BYD Electronic International trả 2,2 tỉ USD mua các nhà máy của công ty Mỹ ở Trung Quốc
BYD Electronic International, chi nhánh điện tử của nhà sản xuất ô tô điện nổi tiếng BYD, đã đồng ý mua lại hoạt động sản xuất của Jabil (Mỹ) tại Trung Quốc với giá 15,8 tỉ nhân dân tệ (2,2 tỉ USD), mở rộng phạm vi hoạt động sang lĩnh vực thiết bị di động.
BYD Electronic International, một đơn vị không thuộc sở hữu hoàn toàn của BYD, đang tiếp quản hoạt động kinh doanh sản xuất sản phẩm của Jabil tại thành phố Thành Đô và Vô Tích (Trung Quốc). BYD Electronic International cho biết thông tin này hôm 28.8. Thỏa thuận giữa BYD Electronic International và Jabil bao gồm việc sản xuất các sản phẩm cho khách hàng hiện tại.
Thỏa thuận này đẩy nhanh việc mở rộng của BYD sang sản xuất thiết bị điện tử di động. BYD Electronic International sản xuất nhiều loại sản phẩm từ vỏ smartphone đến mô đun không dây dùng trong ô tô, đồng thời vận hành các nhà máy ở Trung Quốc và Việt Nam sản xuất linh kiện cho Apple.
Jabil từng là một trong những nhà sản xuất theo hợp đồng lớn nhất Trung Quốc, thuê hàng chục ngàn công nhân ở các tỉnh Tứ Xuyên, Quảng Đông và Giang Tô để lắp ráp các linh kiện cho Apple.
Trong một tuyên bố riêng, Jabil cho biết việc bán lại hoạt động sản xuất tại Trung Quốc sẽ cho phép công ty “tăng cường nguồn vốn tập trung vào cổ đông, gồm cả việc mua lại cổ phần tăng thêm”.
BYD lọt vào top 10 nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới
BYD đã vượt qua Mercedes-Benz, BMW về doanh số trong nửa đầu năm 2023
BYD lần đầu tiên lọt vào danh sách 10 công ty ô tô lớn nhất thế giới về doanh số bán hàng, vượt qua cả những tên tuổi lớn như Mercedes-Benz và BMW. Điều này cho thấy xu hướng xe điện đang làm thay đổi bức tranh ngành công nghiệp ô tô.
Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu MarkLines và các nhà sản xuất ô tô, doanh số bán xe mới trên toàn cầu của BYD đã tăng 96% lên mức 1,25 triệu chiếc trong nửa đầu năm 2023, đưa hãng này lên vị trí thứ 10, sau Suzuki Motor (Nhật Bản).
Ngừng sản xuất ô tô chạy bằng xăng từ năm 2022, BYD đứng thứ 16 về doanh số vào năm ngoái và thậm chí còn không lọt vào top 20 trong năm 2021.
BYD đã chiếm được nhiều thị phần hơn bằng cách mở rộng dòng sản phẩm của mình ở cả phân khúc bình dân và cao cấp, tập trung vào ô tô điện và xe lai sạc điện. Đối thủ của Tesla cũng đã có những động thái mạnh mẽ vượt ra ngoài thị trường nội địa rộng lớn ở Trung Quốc.
BYD đã xuất khẩu hơn 80.000 ô tô được sản xuất ở Trung Quốc trong nửa đầu năm 2023, tăng cường hiện diện ở Thái Lan và các quốc gia Đông Nam Á khác, cũng như ở Nga – nơi các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản, Mỹ và châu Âu rút lui sau khi bùng nổ chiến sự ở Ukraine.
Không riêng BYD, các tập đoàn ô tô Trung Quốc khác cũng có những bước tiến lớn trong nửa đầu năm nay. Zhejiang Geely Group Holding xếp thứ 13, Changan Automobile Group đứng thứ 14 và Chery Automobile xếp thứ 17, với doanh số bán tăng hai con số.
Tại Trung Quốc, xuất khẩu ô tô tăng mạnh trong khi doanh số bán ô tô mới trong nước hầu như không tăng. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, các hãng ô tô lớn của nước này đã xuất khẩu 2,14 triệu chiếc trong nửa đầu năm 2023, tăng 76% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kentaro Abe, Giám đốc chiến lược và tư vấn kinh doanh của hãng PwC tại Nhật Bản, cho biết các thương hiệu ô tô Trung Quốc “rút ngắn khoảng cách về trang bị và tính năng so với các đối thủ ở các nền kinh tế phát triển”. Kentaro Abe nói xuất khẩu ô tô điện và các phương tiện sử dụng năng lượng mới của Trung Quốc cũng đang gia tăng.
Trong nửa đầu năm 2023, BYD đã vươn lên dẫn đầu trong việc bán ô tô điện, xe lai sạc điện và ô tô chạy bằng pin nhiên liệu trên 14 thị trường lớn, theo MarkLines. Tesla đứng thứ 2 trong danh sách này, trong khi Volkswagen xếp thứ 3. Các thị trường quan trọng này bao gồm Trung Quốc, Mỹ và các quốc gia khác.
Toyota Motor vẫn dẫn đầu về doanh số bán ô tô toàn cầu trong nửa đầu năm, đạt 5,41 triệu chiếc.
Ngoại trừ Honda Motor, 20 công ty hàng đầu đều tăng doanh số bán hàng kể từ mức thấp nhất vào năm 2022, do sự gián đoạn chuỗi cung ứng và lệnh phong tỏa vì COVID-19 của Trung Quốc. Thế nhưng, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản và châu Âu đang gặp khó khăn tại thị trường Trung Quốc.
Toyota Motor chứng kiến tổng doanh số bán ô tô tăng 5% trong nửa đầu 2023, mức tăng đầu tiên sau 2 năm. Thị trường Nhật Bản và châu Âu đóng góp cho sự tăng trưởng này của Toyota Motor, nhưng doanh số bán hàng tại Trung Quốc lại giảm 3%, xuống còn 870.000 ô tô. Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản như Honda, Nissan Motor, Mazda Motor và Mitsubishi Motors đều chứng kiến mức giảm hai con số hoặc lớn hơn tại thị trường Trung Quốc.
Xếp ở vị trí thứ 2, Volkswagen có doanh số tăng 13% lên mức 4,37 triệu ô tô, nhưng doanh số bán hàng tại Trung Quốc (chiếm khoảng 30% tổng doanh số của tập đoàn Đức) lại giảm 1% xuống 1,45 triệu.
Trong khi các nhà sản xuất ô tô lớn phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các thương hiệu địa phương ở Trung Quốc, “họ cần một chiến lược khu vực để phân tán rủi ro”, Kentaro Abe nhận định.
Đầu tháng 8, BYD (có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến) đã báo cáo doanh số bán hàng cao kỷ lục trong tháng 7, khi nhu cầu tại Trung Quốc tiếp tục tăng.
Doanh số bán hàng mạnh mẽ diễn ra sau cuộc chiến giảm giá trong nửa đầu năm 2023, giúp đưa lĩnh vực ô tô điện Trung Quốc trở lại đà phát triển nhanh chóng và có khả năng mang lại sự thúc đẩy rất cần thiết cho nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại của đất nước.
BYD cho biết đã giao 262.161 ô tô điện trong tháng 7, tăng 3,6% so với một tháng trước đó.
Là nhà sản xuất ô tô điện lớn nhất Trung Quốc, BYD đã phá kỷ lục doanh số bán hàng hàng tháng trong tháng thứ ba liên tiếp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận