Các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng phải đáo hạn hơn 17.000 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 1/2023
Theo thống kê, tổng giá trị trái phiếu đến hạn từ nay đến hết tháng 01/2023 là gần 17,5 nghìn tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở nhóm bất động sản và xây dựng.
Cụ thể, trong tháng này, doanh nghiệp bất động sản phải thanh toán 10.500 tỷ đồng trái phiếu đến hạn (chiếm 60% giá trị trái phiếu doanh nghiệp đến hạn) và doanh nghiệp xây dựng phải thanh toán 5.900 tỷ đồng trái phiếu đến hạn (chiếm 34% giá trị trái phiếu doanh nghiệp đến hạn). Nếu tính cả số lượng trái phiếu mua lại trước hạn, áp lực thanh toán của doanh nghiệp lớn hơn nhiều.
Theo báo cáo trong 11 tháng đã qua của năm 2022, các doanh nghiệp đã mua lại trái phiếu với số lượng 160.653 tỷ đồng, tăng tới 41% so với cùng kỳ, cho thấy sự chủ động của chính doanh nghiệp trong đảm bảo cam kết và khôi phục niềm tin từ thị trường. Cụ thể, riêng trong tháng 11/2022, các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản cũng đã chủ động mua lại 3.960 tỷ đồng trái phiếu trước hạn.
Thực tế ngay trong tháng 12/2022 và các tháng trước đó, liên tiếp cũng có nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực như bất động sản, xây dựng công bố các kế hoạch mua lại trước hạn một phần hoặc toàn bộ các lô trái phiếu đáo hạn vào năm 2023 do chính doanh nghiệp mình phát hành.
Gần đây nhất, các tập đoàn địa ốc như Novaland, Phát Đạt, CenGroup hay Gelex cũng công bố mua lại chính các lô trái phiếu vừa phát hành trong năm 2022.
Mới đây nhất, Công ty Cổ phần Tập đoàn Danh Khôi (NRC) công bố nghị quyết về việc mua lại trước hạn lô trái phiếu mã NRCH2123002. Đây cũng chính là lô trái phiếu được NRC phát hành trước đó với tổng giá trị 200 tỷ đồng, đáo hạn vào 29/12/2023. Với nghị quyết trên, NRC dự kiến sẽ mua lại trước hạn 20% giá trị lô trái phiếu đang lưu hành, tương đương khoảng 40 tỷ đồng mệnh giá.
Thống kê của VNDirect cho thấy, chỉ đến giữa tháng 12/2022 các doanh nghiệp đã mua lại trước hạn gần 164.000 tỷ đồng trái phiếu đã phát hành, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2021.
Cũng theo VNDirect có khoảng 20.000 tỷ đồng trái phiếu sẽ phải đáo hạn chỉ riêng trong quý IV/2022. Bước sang năm 2023 sẽ có hơn 107.000 tỷ đồng trái phiếu phải đáo hạn (tăng 56% so với cùng kỳ) và dự kiến trong năm 2024 cũng sẽ có hơn 112.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản phải đáo hạn.
So với năm 2022, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là 210.573 tỷ đồng (tăng 46% so với cùng kỳ năm 2021).
Theo nhận định, giai đoạn 2023-2024 được coi là đỉnh đáo hạn trái phiếu với khối lượng đáo hạn lên tới gần 700.000 tỷ đồng. Theo nhận định của Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), tính theo lượng đáo hạn các tháng trong năm 2023, giai đoạn giữa năm sẽ là giai đoạn căng thẳng đối với thị trường khi áp lực trái phiếu đến hạn lớn. Trong khi đó, niềm tin của nhà đầu tư giảm trong thời gian qua khiến cho lượng phát hành mới sụt giảm mạnh và dự báo khó có khả năng hồi phục trong năm 2023. Hơn nữa, mặt bằng lãi suất trong nước và quốc tế tăng cao cũng khiến dòng tiền đầu tư dịch chuyển sang kênh gửi tiết kiệm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận