BVSC: “Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất chủ yếu chỉ mang tính chất định hướng và tâm lý”
Theo nhìn nhận của BVSC, tác động từ giảm các lãi suất điều hành tại Việt Nam sẽ không quá lớn như ở các nước phát triển như Mỹ hay châu Âu...
Cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước công bố quyết định giảm một số loại lãi suất điều hành.
Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn được điều chỉnh giảm từ 6,25%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,25%/năm xuống 4,0%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng từ 7,25%/năm xuống 7,0%/năm.
Cùng đó, Ngân hàng Nhà nước giảm cả lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 4,75%/năm xuống 4,5%/năm.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), động thái này không quá bất ngờ khi cách đây gần 2 tháng, Nhà điều hành đã có bước đi đầu tiên là giảm 0,25% lãi suất tín phiếu.
BVSC cho rằng trong bối cảnh rủi ro kinh tế toàn cầu suy giảm ngày càng tăng và nhiều ngân hàng trung ương các nước khác trên thế giới đã cắt giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng không muốn đứng ngoài xu hướng trên.
Tuy vậy, ở góc độ thực tế, công ty chứng khoán này đánh giá tác động của việc giảm các loại lãi suất trên tại Việt Nam sẽ không quá lớn như ở các nước phát triển như Mỹ hay châu Âu...
Nguyên nhân là do việc điều hành chính sách tiền tệ ở Việt Nam là đặt mục tiêu trực tiếp về khối lượng cung tiền thông qua các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán (M2) chứ không như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hay Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) điều tiết cung tiền thông qua mục tiêu trung gian là lãi suất.
Thêm vào đó, các loại lãi suất như tái chiết khấu, tái cấp vốn không phải là nghiệp vụ được sử dụng thường xuyên, chỉ diễn ra khi một số ngân hàng gặp khó khăn lớn về thanh khoản, buộc phải vay vốn từ Ngân hàng Nhà nước khi không vay được thông qua kênh liên ngân hàng.
Ngay cả đợt cắt giảm lãi suất tín phiếu hồi tháng 7 mới đây cũng có tác động rất hạn chế đến mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường.
Do vậy, quyết định cắt lãi suất như trên của Nhà điều hành được BVSC đánh giá chỉ mang tính chất định hướng và tâm lý là chủ yếu, còn việc Việt Nam có thật sự nới lỏng hơn chính sách tiền tệ hay không thì phải chờ các số liệu thực tế về tăng trưởng tín dụng và M2 trong thời gian tới.
Còn dưới góc nhìn của chuyên gia tài chính, TS. Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước là phù hợp với xu thế chung của các ngân hàng trung ương trên thế giới đang giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Tại Việt Nam, lạm phát đang thấp cũng là cơ hội để giảm lãi suất.
Bên cạnh đó, cung cầu tín dụng đang có dấu hiệu căng thẳng khi cầu tín dụng khá lớn nhưng cung tín dụng hẹp hơn. Theo đó, việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất, nới lỏng tiền tệ là cần thiết để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế để ít nhất có thể đạt được mức tăng trưởng mà Quốc hội giao.
Ngoài ra, TS. Nghĩa cũng cho rằng, xu thế giảm lãi suất trên thế giới có thể sẽ còn kéo dài vì kinh tế toàn cầu có thể đang rơi vào thời kỳ suy giảm có tính chu kỳ, tăng trưởng thương mại toàn cầu đang rất thấp, do đó ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Do vậy, động thái của Ngân hàng Nhà nước sẽ hỗ trợ các ngân hàng mở rộng cho vay.
Tuy nhiên, chuyên gia cũng cho rằng mức giảm như vậy vẫn khá khiêm tốn.
“Có lẽ từ nay đến cuối năm cơ quan quản lý có thể xem xét giảm thêm mới có giá trị thực sự trong việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam”, ông Nghĩa nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận