Các doanh nghiệp thủy sản kiến nghị giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp xuống 0,5%
Các doanh nghiệp thủy sản kiến nghị được giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống 0,5% đến hết năm 2023, tuy nhiên Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẳng định việc giảm mức đóng này thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội...
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) mới đây đã có kiến nghị nhiều chính sách gỡ khó cho doanh nghiệp thủy sản, trong đó có nội dung về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Theo đó, VASEP đề xuất giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động từ 1% xuống 0,5%; tạm dừng đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp; giãn thời gian nộp tiền vào Quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Phản hồi về kiến nghị của VASEP, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết Luật Việc làm quy định mức đóng bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Đối với kiến nghị giảm mức đóng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho doanh nghiệp đến hết năm 2023 từ 1% xuống còn 0,5% của VASEP thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.
Ngoài ra, Luật An toàn vệ sinh lao động quy định: “Căn cứ vào khả năng bảo đảm cân đối Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Chính phủ quy định chi tiết mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp”.
Như vậy, pháp luật hiện hành không quy định về việc tạm dừng đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp. Do đó, đối với kiến nghị của VASEP về tạm dừng đóng bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp đến hết năm 2023 cũng thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.
Đối với việc giãn thời gian nộp tiền vào Quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc, Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẳng định quy định này cũng không thuộc thẩm quyền của Ngành mà thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Mặt khác, trước đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đề xuất các phương án hỗ trợ như: Giảm đóng vào Quỹ bảo hiểm bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, tạm dừng đóng vào Quỹ bảo hiểm xã hội (Quỹ hưu trí và tử tuất) và hỗ trợ người lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Các đề xuất trên đã bao trùm kiến nghị của VASEP về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để hoàn thiện đề xuất chính sách khi có yêu cầu.
Trước đó, năm 2021, để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 116/NQ-CP trong đó hỗ trợ người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Người sử dụng lao động thời điểm đó đã được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Thời gian từ ngày 1/10/2021 đến ngày 30/9/2022.
Từ ngày 1/10/2022 đến nay, người sử dụng lao động không còn được giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp. Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp hiện quay về mức 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam thống kê toàn ngành đã triển khai giảm đóng vào các Quỹ bảo hiểm xã hội và chi hỗ trợ từ nguồn Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với tổng kinh phí trên 45.000 tỷ đồng cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xác định bảo hiểm thất nghiệp là “bà đỡ” cho thị trường lao động.
Trước đó, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp có khoảng 100.000 tỷ đồng và đã được sử dụng khoảng 41.000 tỷ đồng trực tiếp hỗ trợ người lao động, hiện tại kết dư chỉ ở mức an toàn, không còn nhiều.
Hiện quy định tại Luật Việc làm 2013 thì mức đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định như sau: Người lao động đóng bằng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách Trung ương bảo đảm. Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa bằng 20 lần mức lương cơ sở (mức lương cơ sở hiện nay là 1,8 triệu đồng/tháng theo Nghị định 24/2023/NĐ-CP).
Theo Điều 58 Luật Việc làm 2013 thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp như sau: Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
Trường hợp mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp cao hơn 20 tháng lương cơ sở, thì mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp bằng 20 tháng lương cơ sở tại thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
Trường hợp mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp cao hơn 20 tháng lương tối thiểu vùng, thì mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp bằng 20 tháng lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động tại thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận