Các hãng bay vẫn lo xoay tiền khi trở lại bầu trời quốc tế
Các đường bay quốc tế đã được tính toán đề mở cửa trở lại, các hãng bay cũng sẵn sàng “xuất ngoại” sau một thời gian dài dựa hoàn toàn vào thị trường nội địa. Động thái này đã mở ra cơ hội phục hồi cho ngành hàng không, tuy nhiên nỗi lo trước mắt của các hãng vẫn là tìm dòng tiền cho hoạt động kinh doanh sau hơn một năm bay trong thua lỗ.
Các báo cáo triển vọng của ngành hàng không được các đơn vị nghiên cứu đưa ra gần đây cũng dự báo việc các hãng bay sẽ trở lại bầu trời quốc tế từ nửa sau của năm 2021. Cho dù đây là thông tin mang tính tích cực nhưng các đơn vị này đều cảnh báo doanh thu toàn ngành sẽ giảm và các hãng vẫn tiếp tục lỗ. Trên cơ sở dự báo này, việc chuẩn bị dòng tiền đảm bảo cho việc khai thác các mạng bay quốc tế lẫn mở rộng các đường bay trong nước đang được các hãng gấp rút thực hiện.
Các hãng đã sẵn sàng bay quốc tế
Sau khi chuyến bay thương mại chở khách về Việt Nam được thí điểm thành công ít ngày trước, Cục Hàng không đã trình Bộ Giao thông Vận tải kế hoạch nối lại đường bay thương mại quốc tế chở khách về Việt Nam, tiến tới áp dụng "hộ chiếu vaccine" hay còn được gọi là "visa vaccine".
Tuy vậy, không đợi tới lúc “hộ chiếu vaccine” được áp dụng, các hãng hàng không Việt đã chủ động mở lại đường bay quốc tế trong điều kiện được cho phép và đảm bảo phòng chống dịch bệnh. Kế hoạch nối lại các chuyến bay quốc tế từ Việt Nam đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan được các hãng công bố ngay từ đầu tháng 4 này.
Hiện nay, theo quy định nhập cảnh của các nước, các chuyến bay từ Việt Nam chỉ phục vụ nhu cầu của người Việt đi học tập, lao động, thăm thân ở nước ngoài, người nước ngoài từ Việt Nam về nước và phù hợp với các quy định về nhập cảnh của các nước.
Hành khách cần chủ động tham khảo các quy định nhập cảnh được thông báo chính thức bởi Đại sứ quán các nước để đảm bảo các giấy tờ, thủ tục cần thiết.
Đối với việc chở khách từ nước ngoài về, theo quy định nhập cảnh hiện tại của Chính phủ Việt Nam, Vietnam Airlines vẫn tiếp tục vận chuyển theo sự phân bổ của cơ quan chức năng dưới hình thức các chuyến bay hồi hương và chuyến bay chở chuyên gia.
Mở lại đường bay quốc tế là cơ hội để các hãng hàng không nới rộng không gian tăng trưởng doanh thu sau một năm phụ thuộc vào thị trường nội địa. Tuy nhiên trước khi cơ hội này mở ra thì nhiều hãng cũng đối diện với tình trạng cạn dòng tiền hoạt đọng và mong muốn được tiếp cận với các gói vay ưu đãi.
Nỗi lo thường trực về tìm kiếm dòng tiền
Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA) có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hàng không gặp khó khăn do Covid-19. Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh các hãng hàng không đều lên tiếng về rủi ro cạn dòng tiền do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Trong 2 tháng đầu năm 2021, vận chuyển khách quốc tế chỉ đạt 66.600 khách, giảm 98,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Các hãng hàng không trong nước vẫn chờ các khoản vay ưu đãi. Ảnh minh họa: QD
VABA cũng dự báo năm 2021, doanh thu các hãng hàng không vẫn tiếp tục giảm sâu so với năm 2019 và các hãng vẫn lỗ trên 15.000 tỉ đồng từ vận tải hàng không. Đặc biệt, do năm 2020, các hãng đã phải chuyển nhượng tài sản và các khoản đầu tư, tài chính tích lũy từ nhiều năm trước để cải thiện dòng tiền nên năm nay dòng tiền sẽ cạn bởi doanh thu mùa Tết Nguyên Đán đã thất bại.
Vietnam Airlines sẽ bay từ Hà Nội đi Seoul (Hàn Quốc) vào thứ Năm hàng tuần; các chuyến bay từ Hà Nội đi Tokyo sẽ khởi hành vào các ngày 3,8,11,16,23,27,29 tháng 4. Trong tháng 5 và 6, tần suất khai thác sẽ có 2 chuyến/tuần vào các ngày thứ Năm và thứ Bảy.
Đối với các chuyến bay từ Hà Nội đi Sydney khởi hành vào thứ Bảy hàng tuần; đối với chuyến bay từ TPHCM đi Sydney khai thác 2 chuyến/tuần vào các ngày thứ thứ Năm và Chủ Nhật.
Vietjet mở lại một số đường bay quốc tế đến Hàn Quốc, Thái Lan… Cụ thể, các chuyến bay từ TPHCM đi Bangkok (Thái Lan) khởi hành thứ Sáu hàng tuần. Chuyến bay từ Hà Nội đi Seoul (Incheon, Hàn Quốc) dự kiến khởi hành ngày 15-4.
Còn các chuyến bay từ Hà Nội đi Tokyo (Narita, Nhật Bản) dự kiến khởi hành ngày 6, 7, 10, 11, 12, 13, 14, 19, 20, 23, 26, 29, 30 tháng 4. Đối với các chuyến bay từ Hà Nội đi Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) dự kiến khởi hành ngày 11-4.
Riêng Bamboo Airways, hãng này đã được Hội đồng sân bay Vương quốc Anh cấp slot (giờ điều phối cất, hạ cánh của chuyến bay) để khai thác 6 chuyến bay/tuần tới sân bay Heathrow, bao gồm slot bay 3 chuyến vào các thứ Ba, thứ Năm, Chủ Nhật từ sân bay Heathrow đi sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM); và 3 chuyến đi sân bay Nội Bài (Hà Nội) vào các thứ Hai, thứ Tư và thứ Bảy.
Mới đây, Vietnam Airlines đã được hỗ trợ tín dụng 4.000 tỉ đồng, vì thế nhiều hãng hàng không khác cũng mong muốn nhà nước mở rộng các khoản vay này. Trong đó, Vietjet đề nghị được vay tín dụng 4.000 - 5.000 tỉ đồng trong 3 năm 2021-2023 và được hỗ trợ lãi suất khoảng 4% cho khoản này. Bamboo Airways đề nghị được vay dài hạn 5.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi dưới hình thức tái cấp vốn lãi suất 0% và 5.000 tỉ đồng vay dài hạn khác từ các ngân hàng thương mại với lãi suất được hỗ trợ…
Đồng thời với các đề xuất trên, các hãng bay này cũng đã chủ động xoay sở dòng tiền để đáp ứng cho hoạt động kinh doanh hiện tại. Hầu hết các hãng đều phát hành cổ phiếu cho cổ đông để tăng vốn lưu động hỗ trợ cho hoạt đọng kinh doanh.
Trong đợt tăng vốn từ 7.000 tỉ đồng lên 10.500 tỉ đồng hồi tháng 2, Bamboo Airways cho biết hãng chủ động huy động vốn để tăng cường năng lực về mặt tài chính, bao gồm huy động vốn từ các cổ đông lớn, trong đó có công ty mẹ là tập đoàn FLC(sở hữu 51,29% cổ phần). Ngoài huy động vốn, hãng còn làm việc với các đối tác ngân hàng, định chế tài chính để điều chỉnh các điều khoản tài chính cho phù hợp. Thậm chí để củng cố dòng tiền, hãng bay này còn tính toán đến việc niêm yết trong thời gian tới.
Vietnam Airlines là hãng duy nhất tiếp cận với vốn ưu đãi, nhưng với khoản lỗ hơn 11.000 tỉ đồng năm 2020 thì doanh nghiệp này cũng phải huy động thêm vốn để cân đối. Do vậy, hãng cũng đưa ra kế hoạch tăng vốn 8.000 tỉ đồng từ phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Đây là một trong những giải pháp để “giải cứu” hãng hàng không quốc gia, được thông qua vào tháng 12 năm ngoái.
Về trung, dài hạn, Vietnam Airlines kiến nghị Chính phủ bảo lãnh cho hãng phát hành trái phiếu 10 năm, quy mô 10.000 tỉ đồng để thực hiện dự án đầu tư đội máy bay giai đoạn 2021-2025.
Với Vietjet Air, tín hiệu từ các gói vay ưu đãi vẫn chưa được phản hồi nên hãng cũng chủ động tìm kiếm dòng tiền cho hoạt động kinh doanh. Mới đây, hãng này đã đăng ký bán sạch 17 triệu cổ phiếu quỹ đang năm giữ tương đương 3,28% vốn điều lệ. Theo thời giá cổ phiếu hiện tại doanh nghiệp này ước tính thu về 2.400 tỉ nhằm tăng nguồn vốn lưu động.
Có thể nói, việc trở lại đường bay quốc tế sẽ mở ra cơ hội cho tất cả các hãng nội địa hiện nay, nhưng thách thức không hề nhỏ vì dự báo chung về thị trường quốc tế không mấy sáng sủa. Theo tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng ghế cung ứng của ngành hàng không giảm từ 42-47%. Sản lượng khách vận chuyển giảm từ 47-57% và doanh thu sẽ giảm từ 156-181 tỉ đô la so với năm 2019. Thực trạng trên ảnh hưởng bất lợi tới tình hình tài chính của ngành hàng không toàn cầu. Năm 2021, các hãng hàng không sẽ phải gánh khoản nợ trên 220 tỉ đô la và tiếp tục âm tiền mặt.
Thị trường toàn cầu đang tương đối tiêu cực trong khi hàng không nội địa cũng tổn thương nặng nề sau một năm khủng hoảng, việc tìm tiền để hoạt động vẫn là mối quan tâm lớn của các hãng trước khi tiếp cận với các cơ hội phục hồi như mạng bay quốc tế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận