24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hoàng Yến
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Các công ty dầu khí nhà nước Trung Quốc đang đối mặt với quá trình chuyển đổi năng lượng

Các chuyên gia Ben Cahill và Ryan McNamara của Trung tâm chiến lược và nghiên cứu quốc tế Mỹ mới đây đã có bài viết nhận định về định hướng của các công ty dầu khí nhà nước (NOC) Trung Quốc trong tiến trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu.

Trung Quốc sẽ đóng vai trò nhất định trong quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu song các NOC của nước này đang đối mặt với một tương lai không chắc chắn khi chính quyền trung ương định hướng lại chiến lược năng lượng của mình. Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC), Tập đoàn dầu khí và hóa chất Trung Quốc (Sinopec) và Tập đoàn dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) là các nhân tố trung tâm trong ngành năng lượng và các khoản đầu tư của họ ra nước nước ngoài đã và đang củng cố tham vọng địa chính trị và thương mại của Trung Quốc. Tuy nhiên, sự phát triển của các tập đoàn nêu trên phụ thuộc vào các tín hiệu chính sách từ Chính phủ Trung Quốc trong lĩnh vực khí hậu. Khi các NOC của Trung Quốc đối mặt với quá trình chuyển đổi lâu dài khỏi nhiên liệu hóa thạch, định hướng chiến lược của họ sẽ có ý nghĩa đối với cả ngành dầu khí toàn cầu và địa chính trị thế giới.

Các NOC của Trung Quốc đều là những công ty dầu khí hàng đầu thế giới. Trong năm 2020, ba tập đoàn trên đã sản xuất tổng cộng 4,4 triệu thùng dầu và condensate/ngày (tương đương 32% nhu cầu dầu của Trung Quốc) và 450 triệu m3 khí đốt/ngày. Tính chung, ba tập đoàn tạo ra 643 tỷ USD doanh thu. Bên cạnh đó, những NOC này là những nhà đầu tư lớn nhất ở Trung Quốc với tổng chi tiêu vốn năm 2019 là 80 tỷ USD và trong năm 2020 là 66 tỷ USD. Họ cũng là những công ty có quy mô lao động lớn nhất thế giới. Chỉ riêng đội ngũ nhân lực của CNOC và Sinopec kết hợp lại là 816.000 người.

Tuy nhiên, các NOC của Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những thách thức ngày càng tăng trong việc hoàn thành nhiệm vụ cốt lõi của mình khi nguồn lực trong nước dần suy giảm và quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu đặt ra những thách thức mới, nhất là giảm phát thải carbon. Khi Trung Quốc thông báo về mục tiêu đạt đỉnh phát thải carbon vào năm 2030 và tiến tới không phát thải ròng carbon vào năm 2060, các nhà hoạch định chính sách của nước này sẽ thiết lập các thông số về đầu tư nhà nước trong nhiều năm tới. Chính quyền Trung Quốc sẽ không nhất thiết dựa vào các NOC để thực hiện mục tiêu chuyển đổi năng lượng rộng lớn của chính phủ, nhưng các công ty sẽ phải đáp ứng nhu cầu mới và đẩy nhanh tiến độ chuyển sang năng lượng phát thải carbon thấp.

Những chiến lược ban đầu dựa trên các điểm mạnh cốt lõi

Cho đến nay, các NOC không công bố những thay đổi mạnh mẽ trong chiến lược nhưng đang thực hiện các bước phù hợp với các mục tiêu của nhà nước, bao gồm cải thiện công bố thông tin, định hướng môi trường mới, cam kết không phát thải ròng carbon và đầu tư mới vào năng lượng carbon thấp.

Các NOC của Trung Quốc cung cấp nhiều dữ liệu phát thải hơn hầu hết các công ty dầu khí nhà nước khác trên thế giới, song nhìn chung vẫn còn hạn chế. Sinopec chia sẻ nhiều hơn một chút về phát thải khí metan, phát thải từ quá trình đốt. CNOOC công bố thêm cường độ phát thải. CNOC thì đặt mục tiêu đạt đỉnh phát thải carbon vào năm 2025, sớm hơn 5 năm so với mục tiêu của CNOOC và Sinopec. Giới chuyên gia đánh giá, các mục tiêu giảm phát thải tuyệt đối của các NOC Trung Quốc là khiêm tốn và sẽ theo sau sự sụt giảm sản lượng khai thác dầu khí tại một số mỏ dầu lớn nhất ở nước này. Mặc khác, sự suy giảm của các mỏ dầu khí tại Trung Quốc được cho là cơ hội để chuyển nhiều hoạt động sản xuất hydrocarbon sang năng lượng phát thải carbon thấp hơn.

Các công ty dầu khí nhà nước Trung Quốc đang đối mặt với quá trình chuyển đổi năng lượng
Tiến trình chuyển đổi năng lượng của Trung Quốc năm 2025 và 2060. Nguồn: Đại học Thanh Hoa, EIA.

Về mục tiêu không phát thải ròng carbon, không giống như nhiều công ty dầu khí nhà nước khác, cả ba tập đoàn đều có mục tiêu trung và dài hạn để hạn chế phát thải. CNPC và Sinopec hướng tới trạng thái không phát thải ròng vào năm 2050, còn CNOOC là năm 2060 (đều phù hợp với mục tiêu quốc gia về khí hậu). Ba tập đoàn không đưa ra những định hướng cụ thể cho các mục tiêu ngắn và trung hạn, cho thấy rằng họ có nhiều việc phải làm trong việc định hình chiến lược dài hạn. Hiện tại, cũng giống như các công ty dầu khí nhà nước khác, các NOC của Trung Quốc đang tìm cách khử carbon trong sản xuất nhưng không phải cắt giảm sản lượng.

Những phác thảo chiến lược đầu tư carbon thấp cho các NOC ngày càng rõ ràng hơn, mặc dù chúng vẫn còn khá sơ khai. Nhìn chung, cả ba tập đoàn đang tìm cách xây dựng chiến lược hoạt động dựa trên những điểm mạnh cốt lõi. CNPC và Sinopec đang tập trung vào các dự án thu gom và lưu trữ carbon (CCS), cũng như hydro. Điều này phù hợp với cơ sở hạ tầng lớn và kinh nghiệm lâu năm của hai tập đoàn này. CNOOC hướng tới là nhà sản xuất năng lượng ngoài khơi chủ chốt của Trung Quốc, hiện có cổ phần trong hai dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn ở các tỉnh Giang Tô và Quảng Đông. Tập đoàn này có kế hoạch dành 5% chi đầu tư cho lĩnh vực năng lượng mới trong giai đoạn 2021 - 2025.

Một số xu hướng rõ ràng nhưng cần hướng dẫn chính sách

Khi các chính phủ thích ứng với quá trình chuyển đổi năng lượng, họ sẽ định hình lại các nhiệm vụ của NOC. Đối với CNPC, Sinopec và CNOOC, phần lớn sẽ phụ thuộc vào các chính sách trong Chương trình thúc đẩy quốc gia Trung Quốc (China’s nationally determined contribution) trước thềm Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 về biến đổi khí hậu (COP26), cũng như kế hoạch 5 năm tiếp theo và tầm nhìn đến năm 2035 cho từng lĩnh vực cụ thể, dự kiến được ban hành vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022. Có vẻ như các NOC sẽ tập trung vào các công nghệ và các lĩnh vực năng lượng mới như hydro và CCS. Thay vì suy đoán về chiến lược chuyển đổi năng lượng dài hạn của ba tập đoàn này, chúng ta có thể đặt ra những câu hỏi mở.

Đầu tiên, các NOC Trung Quốc sẽ đóng vai trò gì trong NLTT, so với các doanh nghiệp nhà nước và các nhà đầu tư tư nhân khác? Ngay cả trong lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của họ, nhà nước đã giảm sự “thống trị” của các NOC trong vài năm trở lại đây. Mối lo ngại về sự phụ thuộc ngày càng cao vào nhập khẩu của Trung Quốc khiến chính quyền nước này tìm cách nâng sản lượng dầu khí trong nước bằng chính sách khuyến khích đầu tư tư nhân nhiều hơn. Trong năm 2017, một kế hoạch nhà nước đã được ban hành nhằm gia tăng sự đa dạng các nguồn lực đầu tư. Đến năm 2019, chính phủ đã dỡ bỏ yêu cầu rằng, các công ty tư nhân phải hợp tác với một trong ba NOC lớn nhất ở lĩnh vực thượng nguồn. Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, chính phủ cũng đã tạo điều kiện cho sự tham gia của các công ty tư nhân trong lĩnh vực thượng nguồn. Gần đây hơn, vào tháng 12/2019, Trung Quốc đã thành lập Công ty đường ống dẫn dầu và khí đốt quốc gia PipeChina nhằm mở rộng khả năng tiếp cận công suất đường ống cho các bên thứ ba. Những nỗ lực tự do hóa này đã hỗ trợ nhiều công ty tư nhân phát triển, bao gồm cả các công ty khí đốt cấp hai và những công ty mới tham gia vào lĩnh vực lọc hóa dầu.

Những thay đổi chính sách này không cho thấy nhà nước sẽ hỗ trợ mạnh mẽ các NOC rời khỏi lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của họ. Trung Quốc có thể khuyến khích họ đầu tư vào NLTT, lĩnh vực điện hoặc công nghệ pin - những mục tiêu chung để đa dạng hóa mà các công ty dầu khí thường định hướng trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Các NOC có nhiều thế mạnh bao gồm quy mô, bảng cân đối kế toán lớn, sự hiện diện ở tất cả các trung tâm tiêu thụ năng lượng chính và nguồn nhân lực dồi dào. Nhưng hướng dẫn chính sách trong tương lai sẽ chỉ ra rằng, liệu họ có nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của nhà nước cần thiết để xoay hướng trở thành những người chơi năng lượng đa dạng hơn hay không.

Thứ hai, Chính phủ Trung Quốc sẽ điều chỉnh lại các ưu tiên đầu tư vào dầu khí của các NOC như thế nào? Nguồn lực hạn chế và chi phí sản xuất trong nước tương đối cao cho thấy, các NOC sẽ phải hướng ra nước ngoài một lần nữa. Khi các công ty khác bán tài sản dầu khí để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư và các cam kết về khí hậu, các NOC của Trung Quốc có thể có lợi thế tốt để mở rộng sản xuất, đánh dấu sự quay trở lại đầu tư lớn ra nước ngoài. Nhưng ngay cả khi Trung Quốc khuyến khích các NOC của mình theo đuổi việc mua bán và sáp nhập, bối cảnh địa chính trị cũng đã thay đổi. Ngày càng có nhiều chính phủ cảnh giác với việc Trung Quốc mua các tài sản chiến lược. Sự quay trở lại của làn sóng đầu tư ra nước ngoài trong những năm 2009-2013 dường như khó xảy ra do các điều kiện bên ngoài và các ràng buộc chính trị trong nước. Thay vào đó, các NOC có thể tìm kiếm các lợi thế cạnh tranh mới, chẳng hạn như phát triển công nghệ năng lượng mới cũng như các mối liên kết thương mại xung quanh hydro.

Thứ ba, các nhà đầu tư ngoài quốc doanh sẽ đóng vai trò gì trong việc định hình các chiến lược chuyển đổi năng lượng? Để chắc chắn, nhà nước nắm cổ phần kiểm soát trong các NOC và cuối cùng xác định các ưu tiên chiến lược của họ. Các công ty cũng có thể tận dụng nguồn tài chính từ các ngân hàng nhà nước hỗ trợ và các tổ chức khác. Các NOC cần các nhà đầu tư quốc tế, và các đối tác tiềm năng của họ có thể coi đây là một lợi thế chiến lược có thể giúp đảm bảo tài chính cho các dự án dầu khí.

Link Nguồn
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả