Buôn bán bất động sản qua sàn có chặn được lừa đảo?
Cả chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam lẫn bộ trưởng Bộ Xây dựng đều cho rằng giao dịch bất động sản qua sàn sẽ ngăn chặn các hành vi lừa đảo, rửa tiền.
Chặn lừa đảo, rửa tiền khi bán buôn bất động sản qua sàn?
TS Nguyễn Văn Đính - chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam - cho rằng từ trước đến nay, gần như các chủ đầu tư khó có thể bán các sản phẩm do mình phát triển mà phần lớn phải qua các sàn chuyên nghiệp.
Theo ông Đính, nếu cho rằng giao dịch bất động sản qua sàn làm tăng chi phí, mất "chủ quyền" của doanh nghiệp thì chưa chính xác.
"Tôi khẳng định nếu thuê các sàn giao dịch bán hàng thì chủ đầu tư còn tiết kiệm được nhiều hơn, hiệu quả hơn là họ tự bán", ông Đính nói.
Theo ông Đính, thực tiễn đã chứng minh các chủ đầu tư địa ốc, kể cả những "ông lớn" địa ốc tự lập phòng kinh doanh, tự bán hàng thì sau này cũng sập tiệm và phần lớn phải quay lại các sàn. Trong đó, các chủ đầu tư tự bán hàng thì chi phí còn gấp ba lần so với bán thông qua các sàn.
Thông thường, kinh phí dự kiến trong dự toán tổng mức đầu tư là khoảng 10% nhưng chủ đầu tư phải bỏ ra chi phí cao hơn, hiệu quả thấp hơn. Còn thông qua sàn, nhiều chủ đầu tư có thể mặc cả, thậm chí chỉ mất 5-6% bởi các sàn có tính chuyên môn hóa cao, giúp giảm giá thành.
Bên cạnh đó, khi giao dịch qua sàn, các sàn buộc phải kiểm tra tính xác thực, pháp lý của dự án trước khi đến tay người tiêu dùng bởi nếu bán không đúng thì các sàn phải đền.
Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam khẳng định các sàn sẽ là người gác cửa, đảm bảo thực thi các chức năng mà Nhà nước đang quy định để tránh trốn thuế, minh bạch về nguồn tiền, tránh được rửa tiền, lừa đảo.
Tuy vậy, ông Đính cho rằng nếu bắt buộc giao dịch bất động sản qua sàn, các sàn, các môi giới phải chuẩn hơn, chuyên nghiệp hơn và tuân thủ các quy định nghiêm ngặt. Do đó, không phải sàn, môi giới nào cũng muốn áp dụng theo hướng trên mà nhiều người vẫn muốn áp dụng theo luật hiện hành là không bắt buộc.
Giao dịch qua sàn sẽ chống tài trợ khủng bố
Trước đó, đề xuất bắt buộc giao dịch bất động sản qua sàn trong Luật Kinh doanh bất động sản đã gây nhiều ý kiến trái chiều, trong đó có nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội phản đối, cho rằng điều này tạo nên độc quyền, tăng chi phí.
Đặc biệt, nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất cần quy định công chứng bắt buộc thay vì mua bán qua sàn giao dịch, đây là công cụ pháp lý phổ biến để kiểm soát tốt rủi ro đối với người dân, bảo đảm sự minh bạch về thông tin của các bên khi tham gia giao dịch bất động sản.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng việc quy định các giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai thực hiện thông qua sàn nhằm đảm bảo đồng bộ với hệ thống pháp luật, hoàn thiện cơ chế phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố ở Việt Nam. Đồng thời, việc này cũng nhằm tăng cường kiểm soát, công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi của người dân.
Ông Nghị đánh giá quy định này không làm tăng chi phí bất hợp lý cho chủ đầu tư hay làm tăng giá bán bởi các chủ đầu tư xác định chi phí bán hàng từ 8-10%, bao gồm hoa hồng cho người bán hàng. Do vậy, chủ đầu tư có thể tự bán, tự lập sàn hoặc thuê sàn chuyên nghiệp bán với hiệu quả có thể cao hơn.
"Các giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai có nhiều đặc thù như tài sản chưa hình thành, pháp lý của dự án bất động sản phức tạp, điều kiện đưa vào kinh doanh phải được kiểm soát theo thực tế triển khai của dự án. Do vậy, giao dịch qua sàn để đảm bảo công khai, minh bạch, giúp ngăn chặn các hành vi lừa đảo trong giao dịch bất động sản nhằm minh bạch hóa hoạt động của tất cả các chủ thể tham gia thị trường, tránh rủi ro cho người dân", ông Nghị nói.
Trong khi đó, một chủ đầu tư bất động sản lớn ở TP.HCM cho rằng việc quy định bắt buộc giao dịch bất động sản qua sàn hay không hiện ít ảnh hưởng đến chủ đầu tư bởi nếu muốn tự bán hàng, các chủ đầu tư hoàn toàn có thể tự mở sàn riêng của mình.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận