24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thành Chung
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Các "đại gia"xe hơi tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh

Hàng trăm nhà sản xuất lớn quy mô toàn cầu có liên kết mật thiết với chuỗi cung ứng toàn cầu đang tạm ngừng sản xuất tại Trung Quốc và chấp nhận kịch bản doanh số sẽ sụt giảm ít nhất trong nửa đầu năm 2020, trong đó có: Honda Motor, Nissan Motor, Ericsson, Airbus, Apple, Foxconn Technologies...

Thông tin được công bố bởi Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), hàng trăm nhà sản xuất lớn quy mô toàn cầu có liên kết mật thiết với chuỗi cung ứng toàn cầu đang tạm ngừng sản xuất tại Trung Quốc và chấp nhận kịch bản doanh số sẽ sụt giảm ít nhất trong nửa đầu năm 2020, trong đó có: Robert Bosch GmbH (nhà sản xuất phụ tùng xe hơi lớn nhất thế giới), Honda Motor, Nissan Motor, Ericsson, Airbus, Apple, Foxconn Technologies...

Kể cả một số công ty có cơ sở sản xuất ngoài Trung Quốc nhưng phụ thuộc đầu vào từ Trung Quốc cũng phải giảm công suất sản xuất, thậm chí tạm ngừng sản xuất như Hyundai tại Hàn Quốc (và Kia Motor cũng đang xem xét khả năng tạm ngừng hoạt động). Riêng hãng Tesla đã đóng cửa nhà máy tại Thượng Hải và thông báo chậm giao nhiều đơn hàng trong thời gian tới.

Trong khi đó, đối mặt với bối cảnh lợi nhuận sụt giảm, Honda vừa công bố kế hoạch đóng cửa nhà máy sản xuất ô tô ở Philippines, bắt đầu từ tháng 3 năm 2020.

Việc đóng cửa nhà máy sản xuất ở Philippines được xem là một trong những động thái nằm trong kế hoạch tái cơ cấu sản xuất, kinh doanh nhằm cải thiện lợi nhuận của hãng ô tô Nhật Bản.

Lợi nhuận của Honda đã sụt giảm hơn một nửa trong vòng 2 năm qua, xuất phát từ các vấn đề về chất lượng và một số thị trường hoạt động không hiệu quả, trong đó có Philippines. Vì vậy, Honda đang tiến hành chấm dứt hoạt động một số nhà máy ô tô để tiết kiệm chi phí sản xuất.

Nhà máy Honda Cars Philippines bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 1992. Tuy nhiên, sản lượng năm 2019 chỉ có 7.000 xe, thấp hơn nhiều so với công suất thiết kế là 30.000 chiếc mỗi năm. Nhà máy này chủ yếu sản xuất hai dòng xe BR-V và City cung cấp cho thị trường Philippines và một số quốc gia khác trong khu vực. Việc đóng cửa nhà máy sản xuất Honda tại Philippines sẽ khiến cho khoảng 650 nhân viên mất việc.

Mặc dù đóng cửa nhà máy, tuy nhiên Honda vẫn tiếp tục kinh doanh phân phối ô tô cũng như cung cấp các hoạt động dịch vụ sau bán hàng tại Philippines. Theo đó, Honda sẽ sử dụng mạng lưới sản xuất đặt ở một số quốc gia trong khu vực Châu Á và Châu Đại Dương để cung cấp sản phẩm cho thị trường Philippines.

Trước tình hình trên, Bộ Trưởng Bộ Công Thương Philippines Ramon M. Lopez cho biết đang chuẩn bị phương án áp thuế tự vệ chung hay các biện pháp khác nhằm hạn chế nhập khẩu ô tô để bảo vệ các nhà lắp ráp ô tô trong nước.

Một Tập đoàn sản xuất ô tô khác của Nhật Bản là Nissan cũng đứng trước khả năng phải đóng cửa cơ sở tại Sta. Rosa sau khi quyết định sẽ giảm 12,500 lao động do thua lỗ. Theo CEO Hiroto Saikawa, Nissan hiện thua lỗ 28%/năm và cần thực hiện các biện pháp cải tổ, tái cơ cấu. Nissan cũng được cho là sẽ dừng các hoạt động sản xuất trong khu vực Đông Nam Á để giảm chi phí và đặt các nhà máy tại Indonesia, Philippines và Đài Loan trước nguy cơ phải đóng cửa.

Tại Việt Nam, thông tin từ các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước, dự kiến đến giữa tháng 3 hoặc cuối Quý I/2020, tác động của tình hình dịch bệnh đến sản xuất trong nước sẽ rõ rệt, theo hướng sản lượng sản xuất trong nước sẽ bắt đầu giảm, hoạt động của các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng mạnh nếu các giải pháp khai thông điểm nghẽn, giải bài toán thiếu hụt nguồn linh phụ kiện nhập khẩu để sản xuất trong nước.

Năm 2019, Việt Nam nhập khẩu gần 4 tỷ USD phụ tùng linh kiện ô tô, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc là 0,7 tỷ USD (17.54%), từ Hàn Quốc là 1,14 tỷ USD (28,57%), và từ Nhật Bản là 0,72 tỷ USD (18,04%).

Trong đó, ngành sản xuất, lắp ráp ô tô thương mại (gồm ô tô tải và ô tô bus) trong nước hiện nay chủ yếu nhập khẩu linh kiện từ phía Trung Quốc, trong đó có đến hơn 70% số doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô tải Việt Nam dựa vào nguồn linh kiện chính từ Trung Quốc.

Một số doanh nghiệp – đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất xe tải (như Công ty cổ phần ô tô TMT) có sử dụng các chuyên gia từ Trung Quốc để phục vụ công tác thử nghiệm sản phẩm hoặc hỗ trợ vận hành dây chuyền sản xuất (không sử dụng lao động phổ thông từ Trung Quốc). Các chuyên gia này hiện vẫn chưa trở lại Việt Nam để làm việc.

Điểm sáng được trông chờ của ngành sản xuất ô tô trong nước là Dự án sản xuất, lắp ráp ô tô Vinfast tại Hải Phòng có thể sẽ gia tăng sản lượng trong năm nay, (trong trường hợp thị trường tiêu thụ sản phẩm tốt hơn năm 2019) – do Vinfast hầu như không nhập khẩu linh phụ kiện trực tiếp từ Trung Quốc.

Cục Công nghiệp đánh giá, trong trường hợp Vinfast gia tăng sản lượng, dự kiến sẽ bù lại một phần sản lượng bị giảm của toàn ngành (đối với ô tô đến 9 chỗ ngồi).

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả