Các doanh nghiệp Nhật Bản 'gặp khó' khi dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc
Ngày càng nhiều công ty Nhật Bản đang tìm cách thoát khỏi Trung Quốc vì đại dịch, chiến tranh thương mại Trung-Mỹ và chi phí lao động tăng cao tạo ra một tương lai mờ mịt.
Theo các chuyên gia pháp lý quốc tế, việc dừng kinh doanh ở Trung Quốc có thể phức tạp và đầy rủi ro, đặc biệt là liên quan đến lao động.
Ông Ko Wakabayashi, Giám đốc văn phòng công ty luật Anderson, Mori & Tomotsune, cho biết: "Nhiều công ty Nhật Bản, đặc biệt là những công ty vừa và nhỏ, đang suy nghĩ lại về hoạt động của họ tại Trung Quốc".
Trong khi Trung Quốc vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với nhiều công ty công nghệ, một số doanh nghiệp Nhật Bản lại đang sử dụng tình hình kinh tế hiện tại để loại bỏ các công ty tại Trung Quốc không có lợi nhuận của họ.
Tuy nhiên, có những rủi ro liên quan đến việc dừng hoạt động kinh doanh đột ngột. Theo luật sư Yasuyuki Suzuki, cách tốt nhất để các công ty thoát ra một cách an toàn chính là bán cổ phần của họ. Sau khi tìm được người mua, rào cản pháp lý lớn duy nhất là nhận được sự chấp thuận của cổ đông và nộp tài liệu cho chính phủ.
Khi các cổ đông chấp thuận việc bán, thủ tục giấy tờ có thể được thực hiện trong vài tháng. Cách tiếp cận này cung cấp một cách nhanh chóng và không tốn kém. Điều quan trọng ở đây đó chính là vì công ty sẽ tiếp tục tồn tại, do đó nguy cơ bị kiện từ nhân viên cũng giảm đi.
Điều này làm cho việc tìm kiếm người mua cổ phần trở thành chìa khóa cho kế hoạch thoát ra khỏi Trung Quốc. Và nếu không có người mua tiềm năng nào - như khi họ tham gia vào một liên doanh - thì cần phải có một đề nghị từ bên ngoài.
"Việc môi giới mua bán và sáp nhập là khá phổ biến ở Trung Quốc. Không giống như ở Nhật Bản, các cơ chế trung gian và điều phối các giao dịch giữa người bán và người mua chưa được phát triển đầy đủ. Các giao dịch thường được sắp xếp thông qua các liên hệ cá nhân", ông Wakabayashi nói.
Nếu không tìm thấy người mua, giải thể và thanh lý sẽ trở thành lựa chọn tiếp theo. Nhưng điều này đòi hỏi nhiều công việc hơn do tăng thêm thời gian cần thiết cho các cuộc đàm phán và thủ tục giấy tờ, đặc biệt là những công việc liên quan đến nhân sự. Cách tiếp cận này cũng tốn kém hơn vì nó thường yêu cầu các khoản thanh toán thôi việc lớn và có thể có rủi ro về thuế bổ sung.
Rất hiếm khi các công ty nước ngoài ở Trung Quốc nộp đơn xin phá sản. Luật sư Takashi Nomura lưu ý: "Hầu như không có trường hợp nào các doanh nghiệp nước ngoài rút khỏi Trung Quốc thông qua thủ tục phá sản".
Dù lựa chọn phương án nào, các công ty cũng sẽ có nhiều khả năng đối mặt với tranh chấp lao động hơn so với hầu hết các quốc gia lớn khác. Các công ty hoạt động ở Trung Quốc phải bồi thường cho nhân viên bị chấm dứt hợp đồng lao động. Mặc dù số tiền này được quy định một cách hợp pháp, nhưng người sử dụng lao động nước ngoài thường phải trả nhiều hơn các đối tác trong nước và đôi khi phải giải quyết các yêu cầu bất hợp lý.
Năm 2016, khi Sony công bố ý định bán một nhà máy ở tỉnh Quảng Đông cho một công ty địa phương, các nhân viên đã tổ chức một cuộc biểu tình, đòi bồi thường. Về mặt pháp lý, Sony không bắt buộc phải trả tiền, nhưng cuối cùng hãng đã đồng ý chia 16.000 yên (151 USD) cho mỗi người như một "phần thưởng cho dịch vụ".
"Gần đây, ngày càng nhiều công ty bị tấn công trên mạng xã hội liên quan đến việc dừng kinh doanh. Một cách để tránh vấn đề này xảy ra chính là làm việc với một công ty quan hệ công chúng khi lên kế hoạch rút lui", một luật sư địa phương cho biết.
Zhou Jiaping, một luật sư người Trung Quốc từng làm việc cho đơn vị địa phương của một công ty Nhật Bản chia sẻ: "Nhiều tranh chấp liên quan đến việc dừng hoạt động kinh doanh của các công ty Nhật Bản là do thiếu sự liên lạc giữa trụ sở chính tại Nhật Bản và đơn vị tại địa phương".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận