Buồn của một thế hệ tỷ phú Trung Quốc khi tuổi già ập đến nhưng vẫn đứng ngồi không yên vì cậu ấm cô chiêu
Tỷ phú từng giàu nhất Trung Quốc Zong Qinghou đã qua đời vào tháng 2, hưởng thọ 79 tuổi. Sự ra đi của ông thổi bùng một cuộc đấu tranh nội bộ để giành quyền kiểm soát tập đoàn đồ uống Wahaha trị giá hàng tỷ USD.
Người con duy nhất của ông Zong, bà Kelly Zong Fuli, được thừa kế tài sản của cha nhưng việc tiếp quản công ty phức tạp hơn nhiều. Bà Kelly phải đối mặt với nhiều thách thức nội bộ trong Wahaha, đặc biệt là khi quyền sở hữu công ty được chia cho các thực thể nhà nước, quỹ tín thác và các cổ đông.
Cuộc đấu tranh quyền lực dẫn đến việc bà phải từ chức tổng giám đốc chưa đầy 5 tháng sau khi cha qua đời và trở lại vào tháng 8 sau đó.
Câu chuyện của Kelly Zong đã cho thấy vấn đề nơi các doanh nghiệp lâu năm của Trung Quốc. Đó là khi các thế hệ doanh nhân đời đầu đang già đi, đặt trọng trách định đoạt tương lai công ty lên vai các thế hệ thừa kế.
Trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến năm 2022, các cuộc khảo sát chỉ ra rằng khoảng 75% các công ty gia đình của Trung Quốc đang phải vật lộn với các vấn đề kế nhiệm.
Nhiều doanh nhân giàu có và thành đạt nhất của Trung Quốc đang ở độ tuổi 50 - 60 và một bộ phận lớn trên 70 tuổi. Khi những người sáng lập này bắt đầu lùi về sau, sự chú ý đổ dồn vào con cái của họ.
Theo truyền thống, văn hóa Trung Quốc ủng hộ việc cha truyền con nối. Tuy nhiên, những người thừa kế đang phải đối mặt với những thử thách lớn, không chỉ trong việc giành quyền kiểm soát doanh nghiệp mà còn trong việc quản lý công ty khi nền kinh tế ngày càng phức tạp.
Ngoài trường hợp của Kelly Zong tại Wahaha, những người thừa kế doanh nghiệp lớn khác cũng gặp tình trạng tương tự. Chẳng hạn như He Jianfeng, con trai của người sáng lập Midea - He Xiangjian, gặp thất bại trong các dự án riêng và đang bị giám sát khi Midea chuẩn bị cho quá trình chuyển giao quyền lãnh đạo. Trong khi đó, Wang Sicong, con trai của tỷ phú bất động sản Wang Jianlin, vướng vào loạt tai tiếng phá sản, vỡ nợ.
Một trở ngại lớn mà những doanh nhân thế hệ thứ hai này phải đối mặt là quan điểm kinh doanh của họ khác biệt so với cha mẹ. Thế hệ đầu tiên thường lớn lên trong nghèo đói và xây dựng công ty của họ từ con số không. Ngược lại, con cái của họ “sinh ra tại vạch đích”. Áp lực điều hành công ty lớn khiến họ không hứng thú đảm nhận vai trò lãnh đạo hoặc họ chưa chuẩn bị sẵn sàng cho điều đó.
Những thách thức mà các doanh nhân thế hệ thứ hai phải đối mặt trở nên nghiêm trọng hơn trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc hiện tại. Khi tăng trưởng kinh tế chậm lại, nhiều lĩnh vực như bất động sản, sản xuất, du lịch đối mặt với nhiều khó khăn. Điều đó khiến thế hệ thừa kế khó có thể duy trì thành công của cha mẹ.
Trong quá trình tiếp quản đế chế kinh doanh mới, một số doanh nhân trẻ cố gắng thích nghi bằng cách khám phá các hoạt động kinh doanh mới. Tuy nhiên, những nỗ lực của họ thường bị cản trở bởi những thách thức như thiếu lao động lành nghề và chi phí đổi mới cao. Quá trình chuyển giao quyền lực càng trở nên phức tạp hơn khi doanh nhân trẻ ít kinh nghiệm và gặp khó khăn trong việc tạo dựng lòng tin với nhân viên, nhà đầu tư và đối tác.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận