Các cửa hàng ở Hong Kong làm ăn thất bát vì biểu tình
Dù cửa hàng bán đồ bảo hộ của John Lam tăng doanh thu khi biểu tình bùng nổ nhưng dự kiến sẽ suy thoái trong vài tháng tới.
John Lam bán được nhiều mũ bảo hộ, mặt nạ phòng độc, kính bảo hộ và những thiết bị khác mà người biểu tình mua để trang bị cho mình trước khi xuống đường phản đối dự luật dẫn độ suốt hai tháng qua.
"Nhiều người sẵn sàng nhịn ăn để mua đồ bảo hộ, đặc biệt là sinh viên", Lam nói. Anh đứng trong cửa hàng đồ bảo hộ Shing Fat tại Yau Ma Tei, khu vực mua sắm dành cho tầng lớp lao động của thành phố. "Những mặt hàng không cần thiết với dân thường nay trở thành đồ thiết yếu".
Lam, người luôn phản đối bạo lực và chứng kiến nhiều cuộc biểu tình cho hay doanh thu cửa hàng "đã tăng gấp đôi hoặc gấp ba" kể từ đầu tháng 6. Đôi khi hàng nhập không đủ đáp ứng nhu cầu bởi một số người mua 50 món đồ cùng lúc. Tuy nhiên, gần đây những mặt hàng này có dấu hiệu bão hòa và nhu cầu mua đã giảm xuống.
Ngoài nguyên nhân vận chuyển khó khăn, còn những yếu tố lớn hơn như khối lượng thương mại toàn cầu thu hẹp và nhu cầu từ Trung Quốc đại lục chậm lại. Những yếu tố này ảnh hưởng tới mọi khía cạnh của nền kinh tế, bao gồm xây dựng - ngành đem lại khách hàng chính cho Lam.
"Dù hoạt động kinh doanh của chúng tôi được cải thiện gần đây, không có nghĩa là suy thoái kinh tế không ảnh hưởng tới nó vào tháng tới", Lam nói.
Joe Chan, giám đốc một công ty văn phòng phẩm và sách báo ở Sham Shui Po, khu phố hay diễn ra biểu tình và nhiều lần chìm trong khói hơi cay, cho biết doanh thu bán giấy ghi chú tăng 20%. Người biểu tình sử dụng chúng để dán thông điệp chính trị và bán chính trị lên tường các tòa nhà trong thành phố. Nhưng những khách hàng quan trọng của ông giờ còn rất ít. Tổng doanh thu giảm 10%.
"Năm nay họ hủy đơn hoặc trì hoãn mua", Chan nói.
Emily Tam, quản lý của Baleno, một cửa hàng quần áo ở Vịnh Causeway, cho hay áo phông đen, loại được người biểu tình hay mặc, đã hết hàng dự trữ trong tháng 6 và tháng 7. Nhưng những ngày cuối tuần của hai tuần qua, khu vực mua sắm này xảy ra đụng độ dữ dội, đường phố bị rào chắn. Cửa hàng của cô phải đóng cửa sớm và vắng khách hơn.
"Chúng tôi đang tiến gần đến ranh giới đỏ, nghĩa là kinh doanh thua lỗ", Tam nói.
Một người ngồi trên bậc thang của tòa nhà Hội đồng Lập pháp Hong Kong hôm 2/7, đọc thông điệp trên giấy nhớ mà người biểu tình dán lên hôm trước. Ảnh: Reuters. |
Bên kia đường, một người bán hàng họ Hui tại tiệm Watsons cho hay cửa hàng thường xuyên hết sạch miếng dán làm mát, mặt nạ giấy và các vật dụng khác mà người biểu tình sử dụng. Nhưng doanh số những mặt hàng khác, nhất là những món đắt tiền như mỹ phẩm, lại sụt giảm.
"Chúng tôi đang trải qua một cuộc suy thoái kinh tế nói chung và khi có hơi cay thì chúng tôi phải đóng cửa", Hui nói.
Kinh tế đã trở thành trọng tâm trong cuộc chiến giữa chính quyền và người biểu tình. Khi cuộc đình công ở Hong Kong bắt đầu tuần trước, chính quyền cảnh báo biểu tình đang khiến những người mua sắm hàng xa xỉ và khách du lịch phải tránh xa vì sợ hãi, điều đe dọa tới tăng trưởng kinh tế.
Người biểu tình đổ lỗi nguyên nhân suy thoái do người Hong Kong có ít quyền kiểm soát với chính sách công bởi không có quyền bầu cử phổ thông. Họ cho rằng chính quyền đang dành quá nhiều nguồn lực cho các ưu tiên của Bắc Kinh, như phát triển Khu vực Đô thị Đồng bằng sông Châu Giang Mở rộng (Macau - Hong Kong - Quảng Đông), cũng như không giải quyết được tình trạng thiếu nhà ở và bất bình đẳng thu nhập.
Chan Chi Ming, 60 tuổi, làm việc tại công ty Sách và Văn phòng phẩm Shing Cheong ở Sham Shui Po, đồng tình với chính phủ. Biểu tình khiến hoạt động kinh doanh của ông gặp khó khăn và Chan hy vọng cảnh sát sẽ bắt "hàng nghìn người".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận