Các đại dự án từng thua lỗ đang vượt khó để 'hồi sinh'
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết hiện 5 trên 12 đại dự án yếu kém, thua lỗ ngành Công Thương đã được hồi sinh.
Đến nay, đã có 5/12 đại dự án yếu kém, thua lỗ ngành Công Thương được đưa ra khỏi "danh sách đen". Trong đó có những dự án đã thật sự “hồi sinh”, như dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 khi chuẩn bị đi vào vận hành, hòa lưới điện quốc gia.
Nhiều dự án "hồi sinh"
Theo thông tin từ Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước (QLVNN) tại doanh nghiệp, liên quan đến việc các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương, hiện đã có 5 dự án "hồi sinh". Trong đó có 1 dự là DAP-1 Hải Phòng thuộc Tập đoàn Hóa chất cơ bản khắc phục các tồn tại yếu kém, sản xuất kinh doanh có lãi.
Bốn dự án khác thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN (gồm nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước; nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất; nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ) cơ bản không còn vướng mắc về cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của cơ quan nhà nước.
Ông Nguyễn Hùng Dũng, Thành viên HĐTV PVN cho hay đối với dự án nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất, hiện đã vận hành thương mại, các hạng mục công việc đã được xử lý và đưa ra khỏi các dự án yếu kém ngành Công Thương.
Với nhà máy Xơ sợi Đình Vũ, theo ông Dũng, PVN tham gia đầu tư với mong muốn góp phần đảm bảo nguồn sợi cho may mặc trong nước. Nhưng khi đầu tư, do khó khăn về thị trường, doanh nghiệp không chủ động được vấn đề nguyên liệu và thị trường nên đã gặp nhiều khó khăn.
Đến thời điểm hiện tại, dự án cơ bản đã được xử lý những tồn đọng, PVN cũng đã tìm kiếm các đối tác cùng PVN xử lý các vấn đề tài chính, đảm bảo nguyên liệu đầu vào cũng như vấn đề tiêu thụ sản phẩm của nhà máy.
"Nhà máy cơ bản hoạt động ổn định, vận hành gần như toàn bộ các dây chuyền, doanh nghiệp bắt đầu có lãi dù không lớn. Chúng tôi sẽ chủ động xử lý các dự án này, sau đó có thể cổ phần hoá hoặc chuyển nhượng cổ phần của PVN tại dự án này, ông Dũng khẳng định.
Còn với nhà máy đóng tàu Dung Quất, đại diện PVN cho biết, khi tiếp nhận từ Vinashin, dự án này đang đầu tư dở dang. PVN đã chỉ đạo, ký kết các hợp đồng và hoàn thiện nhiều hạng mục. Đến thời điểm này, nhà máy đã đóng được một số tàu siêu trường, siêu trọng. Với phần tài sản đã đưa vào sử dụng và tính riêng tài sản tham gia vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, thì nhà máy đã có lãi và tự chủ được tài chính.
Đưa Nhiệt điện Thái Bình 2 hòa lưới điện quốc gia sớm nhất
Đáng chú ý, trong số những dự án được đưa ra khỏi "danh sách đen", thì dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 được kỳ vọng sẽ có bước đột phá trong thời gian tới, bởi nhà máy này chuẩn bị đi vào vận hành, hòa lưới điện quốc gia.
Ngày 8/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác cũng đã trực tiếp tới kiểm tra, làm việc tại dự án nhiệt điện Thái Bình 2 do PVN làm chủ đầu tư.
Thủ tướng động viên công nhân đang làm việc trên công trường.
Dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 (thuộc xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) có quy mô công suất 1.200MW; điện năng sản xuất khoảng 7,2 tỷ kWh/năm. Chủ đầu tư là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, xảy ra nhiều vi phạm phải xử lý, kèm theo đó là thời gian dài Dự án bị chậm tiến độ và đình trệ (từ năm 2018 đến năm 2021).
Thủ tướng cũng giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc nhiệm vụ này. Tính tới đầu tháng 4 vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã 4 lần trực tiếp xuống hiện trường nhà máy.
Sau nhiều cuộc họp của các cấp lãnh đạo Chính phủ, bộ, ban, ngành và chủ đầu tư là PVN để tháo gỡ cho dự án. Dự án từ chỗ "đóng băng" suốt nhiều năm đã thi công trở lại.
Tổ công tác của Chính phủ, PVN, các bộ, ngành và tỉnh Thái Bình, đặc biệt là tập thể cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động trực tiếp trên công trường đã quyết liệt và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, công việc được giao.
Theo báo cáo của Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng, dự án từng gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí cả các vấn đề về pháp luật, mặc dù đã được giải ngân trên 35.000 tỷ đồng, nhưng nhiều năm qua không có tiến triển, gần như dừng thi công từ tháng 8/2018.
Thời gian gần đây, với những chỉ đạo trực tiếp, quyết liệt, sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng, sự động viên, chia sẻ trách nhiệm, giải quyết các khó khăn, vướng mắc đã tạo động lực và áp lực cho các cơ quan có niềm tin, nỗ lực phấn đấu vượt qua các khó khăn, thách thức, từng bước khôi phục dự án. Đến nay, dự án từng bước được kiểm soát, dần "hồi sinh" và hoàn thành các mốc tiến độ quan trọng.
Tiến độ thực tế của dự án tại thời điểm hiện tại đã đạt hơn 93%; giải ngân đạt 84,91% (12.776 tỷ đồng và hơn 1,04 tỷ USD tương đương 35.491 trên 41.799 tỷ đồng tổng mức đầu tư).
Công việc còn lại của dự án là tập trung cho công tác chạy thử, nghiệm thu và hoàn thành hệ thống vận chuyển than.
Ngày 23/2, dự án đã hoàn thành mốc đốt dầu lần đầu Tổ máy số 1. Nhà máy đã thử nghiệm đóng điện ngược bằng chạy dầu vào ngày 6/5 và dự kiến đốt than lần đầu vào ngày 16/6. Trong ngày 8/5 hoặc 9/5, dự án sẽ hòa lưới điện bằng dầu tổ máy số 1.
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đang phấn đấu đến 30/11/2022 sẽ vận hành thương mại Tổ máy số 1 của nhà máy và vận hành thương mại toàn bộ nhà máy vào 31/12/2022.
"Tuy nhiên, phía trước còn rất nhiều khó khăn, các mốc tiến độ tiếp theo của dự án sẽ là thách thức rất lớn đối với chủ đầu tư, tổng thầu, như thiết bị đã được lắp đặt và không sử dụng trong thời gian dài. Chúng tôi cam kết sẽ quyết tâm, nỗ lực cao nhất để hoàn thành dự án đúng kế hoạch, ông Lê Mạnh Hùng khẳng định.
Với 7 dự án còn lại trong danh sách, Ban Chỉ đạo của Chính phủ ngay từ cuối năm 2021 thống nhất giao Ủy ban QLVNN chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và các tập đoàn, tổng công ty chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện, triển khai phương án xử lý theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận