menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Thúy Quỳnh

Các địa phương thống nhất bố trí vốn cho 5 dự án dự kiến được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3

HĐND tỉnh An Giang thống nhất bố trí 1.380 tỷ đồng cho dự án cao tốc mới Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng từ nguồn ngân sách địa phương. Dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là một trong 5 dự án cao tốc trọng điểm dự kiến được thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, đang diễn ra.

Tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh An Giang vừa thông qua Nghị quyết trong đó thống nhất bố trí 1.380 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương để thực hiện việc giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, phân đoạn qua địa phận tỉnh An Giang.

Các địa phương thống nhất bố trí vốn cho 5 dự án dự kiến được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3

HĐND tỉnh An Giang thông qua Nghị quyết về việc bố trí vốn ngân sách địa phương cho dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Ảnh: Báo An Giang.

Cụ thể, HĐND tỉnh dự kiến bố trí 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng chung. Phần còn lại giảm từ phần vốn ngân sách tỉnh đối ứng thực hiện dự án xây dựng hệ thống Hồ trữ ngọt gắn với hạ tầng thủy lợi phục vụ liên kết sản xuất tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên (230 tỷ đồng); giảm từ phần vốn ngân sách tỉnh bố trí thực hiện dự án Bệnh viện Mắt - Tai mũi họng - Răng hàm mặt An Giang (150 tỷ đồng).

Tiến độ bố trí vốn năm 2022 là 380 tỷ đồng; năm 2023 là 1.000 tỷ đồng. Trường hợp tăng tổng mức đầu tư (so quyết định chủ trương đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt), tỉnh An Giang sẽ bố trí đủ số vốn tăng thêm tương ứng từ nguồn ngân sách địa phương.

Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có điểm đầu kết nối với Quốc lộ 91 (thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang) và điểm cuối tại cảng Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng). Dự án có tổng chiều dài tuyến hơn 188km. Trong đó, đoạn tuyến qua tỉnh An Giang 56,7km, thành phố Cần Thơ (37,7km), tỉnh Hậu Giang (37,7km) và tỉnh Sóc Trăng (56,1km).

Theo thiết kế, giai đoạn 1 của dự án có tổng mức đầu tư dự kiến trên 44.690 tỷ đồng, quy mô 4 làn xe, bố trí làn xe dừng khẩn cấp không liên tục. Ước tính nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 1.205ha, với khoảng 1.200 hộ dân bị ảnh hưởng.

Tuyến cao tốc khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc - Đông Nam, là hành lang vận tải trục ngang lớn, quan trọng nhất ở trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cả khu vực.

Trước đó, HĐND tỉnh Khánh Hòa cũng thống nhất phân bổ 348,5 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 (ngân sách địa phương) để tham gia thực hiện dự án cao tốc Vân Phong - Buôn Ma Thuột.

Dự án cao tốc Vân Phong - Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài 117,5km, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 21.935 tỷ đồng, trong đó đoạn qua tỉnh Khánh Hòa dài khoảng 32,7km.

Dự án có điểm đầu tại nút giao giữa Quốc lộ 26B và Quốc lộ 1A, khu vực cảng Nam Vân Phong (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) và điểm cuối tại vị trí giao nhau với đường Hồ Chí Minh phía đông thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Dự án có quy mô 4 làn xe, dự kiến khởi công năm 2023 và cơ bản hoàn thành năm 2025.

Dự án chiếm dụng diện tích đất rừng khoảng 471,1ha, trong đó tỉnh Đắk Lắk khoảng 408ha, Khánh Hòa khoảng 62ha. Diện tích rừng cần chuyển đổi mục đích sử dụng khoảng 219 ha (tỉnh Đắk Lắk 176,7 ha và Khánh Hòa 42,6 ha).

Ngày 20/5, HĐND thành phố Hà Nội cũng thông qua Nghị quyết về việc bố trí từ ngân sách thành phố khoảng 23.524 tỷ đồng trên tổng mức đầu tư dự kiến 85.840 tỷ đồng cho dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Các địa phương thống nhất bố trí vốn cho 5 dự án dự kiến được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3

Dự kiến tuyến Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Ảnh: VnExpress.

Dự kiến, việc bố trí vốn và giải ngân các năm trong giai đoạn 2021-2025 theo kế hoạch tiến độ triển khai của dự án cụ thể như sau: năm nay khoảng 100 tỷ đồng; năm 2023 (khoảng 8.397 tỷ đồng); năm 2024 (khoảng 5.955 tỷ đồng); năm 2025 (khoảng 5.025 tỷ đồng).

“UBND thành phố cam kết bảo đảm nguồn vốn thực hiện theo tiến độ. Kế hoạch vốn bố trí hằng năm sẽ được UBND thành phố trình HĐND thành phố quyết nghị cụ thể trên cơ sở thủ tục, tiến độ triển khai thực hiện dự án đầu tư”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho biết.

Đối với dự án Vành đai 3 - TP HCM, HĐND thành phố thống nhất chi 24.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố để thực hiện dự án.

Các địa phương thống nhất bố trí vốn cho 5 dự án dự kiến được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3

Dự kiến tuyến Vành đai 3 - TP HCM. Ảnh: Thanh Niên.

Dự kiến dự án Vành đai 3 - TP HCM đi qua 4 địa phương là TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An, dài hơn 76 km với tổng mức đầu tư hơn 75.377 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, trong đó ngân sách TP HCM bố trí hơn 24. 000 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, hoạt động bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bắt đầu thực hiện từ quý III năm nay, hoàn thành vào quý II/2024. Dự kiến, dự án khởi công trong quý IV/2023 và hoàn thành toàn bộ dự án vào 2026.

Ngày 12/4, HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thông qua Nghị quyết thống nhất bố trí 670 tỷ đồng từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để chi trả một phần chi phí giải phóng mặt bằng dự án thành phần 3 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) đã được Thủ tướng chấp thuận thực hiện đầu tư, có tổng chiều dài 53,7 km. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 17.837 tỷ đồng và được chia thành 3 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 3 dài khoảng 19,5 km trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, có tổng mức đầu tư 5.190 tỷ đồng (chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 1.333 tỷ đồng).

Dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; dự án Vành đai 3 - TP HCM; dự án Vân Phong - Buôn Ma Thuột; dự án Biên Hòa - Vũng Tàu; dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là 5 dự án trọng điểm dự kiến được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, đang diễn ra.

Ngày 18/5, Chính phủ đã có công điện về việc hoàn thiện thủ tục cam kết vốn ngân sách địa phương tham gia các dự án thành phần, thuộc dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.

Công điện nêu rõ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã định hướng đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, trong đó xác định ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông. Đồng thời, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 cũng đặt mục tiêu đến 2030 phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc.

Các tuyến đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là các dự án trọng điểm quốc gia, có vai trò quan trọng đối với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây Nguyên; là các tuyến theo trục ngang kết nối trực tiếp với các đường trục dọc hiện có và đang triển khai đầu tư (Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, cao tốc Bắc - Nam phía Đông), tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Theo đó, Chính phủ, địa phương phải có trách nhiệm sớm hoàn thành các dự án này, do vậy đòi hỏi phải có sự chung tay của tất cả các bộ, ngành, địa phương liên quan trong việc chuẩn bị đầu tư, huy động tối đa mọi nguồn lực và tập trung triển khai đầu tư để bảo đảm cơ bản hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025. Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương đầu tư 3 dự án này bằng vốn đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.

Hiện UBND các tỉnh, thành phố có dự án đi qua đều đã có văn bản cam kết bố trí ngân sách địa phương tham gia dự án. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật về đầu tư công, ngân sách Nhà nước yêu cầu phải có nghị quyết của HĐND các tỉnh, thành phố thông qua số vốn ngân sách địa phương tham gia các dự án thành phần mới đủ điều kiện để Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư các dự án nêu trên.

Để kịp thời gian trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố có dự án đi qua chỉ đạo, tổ chức họp HĐND các tỉnh, thành phố để xem xét thông qua số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn ngân sách địa phương cam kết tham gia các dự án thành phần (bao gồm mức vốn, tiến độ bố trí vốn.

Trường hợp tăng tổng mức đầu tư so với quyết định chủ trương đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt phải chịu trách nhiệm bố trí đủ số vốn tăng thêm tương ứng từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của địa phương được giao hoặc từ các nguồn vốn hợp pháp khác như tăng thu, tiết kiệm chi theo quy định).

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại