Các gia tộc siêu giàu dùng tiền làm "ngập" bầu cử Mỹ, tầm ảnh hưởng ra sao?
Chỉ riêng 150 gia tộc tỷ phú đã chi gần 1,4 tỷ USD cho chu kỳ bầu cử năm 2024, theo một nghiên cứu được tổ chức Người Mỹ vì Công bằng Thuế (ATF) công bố trong tháng 9.
Con số đáng kinh ngạc này đã vượt quá số tiền đóng góp của gần 700 tỷ phú cá nhân trong toàn bộ chiến dịch tranh cử ở Mỹ năm 2020.
Và các gia tộc tỷ phú còn có rất nhiều tiền để đóng góp. Bởi vì họ cực kỳ giàu có – tổng tài sản ròng của nhóm người chi tiêu chính trị hàng đầu này ước tính vào khoảng 2,3 nghìn tỷ USD – bởi vậy chi tiêu chính trị ngay cả ở mức cao này cũng không gây căng thẳng tài chính cho họ.
Trung bình mỗi gia đình tỷ phú này đóng góp chính trị 9,2 triệu USD, chỉ bằng 0,06% tổng tài sản của họ. Đối với một gia đình trung bình ở Mỹ, 0,06% giá trị tài sản ròng của họ là khoảng 120 USD, một khoản đóng góp tương đối khiêm tốn. Nói cách khác, nhóm tỷ phú nhỏ bé này có sức mạnh chi tiêu chính trị tương đương 11,5 triệu gia đình bình thường.
Nghiên cứu mới nhất của ATF là một phần trong loạt nghiên cứu kéo dài nhiều năm về ảnh hưởng chính trị của các tỷ phú, đặc biệt tập trung vào chi tiêu trong các cuộc đua quan trọng ở Quốc hội. Một báo cáo khác tập trung vào cuộc đua Tổng thống – nơi phần lớn số tiền của các tỷ phú sẽ được đổ vào.
Nhiều người dân Mỹ đã đặt ra hai câu hỏi. Đầu tiên là làm thế nào mà các gia tộc tỷ phú có nhiều tiền đến mức họ có thể chi hơn 1 tỷ USD để gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử. Thứ hai là cách mà hệ thống của Mỹ cho phép họ bơm lượng tiền khổng lồ vào các chiến dịch tranh cử.
Câu trả lời cho câu hỏi đầu tiên có vẻ hiển nhiên: nhóm này có rất nhiều tiền để chi tiêu vì họ là tỷ phú. Nhưng ngay cả một gia đình tỷ phú cũng có thể ngần ngại chi hàng chục triệu USD cho các chiến dịch tranh cử nếu họ không chắc tài sản của mình sẽ tiếp tục tăng nhanh và liệu có bị đánh thuế hay không.
Trên thực tế, tài sản của các tỷ phú đã tăng gấp 9 lần trong quý đầu tiên của thế kỷ này, lên mức chưa từng có là 6 nghìn tỷ USD tính đến tháng 7 năm ngoái. Tài sản chung của các tỷ phú Mỹ đã tăng hơn gấp đôi kể từ khi luật thuế của ông Donald Trump có lợi cho người giàu được ban hành vào năm 2017.
Tuy nhiên, bất chấp khối tài sản khổng lồ ngày càng tăng này, các tỷ phú đóng thuế tương đối ít. Một số năm nhất định, một số người trong số họ không phải trả bất kỳ khoản thuế thu nhập liên bang nào cả. Đó là do bản chất thu nhập của họ: thay vì tiền lương – thứ dễ dàng theo dõi và đánh thuế – các tỷ phú phần lớn sống nhờ vào sự gia tăng giá trị đầu tư của họ. Trừ khi họ bán những khoản đầu tư đó, hình thức thu nhập đó sẽ không bao giờ bị đánh thuế.
Câu hỏi thứ hai là, các gia tộc tỷ phú đổ lượng lớn tiền vào tranh cử theo cơ chế nào. Không có giới hạn về đóng góp cho chiến dịch tranh cử?
Trên thực tế, Mỹ có giới hạn về số tiền quyên góp trực tiếp cho các ứng cử viên, các đảng ủy và ủy ban hành động chính trị (PAC). Ví dụ, đối với chu kỳ bầu cử hiện tại, các nhà tài trợ cá nhân có thể đóng góp không quá 3.300 USD cho một ứng cử viên và 5.000 USD cho PAC.
Tuy nhiên, vào năm 2010, Tòa án Tối cao Mỹ đã tạo ra một hệ thống tài trợ tranh cử song song, trong đó không có giới hạn các khoản tiền đóng góp: siêu Uỷ ban hành động chính trị (super PAC). Hạn chế duy nhất là các super PAC không được phép “điều phối” các hoạt động của họ với các chiến dịch tranh cử – họ chỉ được phép thực hiện “chi tiêu độc lập”.
Nhưng trên thực tế, các chiến dịch tranh cử và các super PAC luôn phối hợp với nhau, thông qua nhiều hoạt động bất hợp pháp khác nhau, bao gồm cả việc trao đổi đội ngũ nhân viên. Kết quả là super PAC chỉ độc lập trên danh nghĩa: các tỷ phú có thể chắc chắn rằng số tiền không giới hạn mà họ đóng góp cho chúng sẽ được sử dụng một cách hiệu quả để hỗ trợ các ứng cử viên ưa thích của họ.
Super PAC có tên “Make America Great Again Inc.” đã tính đến cuối tháng 8 đã rót hơn 256 triệu USD cho chiến dịch tranh cử của ông Trump, 75% lượng tiền này đến từ khoảng 150 gia đình tỷ phú. Trong khi đó, super PAC “Future Forward USD” đổ 164 triệu USD cho chiến dịch của bà Kamala Harris, trong đó 29% được huy động từ các tỷ phú.
10 super PAC nhận được nhiều tiền quyên góp nhất từ các gia tộc tỷ phú (Ảnh: AFT)Tại sao các tỷ phú chi mạnh tay cho bầu cử?
Một lý do khiến 2/3 số tiền quyên góp chính trị của các gia đình tỷ phú ủng hộ các ứng viên đảng Cộng hòa và ứng viên bảo thủ (trong cả bầu cử Tổng thống và lưỡng viện Quốc hội) là bởi đảng Cộng hòa hứa hẹn sẽ cắt giảm thuế cho giới tỷ phú trong khi đảng Dân chủ lại muốn tăng.
Hơn 900 triệu USD đóng góp chính trị hỗ trợ các ứng cử viên đảng Cộng hòa cũng chỉ là một khoản đầu tư nhỏ nếu so với số tiền mà các gia tộc tỷ phú có thể tiết kiệm được nếu như chính sách thuế của đảng Cộng hòa được áp dụng – hay so với số tiền họ sẽ phải chi thêm nếu chính sách thuế của đảng Dân chủ được ban hành.
Chính sách thuế mà đảng Dân chủ đề xuất đe dọa trực tiếp đến tài sản của các gia tộc tỷ phú: đánh thuế vào mức tăng trưởng của những tài sản mà họ đang sở hữu. Chính sách thuế mới này dự kiến sẽ đánh thuế vào mức tăng hàng năm về giá trị (lãi vốn) từ khoản đầu tư của các hộ gia đình giàu có nhất nước Mỹ. Theo luật hiện hành, những khoản lợi nhuận đó có thể không bao giờ bị đánh thuế.
Việc đánh thuế lợi tức đầu tư, cho dù khoản đầu tư ban đầu đã được bán hay chưa, là cần thiết để đánh thuế đầy đủ những người siêu giàu vì họ có thể hưởng lợi từ lợi nhuận mà không cần bán.
Số lợi nhuận không bị đánh thuế mà các tỷ phú và những người có tài sản ít nhất 100 triệu USD được hưởng là đáng kinh ngạc: 8,5 nghìn tỷ USD tính đến năm 2022 và chắc chắn là còn nhiều hơn thế nữa ở thời điểm hiện tại.
Nếu chính sách của đảng Dân chủ được thực thi, nó sẽ huy động được hơn nửa nghìn tỷ USD doanh thu thuế trong vòng 10 năm, chỉ riêng từ các gia đình giàu nhất nước Mỹ. Không có gì ngạc nhiên khi các gia đình tỷ phú đang chi mạnh tay để đánh bại những người ủng hộ loại thuế như vậy.
Một kế hoạch cải cách thuế khác của đảng Dân chủ cũng sẽ tác động đến các gia đình tỷ phú, khi tài sản của họ được truyền lại qua các thế hệ.
Ở Mỹ, khi một nhà đầu tư mua cổ phiếu với giá 100 USD và sau đó bán nó với giá 300 USD, anh ta sẽ phải đóng thuế đối với khoản lãi 200 USD. Nhưng nếu nhà đầu tư qua đời mà không bán cổ phiếu, thì người thừa kế số tiền lãi đó sẽ không bao giờ phải trả thuế cho số tiền đó. Chính quyền Biden-Harris đã đề xuất rằng khoản đầu tư có lãi trên 10 triệu USD mỗi cặp vợ chồng sẽ bị đánh thuế khi thừa kế.
Ưu tiên thuế hàng đầu của ông Trump và đảng Cộng hòa hiện tại là gia hạn vĩnh viễn các phần của luật thuế năm 2017, dự kiến hạn vào cuối năm 2025, và luật này chủ yếu mang lại lợi ích cho những người giàu có. Ngược lại, đảng Dân chủ cho biết họ muốn để các phần tạm thời của luật thuế của đảng Cộng hòa hết hạn.
Tiền có tác động tới kết quả bầu cử?
Vậy dòng tiền khổng lồ của giới tỷ phú có quyết định kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 hay không?
“Bất kể số tiền mà giới siêu giàu bỏ vào quá trình này, dù là minh bạch hay là các ‘khoản tiền đen tối’, cuộc bầu cử cuối cùng vẫn do các cử tri quyết định”, trang phân tích chính trị Common Dreams của Mỹ nhận định.
Nước Mỹ hiện có khoảng 800 tỷ phú USD, nhưng có tới khoảng 244 triệu người Mỹ đủ điều kiện bỏ phiếu trong cuộc bầu cử năm nay.
Tuy nhiên, việc dòng tiền của giới tỷ phú Mỹ góp phần tạo nên thành công cho một ứng cử viên là điều không thể phủ nhận. Do kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ thường phụ thuộc vào một số bang chiến trường, nên việc các tỷ phú bơm tiền vào những bang như vậy để huy động cử tri sẽ giúp ích cho ứng viên Tổng thống mà họ ưa thích
Đơn cử, super PAC có tên “America PAC” của tỷ phú Elon Musk đang tập trung vận động cử tri ở các bang chiến trường có thể quyết định kết quả bầu cử. America PAC đã chi nhiều tiền cho các quảng cáo và nhân viên để gõ cửa từng nhà khuyến khích mọi người đi bỏ phiếu.
Trong bối cảnh nhiều người giàu nhất thế giới đang chi hàng trăm triệu USD để giúp ứng cử viên ưa thích của họ giành chiến thắng, thì chỉ có một số ít tỷ phú có thể giúp xoay chuyển kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận