Các doanh nghiệp thép kỳ vọng lấy lại phong độ trong năm 2024 nhờ loạt yếu tố này
Thị trường thép nội địa và xuất khẩu của Việt Nam được dự báo phục hồi tích cực cả về giá và sản lượng trong năm 2024. Sau năm 2023 phục hồi tích cực, các doanh nghiệp thép được kỳ vọng lấy lại phong độ nhờ loạt yếu tố hỗ trợ.
Theo báo cáo của CBRE Việt Nam, nguồn cung căn hộ dự kiến cải thiện kể từ năm 2024 trong đó nguồn cung căn hộ tại Hà Nội dự kiến tăng hơn 33% so với cùng kỳ, đạt mức 20.000 căn hộ; nguồn cung tại TP. HCM dự kiến ở mức 12.000 căn - tăng 31% YoY.
Sự phục hồi này sẽ tác động tích cực đến nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng trong nước. Tuy nhiên, điều cần được lưu ý là việc số dự án được cấp phép mới ngày càng suy giảm và ở mức rất thấp.
Mới đây, tại Thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương về đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các đơn vị tập trung thực hiện; quyết tâm giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn được giao của năm nay.
Hiện các dự án đầu tư công trọng điểm như cao tốc Bắc-Nam, sân bay Long Thành, các hệ thống vành đai Hà Nội, TP. HCM đang bước vào giai đoạn chạy nước rút về giải ngân vốn.
Kỳ vọng năm 2024, hoạt động giải ngân vốn đầu tư công sẽ tiếp tục khởi sắc với nhờ động thái giải ngân cho các dự án tồn đọng từ 2023 chuyển sang và gói kích thích kinh tế bổ sung của Chính phủ. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, tỷ trọng của thép trong trong các dự án đầu tư công là không nhiều bởi vậy mức đóng góp cho tiêu thụ vẫn còn thấp.
Hiện tại, doanh số xuất khẩu tôn mạ mặc dù chưa về mức cao của năm 2021 song đã cho thấy sự phục hồi tốt so với mức đáy tháng 8/2022. Mức đóng góp lớn nhất phải kể đến thị trường EU trong bối cảnh nguồn cung ở đây bị ảnh hưởng nặng nề sau động đất của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như tình trạng thiếu hụt năng lượng.
Theo dự báo của Hiệp hội Thép Thế giới (WSA), sang năm 2024, nguồn cung thép ước tính giảm nhẹ 1% YoY trong khi nhu cầu tăng 1,9% (động lực chính đến từ nhu cầu xây dựng tại khu vực EU và Ấn Độ). Điều này sẽ tác động tích cực đến giá thép thế giới.
Giá thép xây dựng nội địa hiện đã thoát vùng đáy khi nhu cầu ấm lên cũng như áp lực giảm giá từ thép Trung Quốc hạ nhiệt. Mức chênh lệch thấp sẽ giúp ngành thép nội địa tránh được sự cạnh tranh của thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam.
Giá thép xây dựng nội địa đã chấm dứt đà giảm kéo dài trong 7 tháng khi tăng nhẹ khoảng 3% trong tháng 11. "Điểm đảo chiều của giá thép" cho thấy nhu cầu khả quan hơn trong bối cảnh ngành bất động sản có tín hiệu tích cực.
*Bài viết của bà Nguyễn Quỳnh Trang - Chuyên viên tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận