'Các dự án bất động sản ma, dự án trái pháp luật liệu có sự tiếp tay của cán bộ công quyền?'
Nhiều đại biểu Quốc hội đặt vấn đề có phải do cơ chế, kẻ hở của pháp luật, sự lỏng lẻo của quản lý nhà nước, cũng như sự tiếp tay của cán bộ công quyền khiến cho các dự án ma, dự án trái pháp luật ‘hoành hành’ trong thời gian qua, điển hình như dự án lừa đảo của CTCP Địa ốc Alibaba.
Trong phần thảo luận tại phiên thảo luận chiều 4/11 của Quốc hội về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019, đại biểu Phạm Đình Cúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, trong thời gian qua nhiều vụ án lừa đảo lớn, nhưng không được phát hiện, điều tra, xử lý ngay từ khi mới manh nha mà chỉ đến khi vụ việc xảy ra rất nghiêm trọng mới được phát hiện, xử lý.
“Cụ thể, vụ Công ty Địa ốc Alibaba lừa đảo khoảng 6.700 khách hàng, thiệt hại khoảng 2.500 tỷ đồng, huy động của khách hàng tại TP.HCM, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Do vậy, cần phải làm tốt hơn nữa công tác phòng ngừa”, đại biểu Phạm Đình Cúc nói.
Cũng theo đại biểu Phạm Đình Cúc, công tác phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều chỉ tiêu của Nghị quyết số 63 của Quốc hội. Tuy nhiên, một số lĩnh vực phát hiện còn chậm, chưa tương xứng, chưa phản ánh đúng tình hình vi phạm trên thực tế, như môi trường tham nhũng sử dụng mạng Internet, mạng viễn thông cũng cần phải có những giải pháp quyết liệt hơn để phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật.
Tại buổi thảo luận, đại biểu Phạm Đình Cúc cũng bày tỏ đồng tình với đề xuất ban hành một nghị quyết để thay thế các nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp trong thời gian qua. Qua đó, đại biểu cũng đề nghị Quốc hội xem xét, tạo điều kiện cho các ngành tư pháp sau khi thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39 ngày 17/4/ 2015 của Bộ Chính trị được tuyển lại số mới biên chế bằng 50% số biên chế đã tinh giảm để bổ sung nguồn nhân lực mới cho các ngành tư pháp, để thực hiện chức năng, nhiệm vụ mới do các luật mới về tư pháp mới được ban hành và do số dự án tăng trong thời gian qua.
Trước đó, ngày 31/10, tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội, ngân sách năm 2019, đề cập đến nói trên, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (đoàn Hậu Giang) cho biết, một số địa phương trong cả nước xảy ra nhiều vụ sai phạm tại các công trình xây dựng, các dự án lớn liên quan đến đất đai.
Theo đại biểu Nguyễn Thanh Thủy, các dự án sai phạm về việc chưa được cấp phép, chưa được phê duyệt... nhưng chủ đầu tư vẫn hợp đồng mua bán với người dân công khai. Điển hình vụ lừa đảo lớn của Công ty địa ốc Alibaba.
“Tôi đã gặp nhiều cử tri, họ đặt vấn đề có hay không sự buông lỏng quản lý, tiếp tay của cán bộ công quyền cho các dự án ma, dự án xây dựng đồ sộ, trái pháp luật tồn tại trong thời gian qua?”, bà Thủy nói.
Từ những vấn đề đó, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy kiến nghị Chính phủ chỉ đạo, xử lý nghiêm trách nhiệm quản lý của cơ quan có thẩm quyền, nhất là trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm ở địa phương.
Cùng quan điểm với bà Thủy, đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) cho rằng, vụ Alibaba lừa dân bán bất động sản ảo, diễn ra nhiều năm, số nạn nhân lên đến hàng nghìn, số thiệt hại rất lớn, mà bộ máy chính quyền cơ sở vẫn "thúc thủ" như chưa hề có chuyện gì nghiêm trọng cho đến khi người dân và dư luận lên tiếng.
Sáng 5/11, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận về các các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019.
Theo đó, tại phiên thảo luận, đại biểu Đinh Duy Vượt (đoàn Gia Lai) cho biết, hiện nay tình trạng nhiều băng nhóm, đường dây hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hàng trăm tỷ đồng xuất hiện với mức độ ngày càng nghiêm trọng, xảy ra nhiều nơi đã ảnh hưởng đến tình hình trật tự an ninh, kinh tế - xã hội, gây nhiều bức xúc trong dư luận.
Theo đại biểu Đinh Duy Vượt, việc cơ quan điều tra khởi tố các vụ án trên và sự quyết liệt trấn áp các thủ đoạn lừa đảo tinh vi để truy tố trước pháp luật vừa qua của cơ quan tố tụng được dư luận đồng tình, đánh giá cao. Tuy nhiên, hiện lĩnh vực bất động sản đang là môi trường cho các đối tượng lừa đảo hoành hành, tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu cho các tổ chức tín dụng cho vay, vô tình tiếp tay cho dự án "ma" và các băng nhóm lừa đảo.
“Hiện nay còn nhiều công ty lừa đảo, hoạt động kiểu Công ty Địa ốc Alibaba, Công ty Angel Lina hình thành dự án ma, phân lô bán nền, sinh ra liên minh ma quỷ, băng nhóm xã hội đen với thủ đoạn chuyên nghiệp, tinh vi.
Ban đầu họ vẽ dự án, giới thiệu rầm rộ, giăng bẫy người mua để thu tiền. Sau đó, bằng các hợp đồng ủy quyền, các đối tượng này sang nhượng bán dự án lòng vòng theo kiểu "ve sầu lột xác" để lừa lọc không chừa một ai, đẩy hàng trăm gia đình vào hoàn cảnh khốn khổ, thậm chí đến đường cùng”, ông Vượt dẫn chứng.
Qua đó, đại biểu Đinh Duy Vượt đề nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tăng cường chỉ đạo công tác thanh kiểm tra ngăn chặn kịp thời, cũng như chính quyền địa phương, bộ trưởng Bộ Công An, các cơ quan tố tụng cần tập trung chỉ đạo tấn công quyết liệt, điều tra truy tố và trừng trị nghiêm những liên minh ma quỷ, nhóm tội phạm trong lĩnh vực bất động sản. Đồng thời xử lý nghiêm những công chức tiếp tay, làm ngơ, bảo kê để dự án “ma” và các công ty lừa đảo.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận