm có cho các đối thủ nhanh nhẹn và tự tin, sẵn sàng mở rộng trong giai đoạn suy thoái và đặt cược vào các xu hướng dài hạn.
Theo số liệu của IATA, trong tháng 10/2020 nhu cầu du lịch quốc tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã giảm 96% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức giảm 83% của châu Âu và 88% của Bắc Mỹ, khi nhiều quốc gia ở châu Á vẫn áp dụng chính sách đóng cửa đối với du khách quốc tế.
Trước khi đại dịch bùng phát, châu Á - Thái Bình Dương đã trở thành thị trường lớn nhất của ngành hàng không. Năm 2019, khu vực này chiếm 35% lượng hành khách, so với 27% của châu Âu và 22% của Bắc Mỹ./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận