Các đợt phát hành mới hút dòng tiền của thị trường chứng khoán
Kế hoạch phát hành cổ phần tăng vốn của doanh nghiệp niêm yết sẽ hút một lượng tiền lớn trên thị trường vào doanh nghiệp.
Nhanh tay phát hành
Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2021, đã có hơn 20 doanh nghiệp hoàn tất chào bán cổ phiếu cho cổ đông để tăng vốn như Novaland (NVL), SAM Holdings (SAM), Tài chính Hoàng Minh (KPF), Bamboo Capital (BCG), Hưng Thịnh Incons (HTN), Tập đoàn An Phát Holdings (APH)…
Tổng khối lượng cổ phiếu phát hành hơn 690 triệu cổ phiếu và giá trị huy động hơn 11.100 tỷ đồng, tương đương quy mô vốn điều lệ của Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải (MSB) mới niêm yết (11.157 tỷ đồng).
Có những doanh nghiệp tăng vốn điều lệ lên gấp 2 lần như Đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ) và Vinafreigt (VNF), SCI E&C (SCI), thậm chí Khoáng sản Miền Đông AHP (BMJ) tăng vốn lên gấp 5 lần ban đầu.
Đa phần các đợt phát hành đều có tỷ lệ thành công khá cao, từ trên 90% đến 100%. Trong trường hợp EVG, ban đầu chỉ có 61,4% cổ phiếu chào bán được cổ đông thực hiện quyền mua, nhưng hơn 17 triệu cổ phiếu quyền mua còn lại (38,6% cổ phần của đợt phát hành) bị cổ đông bỏ quyền sau đó đã được phân phối riêng lẻ thành công.
Trong một số đợt chào bán chưa hoàn tất hoặc có báo cáo kết quả như của CKG hay APH, tỷ lệ chào bán thành công cũng được dự báo ở mức cao khi thị giá cổ phiếu cao hơn đáng kể so với giá phát hành, khuyến khích cổ đông nộp tiền.
Chẳng hạn, trước thời điểm hết hạn nộp tiền, thị giá CKG trên 15.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 50% giá phát hành hay thị giá APH hiện trên 50.000 đồng/cổ phiếu trong khi giá phát hành chỉ 10.000 đồng/cổ phiếu.
Các công ty chứng khoán là nhóm có áp lực tăng vốn lớn nhất để đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ tài chính cho khách hàng cũng liên tiếp lên kế hoạch phát hành cổ phiếu. Kế hoạch chào bán 220,43 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VND) đã được cổ đông thông qua với tỷ lệ gần như tuyệt đối.
Dự kiến, đợt phát hành được thực hiện trong năm 2021 hoặc đầu năm 2022. Công ty cổ phần Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HCM) cũng đang thực hiện lấy ý kiến cổ đông để thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên gấp rưỡi hiện nay bằng cách chào bán 152,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Việc HCM tổ chức lấy ý kiến cổ đông sớm thay vì chờ đến đại hội cổ đông thường niên dự kiến tổ chức vào ngày 22/4 cho thấy sự gấp rút tăng vốn của doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Với mức giá chào bán dự kiến chỉ 14.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn phân nửa so với thị giá cổ phiếu trên sàn, dự báo sẽ không khó khăn để thuyết phục nhà đầu tư tăng góp vốn vào HCM. Các công ty chứng khoán nhóm dưới như Trí Việt, EVS đều có kế hoạch tăng vốn.
Trong ngành ngân hàng, Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc Dân (NVB) vừa được cổ đông sở hữu 81,62% số cổ phần có quyền biểu quyết tán thành phương án chào bán 150 triệu cổ phiếu, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tổng giá trị chào bán 1.500 tỷ đồng.
Đợt chào bán dự kiến thực hiện trong quý I đến quý II/2021 nhằm huy động vốn để xây dựng hình ảnh thương hiệu, đầu tư mảng Digital Banking, tăng vốn cho Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC) và bổ sung vốn kinh doanh cho Ngân hàng.
Trên thị trường, thị giá cổ phiếu Ngân hàng Quốc dân đã tăng gần 100% trong vòng 4 tháng qua và hiện đang cao hơn 50% so với giá dự kiến chào bán, đem lại triển vọng thành công cho đợt phát hành tăng vốn.
Trong nhóm bất động sản, tại đại hội cổ đông thường niên 2021 vừa tổ chức, Công ty cổ phần Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEF) đã thông qua phương án phát hành thêm hơn 750 triệu cổ phiếu với giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu để phục vụ công tác đầu tư cho một loạt dự án sắp tới và bổ sung vốn lưu động.
Nếu đợt phát hành diễn ra thành công, VEF sẽ tăng vốn điều lệ từ gần 1.700 tỷ đồng lên gần 9.200 tỷ đồng, tương ứng gấp 5,5 lần. Mức giá phát hành của VEF khá thấp khi so với thị giá cổ phiếu trên thị trường hiện trên 150.000 đồng/cổ phiếu.
Trong khi đó, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển bất động sản An Gia (AGG) cũng dự kiến trình phương án phát hành gần 83 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu, ước tính doanh nghiệp sẽ thu về gần 828 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ lên gấp hơn 2 lần hiện nay.
Tại Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (GEX) - doanh nghiệp đang thu hút sự chú ý của giới đầu tư với thương vụ thâu tóm Vigalcera, Hội đồng quản trị cũng vừa thông qua Nghị quyết về việc triển khai chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương án đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua hồi cuối năm 2020.
Theo đó, Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam dự kiến phát hành 293 triệu cổ phiếu với giá 12.000 đồng/cổ phiếu. Số tiền dự kiến thu được là 3.515 tỷ đồng.
Điểm chung của nhiều phương án phát tăng vốn ở thời điểm này là giá phát hành chỉ bằng mệnh giá, trong khi doanh nghiệp chuẩn bị kế hoạch kinh doanh “chống pha loãng” khá tốt là lợi nhuận tăng trưởng trong năm nay nên lượng cổ phiếu phát hành dễ dàng được hấp thụ hết.
Lo ngại bội cung
Khi thị trường chứng khoán trong xu hướng đi lên, các đợt phát hành cổ phiếu mới dễ đem lại lợi nhuận cho cổ đông hiện hữu. Nhưng khi số doanh nghiệp huy động vốn tăng lên thì áp lực bội cung cũng sẽ tăng lên.
Cụ thể, với việc doanh nghiệp tăng vốn hàng chục phần trăm, thậm chí bằng lần qua chào bán cổ phiếu mới như VNF, IDJ, BMJ hay EVF…, khả năng lợi nhuận theo kịp đà tăng vốn trong năm nay được đánh giá là khó khả thi, đồng nghĩa với việc các bội số định giá như P/E, P/B của nhiều cổ phiếu vốn đã ở mức khá cao sau thời gian tăng giá nay tiếp tục tăng thêm, khiến cổ phiếu kém hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư.
Nguồn cung cổ phiếu chào bán tăng mạnh cũng sẽ thúc đẩy nhà đầu tư hình thành tâm lý thận trọng, chủ động “thoát hàng” trước khi cổ phiếu phát hành được đưa vào giao dịch để tránh áp lực bán đến từ lượng cổ phiếu phát hành mới này. Khi áp lực này diễn ra trên diện rộng, sẽ góp phần làm tăng áp lực lên xu hướng tăng điểm của thị trường chung.
Thực tế trong giai đoạn 2017-2018, khi VN-Index lần đầu chạm mức 1.200 điểm cũng là lúc thị trường ghi nhận hoạt động chào bán tăng vốn diễn ra sôi động. Thị trường sau đó đã bước vào giai đoạn điều chỉnh kéo dài và phải 3 năm sau, chỉ số mới quay trở lại mức 1.200 điểm.
Thế nên, kế hoạch phát hành của doanh nghiệp niêm yết tới đây không chỉ gây áp lực lên lực cầu trên thị trường chứng khoán, thúc đẩy thị trường phân hóa mạnh mẽ hơn mà còn là áp lực hệ thống giao dịch đang quá tải của HOSE khi nguồn cung cổ phiếu tăng mạnh, tương ứng làm số lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng tăng, làm tăng thanh khoản thị trường.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận