Các con hổ Châu Á mới và tương lai Việt Nam
Năm 2020-2021, thế giới chật vật đối phó với đại dịch COVID-19. Nền kinh tế ngày càng phụ thuộc lẫn nhau trong phạm vi toàn cầu, nên những nền kinh tế mới nổi, năng động nhất càng dễ bị ảnh hưởng khi kì vọng những mục tiêu phát triển lạc quan. Khu vực châ
So sánh tương quan 4 con hổ cũ và 4 con hổ mới (không tính Việt Nam) thì 4 con hổ mới có GDP 2020 đạt 2.260 tỷ USD, bằng 3/4 GDP của 4 con hổ cũ, nhưng dân số lại gấp ~5,5 lần (485 triệu người). Nếu 4 con hổ cũ có dân số không đổi và kinh tế giữ nguyên mức hiện nay, còn 4 con hổ mới, dân số không tăng và có tăng trưởng kinh tế bình quân 7% thì sau 30 năm nữa mới có GDP đầu người từ ~4.650 USD đuổi kịp mức ~33.700 USD bình quân của 4 con hổ cũ. Nếu tính cả Việt Nam, có dân số còn lớn hơn cả 4 con hổ cũ nhưng GDP chưa bằng 1/10, tức là Việt Nam vẫn còn một khoảng cách khá xa trong nhóm của mình thì khoảng cách giữa các con hổ cũ và các con hổ mới là rất lớn nếu dựa theo tiêu chí GDP trên đầu người.
Tuy nhiên, đối với phần còn lại của thế giới trong mối quan hệ với các nền kinh tế thuộc nhóm các con hổ, dù cũ hay mới, thì không phụ thuộc vào mức độ phát triển của quốc gia tính theo GDP. Thực tế, các nước có GDP bình quân đầu người thấp lại có năng lực cạnh tranh hơn, có dư địa để phát triển nhiều hơn. Xét về giá trị công nghiệp đóng góp cho GDP thì 5 con hổ mới cũng tương đương 4 con hổ cũ (ở mức ~900 tỷ USD năm 2020). Về giá trị xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ năm 2020 thì 4 con hổ cũ đạt ~2.100 tỷ USD, gấp đôi so với giá trị xuất khẩu của 5 con hổ mới, nhưng Singapore và Hongkong lại chủ yếu là dịch vụ trung chuyển hàng hóa giữa các khu vực kinh tế, chứ không phải giá trị gia tăng từ sản xuất. Vì vậy, vai trò và vị thế của 5 con hổ mới không hề thua kém so với 4 con hổ cũ trong bối cảnh hợp tác toàn cầu hiện nay.
Các nước công nghiệp phát triển ở phạm vi toàn cầu đều có giá trị đóng góp của khu vực nông nghiệp trong GDP không quá 2%. Hàn Quốc, Đài Loan đều có mức như vậy, còn Singapore và Hongkong thì nông nghiệp không đáng kể. Trong khi đó, các nước con hổ mới đều có đóng góp của nông nghiệp trong GDP trên dưới 10% (Việt Nam cao nhất ở mức 14,9%, Indonesia 13,7%). Sau 10 năm, từ 2010 đến 2020, tỉ lệ này giảm khoảng 20%. Nước có quy mô GDP lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc có giá trị công nghiệp trong GDP đạt mức ~4.000 USD/người so với ~12.000 USD/người của Hoa Kỳ, nên giá trị đóng góp của nông nghiệp trong GDP là 7,7% so với 1% của Hoa Kỳ. Ấn Độ có GDP 2020 là 2.620 tỷ USD và GDP đầu người còn thấp hơn Việt Nam, giá trị công nghiệp trong GDP cũng chỉ hơn 6 lần so với Việt Nam, nên giá trị đóng góp của nông nghiệp trong GDP 2020 lên tới 18,3%.
Cả 5 quốc gia con hổ mới đều là các quốc gia biển và có thế mạnh về nông nghiệp. Giá trị nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản của các quốc gia này sẽ không có sự tăng trưởng ngang bằng với sự phát triển công nghiệp và dịch vụ, nên sẽ có tỉ trọng giảm dần trong GDP. Tuy nhiên, các giá trị công nghiệp và dịch vụ xoay quanh sản phẩm nông nghiệp sẽ gián tiếp làm tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp (thể hiện ở giá trị công nghiệp và dịch vụ). Các quốc gia Đông Nam Á đều là các quốc gia đông dân. Bài học và thực tế phát triển của Trung Quốc, Ấn Độ với dân số rất lớn đều phải chú ý đến khu vực nông nghiệp. Hiện đại hóa nông nghiệp không những đảm bảo đáp ứng về sản lượng mà còn đảm bảo an toàn sức khỏe của người dân. Sự tăng trưởng giá trị công nghiệp như phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hay lĩnh vực dược phẩm liên quan đến bệnh tật do mất an toàn thực phẩm gây ra chỉ là những giá trị tăng trưởng tiêu cực.
Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp thì Hàn Quốc và Đài Loan đều đạt mức giá trị công nghiệp tính theo đầu người đạt trên 10.000 USD, ngang bằng với các quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức. Trong các nước con hổ mới thì Malaysia và Thái Lan chỉ bằng 1/4 đến 1/3 so với các nước công nghiệp phát triển, Indonesia ở mức thấp hơn nữa, còn Philippines và Việt Nam chỉ chưa đến 1/10. Với giá trị xuất khẩu của 5 quốc gia ASEAN này đạt hơn 1.000 tỷ USD so với hơn 2.500 tỷ USD của Trung Quốc thì cả Trung Quốc và ASEAN dù có cạnh tranh cũng đều có cơ hội tiếp tục tăng trưởng. Nếu dân số giữ nguyên còn công nghiệp tăng trưởng ở mức 7%/năm, thì sau 15 năm nữa Malaysia cùng Trung Quốc đạt mức bình quân 10.000 USD/người giá trị công nghiệp trong GDP, tương đương mức của Hàn Quốc và Đài Loan năm 2020. Thailand sẽ cần thời gian 22 năm, Indonesia 29 năm, còn Philippines và Việt Nam cần tới 35 năm. Mức tăng trưởng cao hơn sẽ giúp thời gian rút ngắn hơn.
Không phải ngẫu nhiên mà 5 nước hàng đầu ASEAN, trong đó có Việt Nam, được coi là “Những con hổ mới ở châu Á”. Các con hổ trước đây đã tiệm cận đỉnh cao của các nước phát triển, với quy mô dân số nhỏ thì sẽ khó có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Tự nội tại các nước con hổ mới có nhu cầu tăng trưởng về công nghiệp rất cao, lại bên cạnh một Trung Quốc cũng còn nhiều dư địa phát triển. Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế sẽ kéo theo và thúc đẩy nhu cầu phát triển chung. Trong vòng 30 năm tới thì cả Trung Quốc và ASEAN sẽ vẫn là khu vực kinh tế phát triển sôi động. Khu vực Mỹ và Tây Âu vẫn tiếp tục phát triển để đáp ứng nhu cầu phát triển của châu Á và cũng tiếp tục phụ thuộc vào châu Á ở nhiều lĩnh vực do sự phân công quốc tế đã thành truyền thống. Công nghiệp sẽ chỉ chiếm trung bình 1/3 GDP nhưng vẫn là yếu tố quyết định đối với một quốc gia phát triển.
Đối với Việt Nam, ở điểm xuất phát thấp hơn so với các con hổ mới ở tất cả các chỉ tiêu tuyệt đối và tương đối liên quan đến GDP, với một dân số đông và dư địa phát triển lớn, Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để có tốc độ bứt phá nhanh hơn các nước khác trong nhóm, mà giai đoạn 2010 - 2020 đã thể hiện rõ điều đó. Thu hút đầu tư nước ngoài và giá trị xuất nhập khẩu rất lớn khi so sánh tương quan với GDP, cao hơn so với tất cả các nước ASEAN, thể hiện nền kinh tế có độ mở lớn với bên ngoài. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu lớn của Việt Nam đang dựa vào tỉ trọng đáng kể của sản phẩm điện thoại và linh kiện điện tử. Việt Nam vẫn còn rất nhiều cơ hội để tham gia chuỗi cung ứng của nhiều sản phẩm khác nữa, đặc biệt là chế biến, chế tạo. Đối với thị trường trong nước, Việt Nam phải gia tăng năng lực sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, giảm một đồng nhập khẩu là tăng một đồng GDP. Ví dụ, tham khảo trường hợp Indonesia có GDP 2020 là 1.058 tỷ USD, giá trị xuất khẩu hàng hóa là 182 tỷ USD và nhập khẩu 142 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với xuất khẩu 283 tỷ USD và nhập khẩu 263 tỷ USD của Việt Nam. Thailand có GDP 2020 gấp 1,9 lần Việt Nam nhưng xuất, nhập khẩu đều thấp hơn Việt Nam, tương ứng là 258 tỷ USD và 207 tỷ USD. Sự tự ti thái quá trước hàng hóa nhập ngoại giá rẻ đang khiến Việt Nam mất dần thị trường và năng lực sản xuất nhiều loại mặt hàng.
Để có động lực phát triển trong giai đoạn mới, Việt Nam cần phải chú ý đồng đều cả 3 khu vực doanh nghiệp, gồm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khi đã trở thành ba chân kiềng của nền kinh tế. Quản trị doanh nghiệp nhà nước cần phải thay đổi theo hướng giao vốn, giao mục tiêu lợi nhuận và mục tiêu sản phẩm, không can thiệp vào hoạt động vi mô của doanh nghiệp. Doanh nghiệp tư nhân cần phải có môi trường hoạt động công bằng, minh bạch, các doanh nhân phải được nhìn nhận chân giá trị ở tính liêm chính và sự đóng góp cho xã hội, chứ không phải ở năng lực kiếm tiền bằng mọi giá, hưởng lợi nhiều nhờ các mối quan hệ thân hữu. Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vẫn có thể hưởng một số ưu đãi nhưng không quá chênh lệch so với các doanh nghiệp trong nước, các ưu đãi không phải là bù đắp khả năng kém cạnh tranh của nhà đầu tư, không hưởng lợi kép khi đã được ưu đãi cả thị trường và thuế.
Đại dịch COVID-19 đã làm chậm lại động năng phát triển của Việt Nam và cả khu vực. Đối với Việt Nam, nhịp chững lại này cũng không hẳn đã là tiêu cực. Giai đoạn từ nay đến năm 2045 chính là giai đoạn cất cánh của Việt Nam không chỉ nhằm đến mục tiêu tăng trưởng mà là mục tiêu phát triển. Sự phát triển có bền vững hay không, quốc gia có thịnh vượng hay không phụ thuộc vào nền móng và định hướng phát triển của nền kinh tế ở giai đoạn này. Việt Nam phải phát triển theo hướng công nghiệp hóa và nông nghiệp hiện đại an toàn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận