Bước đột phá trong thông tin tín dụng
Cổng thông tin kết nối khách hàng vay đã đem lại nhiều lợi ích cho các TCTD, DN và người dân trong quan hệ tín dụng. Đồng thời, đảm bảo tính công bằng minh bạch, đảm bảo an toàn bí mật và đặc biệt gắn mức độ tín dụng khách hàng với quá trình lựa chọn khác
Phó tổng giám đốc CIC Cao Văn Bình khẳng định thời gian qua, CIC đã tập trung thúc đẩy việc minh bạch hóa TTTD, nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu, độ phủ của thông tin, mở rộng cung cấp báo cáo tín dụng trực tiếp đến khách hàng vay trên toàn quốc; Tiếp nhận các phản hồi từ khách hàng vay về chất lượng TTTD, góp phần bảo vệ quyền lợi và nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng. Đặc biệt, việc CIC triển khai và chính thức vận hành Cổng thông tin kết nối khách hàng vay đã mở ra cơ hội tiếp cận tín dụng không chỉ cho các TCTD, mà còn tăng khả năng tiếp cận tín dụng đối với cả các DN, khách hàng vay. Cổng thông tin hỗ trợ khách hàng vay là một công cụ hỗ trợ tốt cho người dân và DN tiếp cận các nguồn vốn vay hợp pháp, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian.
Cũng theo ông Bình, cổng thông tin của CIC - một đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam thực hiện nhiệm vụ chính trị do NHNN giao, kết nối các đơn vị trong hệ thống TCTD và khách hàng vay, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Do đó, CIC không trực tiếp cung cấp dịch vụ tín dụng mà chỉ là trung gian kết nối. Bởi vậy CIC miễn phí cho các tổ chức nhà nước khai thác trên cổng thông tin. Hiện nay, CIC chỉ thu mức phí thấp đối với các TCTD khai thác nhằm duy trì vận hành. Ngoài ra, để thuận tiện cho các TCTD, CIC cũng áp dụng nhiều mức phí khác nhau, tùy thuộc vào mức độ khai thác thông tin của các TCTD và còn có những ưu đãi cho những TCTD mua trọn gói khai thác sản phẩm.
Giám đốc Agribank chi nhánh Thọ Xuân (Thanh Hóa) Phạm Ngọc Lai cho biết, hiện các TCTD rất quan tâm đến việc khai thác thông tin trên cổng thông tin nhằm phục vụ cho hoạt động thẩm định, cho vay. Những thông tin về khách hàng được cập nhật trên cổng thông tin đã giúp các cán bộ tín dụng của TCTD có thể xem nhanh các nhu cầu vay vốn của khách hàng, từ đó chấp nhận kết nối với khách hàng nếu thấy đáp ứng được nhu cầu. Điều này giúp giảm thời gian, chi phí thẩm định, lại đảm bảo độ an toàn cao.
Ông Lê Anh Tuấn, Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển (CIC) chia sẻ, với Cổng thông tin kết nối khách hàng vay, khách hàng vay (cá nhân và DN) có thể dễ dàng tìm hiểu, lựa chọn các gói tín dụng, tìm hiểu thủ tục, hồ sơ, điều kiện vay của tất cả các ngân hàng. Từ đó, đăng ký nhu cầu vay vốn tại TCTD phù hợp. Dựa trên đăng ký vay vốn của khách hàng vay, CIC sẽ kết nối với các TCTD. Các TCTD sẽ tư vấn, hỗ trợ qua điện thoại trước khi khách hàng đến giao dịch trực tiếp. Đặc biệt, với việc đăng ký vay vốn qua Cổng thông tin kết nối khách hàng vay, khách hàng sẽ được CIC cung cấp báo cáo TTTD của bản thân nhằm kiểm tra, giám sát các khoản vay... (hoàn toàn miễn phí) giúp người dân, DN tiết kiệm chi phí đi lại, thời gian và tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng dễ dàng, nhanh chóng hơn.
Ngoài ra, trên cổng thông tin này, các TCTD sẽ được giới thiệu công khai, minh bạch các gói tín dụng, chính sách ưu đãi, thủ tục, hồ sơ để khách hàng vay tìm hiểu, lựa chọn; Được hỗ trợ nhận diện khách hàng (eKYC), kết nối, tiếp cận với các khách hàng có nhu cầu vay trên địa bàn, phù hợp với khẩu vị rủi ro của từng TCTD, giảm thiểu thời gian, chi phí, tăng cơ hội tìm kiếm, lựa chọn được khách hàng và thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Ngành. Đặc biệt, với Cổng thông tin kết nối khách hàng vay, chi nhánh NHNN có thể kiểm tra, giám sát về nhu cầu vay trên địa bàn, mức độ đáp ứng nhu cầu vay của các TCTD... và được CIC cung cấp các sản phẩm TTTD khác nhằm hỗ trợ trong việc quản lý, chỉ đạo điều hành hoạt động ngân hàng trên địa bàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương...
Giám đốc Vùng Nam Hà Nội, phụ trách trực tiếp chi nhánh ACB Thanh Hóa, ông Nguyễn Sơn Hải chia sẻ, TTTD là kênh rất tốt hỗ trợ các ngân hàng tra soát, kiểm tra lịch sử tín dụng. Những khách hàng có lịch sử tín dụng kém sẽ bị kiểm soát, ngăn ngừa tốt hơn. Đặc biệt, trong những năm gần đây, hệ thống TTTD của CIC cũng đã được cải tiến rất nhiều, việc tra soát rất nhanh chóng, thuận lợi, nhờ đó các TCTD cũng đã có sự liên kết để trao đổi thông tin. Từ đó, tất cả các khoản nợ sẽ được phân loại theo mức cao nhất. Điều này, đã ngăn ngừa rất nhiều tình trạng “tốt chỗ này, xấu chỗ kia” và điều này giúp ý thức của khách hàng và của bản thân các TCTD được nâng lên rất nhiều.
Ngoài ra, việc CIC vận hành Cổng thông tin kết nối khách hàng vay cũng đã tạo ra một “sàn” giao dịch tín dụng mới cho cả người vay và người cho vay. Trên “sàn” này thì lợi thế sẽ thuộc về những TCTD có sản phẩm dịch vụ tốt, và những người vay có điểm số tín dụng cao. Đây là sự kết nối hợp lý trong thời đại số giúp người vay đến gần hơn với người cho vay. Việc khai thác thông tin trên cổng thông tin mà CIC đang triển khai sẽ giúp các TCTD tiết kiệm thời gian và chi phí thẩm định để có kế hoạch cho vay hợp lý. Đồng thời người dân và DN cũng khai thác lợi thế mà cổng thông tin đem lại để lựa chọn các gói sản phẩm vay phù hợp. Đây thực sự là kênh thông tin hiệu quả đối với ngành Ngân hàng trong việc thực hiện các nhiệm vụ trong thời gian tới.
Có thể khẳng định, Cổng thông tin kết nối khách hàng vay đã đem lại nhiều lợi ích cho các TCTD, DN và người dân trong quan hệ tín dụng. Đồng thời, đảm bảo tính công bằng minh bạch, đảm bảo an toàn bí mật và đặc biệt gắn mức độ tín dụng khách hàng với quá trình lựa chọn khách hàng của TCTD.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận