Bước lùi của Nga trên chiến trường Ukraine
Sau đà tiến nhanh chóng đầu chiến dịch, Nga đang đối mặt nhiều thách thức khi liên tục phải rút lui, đánh mất lợi thế chiến trường trước Ukraine.
Chỉ trong 5 ngày kể từ khi phát động chiến dịch quân sự hôm 24/2, lực lượng Nga đã kiểm soát gần 119.000 km vuông lãnh thổ Ukraine, tương đương 1/5 diện tích của nước láng giềng, theo phân tích của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở ở Washington, Mỹ. Phần lãnh thổ này bao gồm cả bán đảo Crimea mà Moskva sáp nhập năm 2014 và hai vùng Lugansk, Donetsk do phe ly khai kiểm soát.
Nga sau đó duy trì đà tiến công ở miền bắc, miền nam và miền đông Ukraine, chiếm thêm nhiều vùng lãnh thổ. Chưa đầy một tháng sau đó, Nga kiểm soát khoảng 27% diện tích lãnh thổ Ukraine.
Nhưng đến cuối tháng 3, trước sức kháng cự kiên cường của Ukraine, đà tiến của Nga chững lại và phải rút khỏi miền bắc nước này từ đầu tháng 4, chuyển trọng tâm chiến dịch sang Donbass, miền đông Ukraine. Trong vòng vài ngày rút quân, Nga từ bỏ khoảng 40% diện tích đất mà họ giành được kể từ khi bắt đầu chiến dịch.
Trong 5 tháng sau đó, Nga tiến quân ngày càng chậm chạp và khó khăn. Từ đầu tháng 5 tới cuối tháng 8, quân Nga chỉ chiếm thêm được khoảng 200-1.400 km vuông đất mỗi tháng, theo ISW.
Trong thời gian này, Ukraine hứng chịu tổn thất quan trọng nhất là thất thủ ở thành phố Mariupol. Binh sĩ Ukraine trong nhà máy thép Azovstal đã phải đầu hàng hồi cuối tháng 5, sau hơn 80 ngày cầm cự. Lực lượng Nga cũng kiểm soát các thành phố Severodonetsk và Lysychansk ở Lugansk, sau khi tận dụng triệt để hỏa lực pháo binh để bẻ gãy sức kháng cự của đối phương.
Đến đầu tháng 9, tình thế bắt đầu đảo chiều. Ukraine bất ngờ phát động chiến dịch phản công ở đông bắc sau chiến dịch nghi binh ở miền nam, buộc lực lượng Nga phải rút quân khỏi một số khu vực dọc tiền tuyến ở Kharkov. Ngày 11/9, quân Ukraine đã tái kiểm soát 4.000 km vuông lãnh thổ, thành tựu lớn nhất mà họ giành được chỉ trong một ngày.
Tính đến ngày 26/9, tổng diện tích lãnh thổ mà Nga kiểm soát từ đầu tháng 4 chỉ còn hơn 1.000 km vuông.
Các nhà quan sát phương Tây cho rằng Tổng thống Vladimir Putin dường như nhận ra tình thế bất lợi của lực lượng Nga trên chiến trường Ukraine. Andrey Kortunov, người điều hành Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga ở Moskva, có chung nhận định.
"Tổng thống Putin đang muốn chấm dứt cuộc chiến này càng nhanh càng tốt", ông Kortunov nói.
Tuy nhiên, khi đà tiến chững lại, Nga khó có thể chấm dứt xung đột bằng biện pháp quân sự. Quyết định động viên 300.000 quân dự bị gần đây của ông Putin sẽ không sớm đảo ngược được tình thế chiến trường, thậm chí gây ra tác động bất lợi ở trong nước.
Những bất cập trong quá trình thực thi lệnh động viên đã làm dấy lên nhiều bất bình trong xã hội Nga và khiến người dân nước này cảm nhận được không khí chiến tranh rõ hơn bao giờ hết. Theo dữ liệu chính thức từ Liên minh châu Âu (EU), Gruzia và Kazakhstan, khoảng 220.000 người Nga đã chạy qua biên giới kể từ khi lệnh động viên một phần được công bố.
"Rất nhiều người sẽ bắt đầu đặt câu hỏi tại sao chúng tôi lại rơi vào mớ hỗn độn này", Kortunov nói.
Những bước lùi gần đây trên chiến trường dường như đã dẫn tới quyết định Nga sáp nhập 4 vùng lãnh thổ Ukraine, gồm Kherson và Zaporizhzhia ở miền nam, Donetsk và Lugansk ở miền đông. Giới quan sát cho rằng động thái này có thể cho phép Nga sử dụng các biện pháp mạnh tay để bảo vệ khu vực mà họ gọi là "lãnh thổ sáp nhập", thậm chí cảnh báo sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần.
Sau khi tuyên bố Lugansk, Donetsk, Zaporizhzhia và Kherson sẽ là một phần của Nga "mãi mãi", Tổng thống Putin hôm 30/9 kêu gọi Ukraine đàm phán hòa bình.
Theo Kortunov, lựa chọn hợp lý của ông Putin lúc này là tuyên bố chiến thắng và rút khỏi cuộc chiến theo các điều kiện mà ông muốn. Tuy nhiên, kịch bản này đòi hỏi lực lượng Nga phải giành được thành tựu đáng kể trên chiến trường.
"Chúng tôi cần phải một cái gì đó để cho công chúng thấy rằng Nga đang giành chiến thắng", ông nói. Đây là logic mà ông Putin dường như đang tuân theo, khi tuyên bố sáp nhập các vùng lãnh thổ Ukraine.
Kurt Volker, cựu đại sứ Mỹ tại NATO và là đại diện đặc biệt của Mỹ tại Ukraine dưới thời tổng thống Donald Trump, tin rằng ông Putin có thể đang chuẩn bị cho kịch bản hòa bình.
"Tôi nghĩ điều mà ông ấy có thể làm là tung ra những lời đe dọa có thể răn đe phương Tây, như đề cập kịch bản sử dụng vũ khí hạt nhân, sau đó nói hãy đàm phán một giải pháp", Volker nói.
Fiona Hill, từng là cố vấn về an ninh quốc gia Nga cho ba tổng thống Mỹ, cũng cho rằng lãnh đạo Nga có thể đang tìm cách kết thúc cuộc chiến. "Ông ấy nhận thấy rõ bước lùi của Nga trên chiến trường và đang tìm cách thoát khỏi đó", Hill cho hay.
Một yếu tố khác có thể thúc đẩy tính toán của ông Putin là mùa đông. Quân đội Pháp dưới thời Napoleon và Đức quốc xã trong Thế chiến II đều từng thất bại trong chiến dịch tiến công Moskva vì các đường tiếp tế qua Ukraine quá dài và khó khăn trong mùa đông lạnh giá.
"Lần này chính Nga phải đảm bảo tuyến tiếp tế và duy trì lực lượng của họ ở Ukraine. Điều này sẽ rất khó khăn trong mùa đông. Ông Putin không còn nhiều thời gian trước khi thời tiết trở nên lạnh giá", Volker nói.
Tuy nhiên, giới quan sát thêm rằng không ai có thể biết lãnh đạo Nga thực sự đang tính toán điều gì. Kortunov không cho rằng ông Putin sẽ sẵn sàng chấp nhận thỏa hiệp những gì ngoài điều khoản mà ông muốn.
Hill nhận định Tổng thống Nga nhiều khả năng muốn đàm phán trực tiếp với Tổng thống Mỹ Joe Biden và đồng minh, không phải với Ukraine. "Về cơ bản, ông ấy đang nói rằng 'các ngài phải đàm phán với tôi và theo đuổi hòa bình. Điều đó đồng nghĩa công nhận những gì chúng tôi đã làm trên đất Ukraine'", Hill nói.
Theo các nhà phân tích, ông Putin có thể đang thử thách quyết tâm ủng hộ Ukraine của phương Tây thông qua các lời đe dọa, nhằm chia rẽ liên minh, để họ gây sức ép buộc Ukraine chấp nhận các điều khoản chấm dứt xung đột có lợi cho Nga.
Tuy nhiên, đây có thể là một tính toán sai lầm, khi Ukraine đã phản ứng một cách quyết liệt với nỗ lực sáp nhập lãnh thổ của Nga, thậm chí tuyên bố sẽ không đàm phán chừng nào ông Putin còn tại vị. Mỹ và các đồng minh châu Âu cũng lên án Nga sáp nhập 4 tỉnh Ukraine, đồng thời cam kết ủng hộ Ukraine cho đến khi giành chiến thắng.
Ukraine hiện cũng không có động lực để nhượng bộ trong đàm phán, khi quân đội nước này đang đẩy mạnh đà phản công và tái chiếm thành phố chiến lược Lyman ở tỉnh Donetsk. Quân đội Nga đã phải rút khỏi Lyman chỉ vài ngày sau khi ông Putin tuyên bố sáp nhập vùng này vào lãnh thổ.
"Chiến sự ở Ukraine có thể đang bước vào giai đoạn mới và ông Putin biết lực lượng Nga đang dần phải lùi vào chân tường", Nic Robertson, nhà phân tích của CNN, nhận định. "Nhưng cái kết có lợi như ông Putin mong muốn dường như còn rất xa vời".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận