24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Văn Anh Tuấn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Các công ty công nghệ Trung Quốc áp đảo ở Euro 2020

Có đến 4 trên tổng số 12 nhà tài trợ của kỳ Euro năm nay đến từ Trung Quốc và đều là những công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ.

Sau một năm trì hoãn vì đại dịch Covid-19, Euro 2020 diễn ra ở 11 nước châu Âu không chỉ là một kỳ Euro đặc biệt ở khâu tổ chức, mà còn đặc biệt ở góc độ nhà tài trợ.

Liên đoàn bóng đá châu Âu UEFA đã bán các gói tài trợ theo ba cách là tài trợ chính thức cho các đội tuyển quốc gia, tài trợ chính thức của Euro 2020 và bản quyền phát sóng giải đấu.

Có tất cả 12 nhà tài trợ chính thức của kỳ Euro năm nay, đó là hãng điện máy Hisense, ví điện tử Alipay, điện thoại Vivo và mạng xã hội chia sẻ video TikTok của Trung Quốc, giao hàng nhanh FedEx, đặt phòng Booking.com và hãng nước ngọt Coca-Cola của Mỹ, hãng xe hơi Volkswagen của Đức, tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga, hãng bia Heineken và giao đồ ăn Takeaway.com của Hà Lan, hãng hàng không Qatar Airways của Qatar.

Ngoài ra, mỗi đội tuyển sẽ có nhà tài trợ riêng như đội Anh có gói tài trợ 70 triệu USD từ hãng viễn thông BT, đội Đức đi cùng hãng hàng không Lufthansa, hãng bia Carlsberg tài trợ cho đội Đan Mạch, hãng xe hơi Hyundai tài trợ cho CH Séc.

Trung Quốc thế chỗ Hàn Quốc, Nhật Bản

Nếu thập niên 80s, 90s chứng kiến các công ty Nhật Bản áp đảo ở các sự kiện thể thao, sang đến thập niên 2000s là thời của các công ty Hàn Quốc, thì từ cuối thập niên 2010s đến nay, các công ty Trung Quốc đã bắt đầu vươn lên mạnh mẽ.

Đó là vào năm 2016, nhà sản xuất TV lớn nhất Trung Quốc Hisense trở thành nhà tài trợ Trung Quốc đầu tiên của UEFA. Nhờ đó, danh tiếng của Hisense đã tăng lên gấp đôi ở Anh, Đức, Pháp, Italy và Tây Ban Nha sau kỳ Euro 2016, theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Ipsos Group. Hisense cũng là nhà tài trợ FIFA World Cup 2018 trên đất Nga.

Nhờ đó, Hisense đang đẩy nhanh tốc độ mở rộng ra toàn cầu. Công ty bắt đầu xây dựng khu công nghiệp ở Mexico vào tháng 3 năm nay để sản xuất tủ lạnh, máy giặt, điều hòa không khí cho thị trường Bắc Mỹ. Cùng thời điểm đó, điều hòa không khí mang thương hiệu Hisense đã được sản xuất ở Thái Lan.

Một cái tên khác là Alipay của Alibaba Group cũng đạt được thỏa thuận 8 năm với UEFA kể từ tháng 11/2018 với sự hiện diện ở ít nhất hai kỳ Euro 2020 và Euro 2024. Thỏa thuận có giá trị 230 triệu Euro.

Alibaba còn đạt được một thỏa thuận khác với UEFA thông qua công ty liên kết Ant Group. Theo đó, mảng chuỗi khối của Ant Group là AntChain đã trở thành đối tác blockchain toàn cầu của Euro 2020.

Euro 2020 cũng là kỳ Euro đầu tiên mà Vivo và TikTok của ByteDance trở thành nhà tài trợ cho một giải đấu bóng đá. Vivo sẽ trở thành nhà cung cấp điện thoại chính thức cho hai kỳ Euro 2020 và Euro 2024, một bệ phóng để hãng điện thoại này phủ sóng ở 12 thị trường châu Âu tới cuối năm nay. Thị phần smartphone toàn cầu của Vivo đã tăng từ 5% của quý I/2018 lên 10% vào quý I năm nay, theo Counterpoint.

Trong khi đó, TikTok cũng trở thành nền tảng giải trí chính thức của Euro trong một động thái nhằm tiến sâu hơn nữa vào thị trường châu Âu. Điều này phản ánh sự tăng trưởng mạnh mẽ của các công ty công nghệ Trung Quốc cũng như tác động đến chuỗi giá trị toàn cầu.

Miếng bánh khổng lồ

Ngoài bóng đá, gã khổng lồ Alibaba còn ký hợp đồng tài trợ trị giá 800 triệu USD cho Olympic Games đến năm 2028, mà là áp lực để Tokyo buộc phải tổ chức Olympic Games 2020 vào mùa hè tới khi không thể trì hoãn lâu hơn được nữa.

Các công ty công nghệ Trung Quốc áp đảo ở Euro 2020
Euro 2020 là sự kiện được chờ đợi của bóng đá châu Âu, sau 1 năm trì hoãn vì đại dịch.

Việc các công ty công nghệ rót tiền vào các giải bóng đá lớn nhất hành tinh như World Cup hay Euro là bởi sức hút ở thị trường tỷ dân. Trận chung kết Euro 2016 giữa Bồ Đào Nha và Pháp trên sân Stade de France đã thu hút 56 triệu người Trung Quốc xem qua truyền hình. Tổng lượng khán giả đại lục xem kỳ Euro tổ chức trên đất Pháp năm đó là 424 triệu người, theo thống kê của CSM Media Research.

Theo UEFA, Euro 2016 đã kiếm được 570 triệu USD từ tài trợ trên tổng số 2,13 tỷ USD doanh thu.

Chưa có con số thống kê ở kỳ Euro 2020 nhưng doanh thu từ bán vé nhiều khả năng sẽ giảm mạnh do Covid-19. Dù vậy tiền bản quyền và tài trợ, mà phần lớn đến từ túi tiền không đáy của các ông lớn công nghệ Trung Quốc, hứa hẹn là cứu cánh cho cả một kỳ Euro bị trì hoãn này.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả