Cà phê xuất khẩu giảm cả lượng và chất
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, xuất khẩu cà phê tháng 6 2019 ước đạt 165 nghìn tấn với kim ngạch 274 triệu USD. Lũy kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê đạt 943 nghìn tấn, trị giá 1,6 tỷ USD, giảm 9,2% về lượng và 19,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Điều này do cả những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Ở thị trường thế giới, giá cà phê Robusta kỳ hạn tháng 7/2019 tại thị trường London có diễn biến giảm với mức giảm 476 USD/tấn do nguồn cung cà phê toàn cầu đang ở mức cao. Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê Robusta đứng đầu thế giới. Ngoài ra, nhiều thị trường nhập khẩu chính của cà phê Việt Nam như Mỹ, Đức, Italya, Nhật Bản, Hàn Quốc... cũng đang có sự sụt giảm mạnh về sức cầu.
Đơn cử, mặc dù là nguồn cung cà phê lớn nhất (tính theo lượng) cho Hàn Quốc, nhưng trong 4 tháng đầu năm 2019, khối lượng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này đã giảm 5,3% về lượng và giảm tới 16,3% về trị giá so với 4 tháng đầu năm 2018. Cũng tương tự, Việt Nam là nguồn cung cà phê lớn thứ 3 đối với Mỹ và lượng cà phê nhập khẩu từ Việt Nam vào quốc gia này trong năm qua giảm hơn 10% và giảm tới 24% về trị giá. Trong 10 nguồn cung cà phê lớn nhất cho Mỹ năm 2018, giá cà phê nhập khẩu bình quân từ Việt Nam có mức thấp nhất 1.881 USD/tấn...
Chính những diễn biến này đã khiến cho kim ngạch và giá trị của cà phê Việt sụt giảm đáng kể. Tuy nhiên một điều đáng quan ngại là không chỉ giảm theo xu hướng chung của thị trường toàn cầu, mà giá cà phê tại thị trường nội địa nước ta cũng có xu hướng giảm nhanh hơn tốc độ giảm trên thế giới.
Một DN xuất khẩu cà phê có trụ sở tại Lâm Đồng cho biết, phần lớn các DN xuất khẩu cà phê hiện nay đang bán hàng theo hình thức "trừ lùi" (chiếm khoảng 85% tổng lượng cà phê xuất khẩu). Theo đó, DN ký hợp đồng bán cà phê từ trước, lấy tiền tạm ứng của bên mua và đợi đến mùa thu hoạch sẽ giao hàng. Lúc đó, mức giá sẽ được ấn định căn cứ theo giá cà phê tại các sàn giao dịch thế giới thời điểm giao hàng, trừ đi một mức giá nào đó (có thể đến hơn 100 USD/tấn).
Hiện, Việt Nam có tới hơn 100 DN xuất khẩu cà phê, song về tổng thể vẫn theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, nhiều khi tổng lượng hàng đã được ký bán trên giấy theo hình thức trừ lùi nhiều khi cao hơn lượng cà phê thực tế. Còn ở trong nước, DN vì muốn xuất khẩu có lãi, nên lại quay về thu mua nguyên liệu từ nông dân với giá thấp, tạo ra vòng luẩn quẩn tự “dìm” giá thu mua và xuất khẩu xuống. Vì vậy, để nâng giá cà phê xuất khẩu lên, các DN xuất khẩu cần phải có sự liên kết, thay đổi phương thức bán hàng để có thể hạn chế tối đa các thiệt thòi cho chính mình cũng như người nông dân cung cấp nguyên liệu.
Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Nam Hải, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Cà phê, cacao Việt Nam cho rằng, nguyên nhân khiến giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam thường ở mức thấp so với các nước trong nhóm các nước xuất khẩu cà phê (Brazil, Colombia, Mexico, Indonesia...) là do cà phê Việt Nam chủ yếu xuất thô (chiếm đến hơn 80% khối lượng xuất khẩu). Bên cạnh đó, quả cà phê nguyên liệu khi thu hoạch không đáp ứng đủ tiêu chuẩn về độ chín, cà phê còn lẫn các tạp chất dẫn đến chất lượng còn thấp.
Cùng chung quan điểm, theo TS. Lê Ngọc Báu, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, phần lớn nguyên liệu được đưa vào chế biến không đồng đều về chất lượng, vẫn còn nhiều loại quả có độ chín khác nhau, có khi tỷ lệ quả xanh chiếm đến 40 – 50% khiến cho chất lượng sản phẩm không cao do trong quá trình chế biến khô không thể loại bỏ được những quả xanh khỏi dây chuyền. Sở dĩ có tình trạng này là do nông dân khi thu hoạch thường hái cả quả xanh vì chi phí thu hoạch quả chín và việc bảo vệ sản phẩm ngoài đồng tốn kém; trong khi giá bán quả chín không khác gì mấy so với quả xanh. Ngoài ra, việc thiếu sân phơi cũng là nguyên nhân làm giảm chất lượng cà phê. Nông dân có tập quán lưu giữ trong bao sau khi thu hái từ 5 - 7 ngày để rút ngắn thời gian phơi. Việc lưu giữ quả trong bao thúc đẩy quá trình phát sinh nấm mốc, chuyển hóa màu sắc của nhân, làm giảm chất lượng, mùi vị một cách đáng kể.
“Nhận thức được những nguyên nhân khiến Việt Nam mặc dù là quốc gia dẫn đầu thế giới về xuất khẩu cà phê, song kim ngạch và giá trị đang có xu hướng giảm để tiến hành thay đổi là việc không chỉ của người nông dân hay DN thu mua, chế biến xuất khẩu cà phê, mà quan trọng nhất là cần có chiến lược riêng cho sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ đạo và có giá trị thương mại cao này”, TS. Báu nhận định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận