Buộc thôi chức chủ tịch nếu chủ ngân hàng 'nắm' quá số cổ phần quy định
Một trong những điểm đáng chú ý tại Nghị định 88/2019/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng là yêu cầu thoái vốn, buộc thôi các vị trí quan trọng nếu một cá nhân sở hữu số cổ phần vượt quá quy định.
Cụ thể, tại Khoản 2, Điều 9 của Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng đối với các hành vi sau:
(a) Sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ quy định tại các khoản 1,2 và 3 điều 55 của Luật Các tổ chức tín dụng;
(b) Mua lại cổ phần của cổ đông mà sau khi thanh toán hết số cổ phần mua lại không đảm bảo các tỷ lệ an toàn trong hoạt động ngân hàng quy định tại khoản 1 Điều 130 Luật Các tổ chức tín dụng;
(c) Chuyển nhượng cổ phần không đúng quy định tại khoản 4 Điều 56 Luật Các tổ chức tín dụng.
Cùng với đó, Nghị định cũng quy định các biện pháp khắc phục với các hành vi trên, cụ thể như sau: Buộc bán số cổ phần vượt tỷ lệ theo quy định trong thời hạn tối đa 6 tháng kể từ ngày quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 điều này;
Buộc thực hiện đúng tỷ lệ an toàn trong thời hạn tối đa 6 tháng với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều 9;
Chưa cho chia cổ tức đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 9 cho đến khi khắc phục xong vi phạm;
Đề nghị hoặc yêu cầu cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng biện pháp đình chỉ từ 1 tháng đến 3 tháng hoặc miễn nhiệm chức danh quản trị, điều hành, kiểm soát; không cho đảm nhiệm chức vụ quản trị, điều hành, kiểm soát tại các tổ chức tín dụng chi nhành ngân hàng nước ngoài đối với cá nhân vi phạm và/hoặc có nhân chịu trách nhiệm đối với hành vi phạm phạm quy định tại khoản 2 Điều 9.
Tại khoản 1, 2 và 3 Điều 55 Luật Các tổ chức tín dụng nêu rõ: Một cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng; Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng; Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.
Như vậy, nếu một cá nhân hoặc ông chủ một nhà băng cố tình sở hữu trên 5% hoặc trên 20% (thông qua doanh nghiệp) vốn điều lệ ngân hàng, theo quy định tại Nghị định 88 chủ ngân hàng sẽ phải thoái vốn và có thể bị miễn nhiệm khỏi tất cả mọi chức vụ có khả năng kiểm soát, điều hành, chi phối ngân hàng.
Trước đó, để ngăn ngừa việc một ông chủ thao túng hoạt động của ngân hàng phục vụ cho doanh nghiệp sân sau, hạn chế tình trạng sở hữu chéo, Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung được Quốc hội thông qua chiều 20/11/2017 cũng đã bổ sung quy định: Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) của một tổ chức tín dụng không được đồng thời là Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.
Bên cạnh đó, các vị trí khác trong ban điều hành của ngân hàng như tổng giám đốc, phó tổng giám đốc cũng không được đồng thời là thành viên HĐQT hay ban kiểm soát của ngân hàng khác, trừ trường hợp tổ chức đó là công ty con của ngân hàng. Bản thân phó tổng giám đốc mỗi ngân hàng, theo quy định mới, cũng không được làm tổng giám đốc hay phó giám đốc ở bất cứ doanh nghiệp nào khác.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận