menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Jennie

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây có ngăn cản được Putin?

Các nhà lãnh đạo Nga và báo chí nước này đã liên tục chỉ trích những tuyên bố của chính quyền Joe Biden rằng Tổng thống Vladimir Putin đã quyết định tấn công Ukraine, và trước đó đã chế nhạo những dự đoán rằng cuộc tấn công sẽ xảy ra vào ngày 16/2 cũng như những tuyên bố rằng Putin đã “bật đèn xanh” cho các chỉ huy của mình.

Thực tế là không ai biết chắc liệu Nga có thực hiện một cuộc xâm lược quy mô lớn vào Ukraine hay không, và nếu có thì vào lúc nào và chiến dịch đó sẽ ra sao.

Có một điều khá chắc chắn là: Nga có tới 180.000 lính và quân Vệ binh Quốc gia dàn trận xung quanh Ukraine, đủ để phát động một cuộc tấn công lớn phối hợp từ nhiều hướng nếu nước này muốn và Nga hiện đã triển khai một số quân đến 2 khu vực ly khai ở miền Đông Ukraine. Hầu như không có chuyên gia quân sự nào kỳ vọng rằng số vũ khí 2,5 tỷ USD mà Mỹ cung cấp cho Ukraine có thể giúp nước này chống lại Nga nếu Putin quyết định điều quân đội vào 2 khu vực do Nga hậu thuẫn ở miền Đông Ukraine để báo trước một chiến dịch quân sự lớn hơn nhiều.

Tổng thống Biden đã nói rõ rằng mặc dù ông sẽ bảo vệ một quốc gia thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nếu nước này bị Nga tấn công, song lính Mỹ sẽ không được điều tới chiến đấu và hy sinh vì Ukraine. Những người biết suy nghĩ và có ảnh hưởng đối với chính sách đối ngoại của Mỹ đều cho rằng Tổng thống Biden không nên thực hiện các bước đi bổ sung và gây nguy cơ châm ngòi chiến tranh với một siêu cường hạt nhân khác trên thế giới. Điều đó khiến các biện pháp trừng phạt trở thành phản ứng duy nhất. Tổng thống Biden đã cảnh báo rằng Nga sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt từ phương Tây mà nước này chưa từng trải qua - khắc nghiệt hơn nhiều so với các lệnh trừng phạt được áp đặt năm 2014, sau khi Nga sáp nhập tỉnh Crimea của Ukraine và cung cấp vũ khí, binh lính để bảo trợ cho 2 khu vực ly khai hiện chiếm khoảng 1/3 các tỉnh Donetsk và Lugansk của Ukraine, vốn là những khu vực tiếp giáp với Nga và tạo thành Donbas.

Với việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - người mà những nỗ lực gần đây của ông nhằm ngăn chặn chiến tranh thông qua một giải pháp ngoại giao bằng cách tổ chức một hội nghị thượng đỉnh giữa Biden và Putin dường như đã thất bại - kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) triển khai các biện pháp trừng phạt kinh tế "có mục tiêu" đối với Nga; và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đóng băng việc cấp phép cho dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2), cỗ máy trừng phạt hiện đang đi vào hoạt động.

Có vẻ như người ta trông đợi rất nhiều vào các biện pháp trừng phạt - trên thực tế là quá nhiều. Nếu Putin ra lệnh triển khai một cuộc xâm lược lớn hơn, chắc chắn ông và Hội đồng An ninh Quốc gia của mình đã lường trước được các lệnh trừng phạt kinh tế nghiêm trọng từ phương Tây và coi cái giá đắt đỏ đó là thứ đáng phải trả để đạt được các mục tiêu của mình - vốn vẫn chưa rõ ràng - ở Ukraine. Bằng chứng cho thấy các biện pháp trừng phạt trong lịch sử không đặc biệt hiệu quả trong việc ngăn chặn các quốc gia theo đuổi một mục tiêu mà họ cho là có giá trị cao. Kết quả của các lệnh trừng phạt áp dụng đối với Triều Tiên nhằm thuyết phục nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân và chương trình tên lửa đạn đạo là một điển hình.

Nga không chỉ có nhiều nguồn lực kinh tế hơn so với Triều Tiên để vượt qua các lệnh trừng phạt, mà kể từ năm 2014, nước này đã thực hiện các bước để giảm bớt ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt. Dự trữ ngoại hối của Nga hiện tổng cộng là 630 tỷ USD - lớn thứ 4 thế giới. Tỷ lệ trái phiếu Nga do người nước ngoài nắm giữ hiện đã giảm từ gần 35% cách đây 2 năm xuống còn 21%. Nợ công nước ngoài của Nga vào cuối năm 2021 là 478 tỷ USD. Bây giờ, mặc dù chưa có sự thay đổi lớn nhưng nếu tính theo tỷ lệ phần trăm trong GDP của Nga, con số này chỉ ở mức 14% - một trong những mức thấp nhất trên thế giới (một số nước ước tính cao hơn, nhưng không nhiều). Khi Putin trở thành tổng thống năm 2000, tỷ lệ này là 62%.

Theo báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS), Nga cũng đã giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Từ năm 2013 đến năm 2020, số tài sản tính bằng đồng USD trong kho dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga đã giảm 50%. Giữa năm 2021, chính phủ Putin thông báo rằng đồng USD - đồng tiền chiếm 1/3 trong Quỹ Đầu tư Quốc gia trị giá 186 tỷ USD của Nga - sẽ được thay thế. Và Moskva đã chuyển sang giảm mạnh việc sử dụng đồng USD trong hoạt động thanh toán các tài khoản thương mại với các nước thành viên của Liên minh Kinh tế Á-Âu (Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan) và các nước trong khối BRIC (Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).

Lĩnh vực năng lượng của Nga chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây, và đó sẽ là một cú đánh lớn. Bán năng lượng chiếm khoảng 60% xuất khẩu của Nga và 36% nguồn thu ngân sách của nước này. Sự phụ thuộc vào dầu và khí đốt vừa là một điều may mắn vừa là một “lời nguyền” đối với Nga: Khi giá cả tăng cao, nước này thu về hàng triệu USD; khi giá cả lao dốc, tác động xấu sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế bởi vì Nga - một quốc gia dầu khí - không có các mặt hàng xuất khẩu đa dạng. Tuy nhiên, giá dầu thô hiện trên 90 USD/thùng và nếu tiếp tục duy trì ở mức đó, Nga sẽ thu về thêm 65 tỷ USD trong năm nay; và tất nhiên, chiến tranh ở Ukraine có thể đẩy giá dầu lên cao hơn nữa.

Một cuộc tấn công của Nga vào Ukraine vượt ra ngoài phạm vi Donbass có thể giáng một đòn chí mạng vào đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 - đường ống có khả năng giúp Nga tăng doanh số bán khí đốt sang châu Âu lên 1/3. Và các lệnh trừng phạt cắt đứt Nga khỏi hệ thống tài chính quốc tế sẽ gây khó khăn cho việc thu tiền từ xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang châu Âu. Tuy nhiên, châu Âu - châu lục có tới 40% lượng khí đốt tiêu thụ phải phụ thuộc vào Nga - cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Cố gắng hết sức có thể, lấp đầy khoảng trống mà Nga để lại (năm 2020, Nga xuất khẩu sang châu Âu tổng cộng 168 tỷ mét khối khí đốt) bằng cách chuyển sang các nhà cung cấp quan trọng khác (Na Uy, Algeria và Azerbaijan) sẽ là điều không thể trong ngắn hạn. Nga chắc chắn sẽ mất đi nguồn thu quý giá, nhưng châu Âu cũng sẽ bị thiệt hại.

Các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt đối với Nga càng sâu rộng, những người Nga bình thường càng có nhiều khả năng phải trả giá đắt - đây không phải là một cách tốt để nhận được thiện chí từ người dân Nga. Hơn nữa, nền kinh tế của châu Âu sẽ bị tổn hại nhiều hơn so với Mỹ, khi xét tới việc thương mại của châu Âu với Nga (282 tỷ USD trong năm 2021) về cơ bản nhiều hơn rất nhiều thương mại của Mỹ với Nga (36 tỷ USD vào năm 2021).

Tất cả những điều trên không có nghĩa rằng các biện pháp trừng phạt sẽ không gây tổn hại cho nền kinh tế Nga mà thực tế là có. Nhưng đừng trông chờ trừng phạt có thể ngăn cản được Putin nếu ông cho rằng việc tấn công Ukraine sẽ phục vụ một mục tiêu an ninh quốc gia quan trọng. Và cũng đừng mong đợi Putin sẽ từ bỏ bất kỳ vùng lãnh thổ nào mà ông đã giành được từ Ukraine vì các lệnh trừng phạt gây tổn hại cho nền kinh tế Nga mà phương Tây cho rằng Moskva sẽ không thể chịu đựng được.

Theo The Hill

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả