Buôn bán, vận chuyển hàng lậu, gian lận thương mại vẫn phức tạp
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương Trần Hữu Linh cho biết, trên tuyến biên giới các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang… thời gian qua nổi lên hoạt động vận chuyển trái phép các mặt hàng như: pháo nổ, gi
Các lực lượng chức năng tại đây đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, chốt chặn những khu vực đường mòn lối mở trọng điểm. Phía Trung Quốc cũng đã xây hàng rào biên giới kiên cố nên tình hình vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới có giảm hơn so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng lậu, sản xuất buôn bán hàng giả và gian lận thương mại vẫn còn diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức thủ đoạn tinh vi và có sự cấu kết chặt chẽ giữa các chủ đầu lậu trên biên giới và trong nội địa.
Tuyến biên giới miền Trung gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, lực lượng QLTT cũng đã phát hiện rất nhiều vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép pháo nổ, rượu, thuốc lá điếu, đường, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, mắt kính, đồng hồ đeo tay... Điển hình, tháng 11/2019, Tổng cục QLTT (Cục QLTT tỉnh Quảng Bình) đã phát hiện và thu giữ 3.108 chai rượu lậu với giá trị gần 1,5 tỷ đồng tại địa phận tỉnh Quảng Bình... Tuyến biên giới Tây Nam Bộ, địa bàn trọng điểm là các tỉnh: Bình Dương, An Giang, Long An, Tây Ninh, Kiên Giang... mặt hàng buôn lậu, vận chuyển trái phép nổi lên vẫn là: đường cát, đồ điện tử, phế liệu và hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng.
Đáng chú ý, tình trạng sử dụng mẫu mã, bao bì, nhãn mác của các nhà máy đường trong nước để vận chuyển trái phép qua biên giới mặt hàng đường cát ngoại nhập, quay vòng hóa đơn vào tiêu thụ trong nội địa vẫn tiếp tục diễn ra. Điển hình trong tháng 10/2019, lực lượng QLTT đã phát hiện, tạm giữ để xác minh làm rõ dấu hiệu vi phạm đối với gần 250 tấn đường cát các loại đang tàng trữ tại kho và dụng cụ dùng để sang chiết, đóng gói ở tỉnh Bình Dương...
Trong khi đó, tại thị trường nội địa tình trạng buôn bán, sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra phức tạp, có chiều hướng gia tăng ở khắp các vùng miền, đặc biệt khu vực đô thị, với nhiều mặt hàng như: xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hàng bách hóa tiêu dùng, dược phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu…
Cũng theo đại diện Tổng cục QLTT, thời gian gần đây nổi lên tình trạng hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài chuyển tải qua Việt Nam để hợp thức hóa hồ sơ hoặc xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ sau đó xuất khẩu sang nước thứ ba, lợi dụng xuất xứ Việt Nam để chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa nhằm lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… như nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu Việt Nam sau đó thay đổi nhãn mác, xuất xứ thành “Made in Vietnam” ngay tại khu vực cửa khẩu nhập và xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ để xuất đi các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản. Tình trạng giả mạo nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, trốn thuế, buôn lậu quy mô lớn xảy ra.
Trước tình hình đó, năm 2019, lực lượng QLTT đã triển khai thực hiện nhiều kế hoạch công tác, triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua đó làm tốt công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, các vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đồng thời, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về các lĩnh vực trong hoạt động thương mại đối với các cơ sở kinh doanh, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hạn chế sai phạm của đối tượng trong hoạt động kinh doanh.
Kết quả đã phát hiện, xử lý trên 90.000 vụ vi phạm, lực lượng QLTT ước thu nộp ngân sách gần 670 tỷ đồng; trong đó, đã thu nộp ngân sách nhà nước gần 500 tỷ đồng; giá trị hàng hóa tịch thu chưa bán trên 170 tỷ đồng (tăng gần 180 tỷ đồng so với năm 2018); giá trị hàng hóa, tang vật vi phạm bị tiêu hủy trên 120 tỷ đồng…
Dự báo trong thời gian tới hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ còn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Năm 2020, lực lượng QLTT sẽ tập trung, đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thị trường nội địa. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến công tác chống hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và gian lận xuất xứ hàng hóa. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng khác triển khai hiệu quả Kế hoạch đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đến hết năm 2020. Theo đó tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá; Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch 11/KH-BCĐ389 ngày 08/8/2018 của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và vị thuốc y học cổ truyền.
Bên cạnh đó là nắm vững diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách để kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới nổi để đấu tranh ngăn chặn. Chủ động phối hợp xây dựng, triển khai đồng bộ các phương án, chuyên đề, kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo để có thông tin kịp thời, chính xác phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành; tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các chương trình, kế hoạch để rút kinh nghiệm, đề ra các giải pháp đấu tranh phù hợp với tình hình thực tiễn…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận