Bước chuyển lớn về chiến lược phát triển kinh tế quốc gia của Trung Quốc
Dự kiến, việc phát triển kinh tế “2 quỹ đạo tuần hoàn” sẽ trở thành trọng điểm công tác của Kế hoạch Phát triển Kinh tế xã hội lần thứ 14 (2021-2025).
Chính sách kinh tế 5 năm tiếp theo (2021-2025) của Trung Quốc dự báo sẽ có sự thay đổi quan trọng khi bước vào giai đoạn “nội tuần hoàn” (phát triển nhu cầu trong nước) nhằm giảm thiểu tác động từ sự kiềm tỏa của Mỹ cũng như môi trường khó khăn bên ngoài.
Ngày 30/7 vừa qua, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhóm họp và xác định: “Cần tăng cường nhận thức từ góc độ cuộc chiến lâu dài, đồng thời tăng tốc hình thành cục diện phát triển mới để lấy đại tuần hoàn trong nước làm chủ thể, 2 quỹ đạo tuần hoàn trong, ngoài nước cùng thúc đẩy nhau”.
Trên thực tế, từ giữa tháng 5/2020 trở lại đây, khái niệm phát triển kinh tế “nội tuần hoàn” và kinh tế “2 quỹ đạo tuần hoàn” đã được giới chức cấp cao Trung Quốc nhiều lần đề cập tới cả trong hội nghị chính hiệp toàn quốc (Mặt trận Tổ quốc Trung ương) và tại một số diễn đàn kinh tế và tọa đàm với doanh nghiệp. “Tuần hoàn” cũng trở thành chủ đề nóng trong lĩnh vực kinh tế của Trung Quốc, được chuyên gia và người dân bàn thảo sôi nổi gần đây.
Nguồn thạo tin của Reuters cho hay căng thẳng với Mỹ và tình hình dịch bệnh toàn cầu đang khiến rủi ro bên ngoài tăng lên. Kinh tế Trung Quốc đang tìm kiếm cách giảm sự lệ thuộc vào thị trường và công nghệ nước ngoài. Lãnh đạo Trung Quốc đưa ra cái gọi là “kinh tế 2 quỹ đạo tuần hoàn”, trong đó ưu tiên chấn hưng nhu cầu trong nước bằng hình thức “nội tuần hoàn” và lấy “ngoại tuần hoàn” (phát triển thị trường bên ngoài) làm bổ trợ.
Dự kiến, việc phát triển kinh tế “2 quỹ đạo tuần hoàn” sẽ trở thành trọng điểm công tác của Kế hoạch Phát triển Kinh tế xã hội lần thứ 14 (2021-2025), được Hội nghị Trung ương 5 khóa 19 Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc phê chuẩn vào tháng 10/2020 và trình Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc tại kỳ họp vào đầu năm 2021.
Kỳ thực, vào những năm 1980, khái niệm “2 quỹ đạo tuần hoàn” đã được đưa ra ở Trung Quốc và trở thành chủ trương chính sách. Theo tờ Economic Journal, trong hơn 40 năm cải cách mở cửa, đặc trưng phát triển kinh tế của Trung Quốc là “ngoại tuần hoàn” đóng vai trò chủ thể.
Nói cách khác, Trung Quốc nhập khẩu một lượng lớn tài nguyên, vốn và công nghệ từ nước ngoài, sau đó sử dụng lao động trong nước sản xuất rồi xuất khẩu phần lớn hàng hóa ra nước ngoài. Lần này, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt “nội tuần hoàn” lên trước “ngoại tuần hoàn” và xác định rõ “nội tuần hoàn” đóng vai trò chủ thể, cho thấy phát triển nhu cầu trong nước đã được coi là động lực chủ yếu của kinh tế nước này.
Không gian phát triển kinh tế “2 quỹ đạo tuần hoàn” do “nội tuần hoàn” đóng vai trò chủ đạo ở Trung Quốc là rất lớn. Bởi tới hết năm 2019, tiêu dùng trong nước ở Trung Quốc mới chỉ chiếm 39% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trong khi đó, tỷ lệ này ở Nhật Bản và Mỹ lần lượt là 55% và 70%. Bên cạnh đó, Trung Quốc có thị trường khổng lồ với 1,4 tỷ dân, cao gấp nhiều lần so với Mỹ.
Liên quan đến chủ trương phát triển kinh tế “2 quỹ đạo tuần hoàn”, giới kinh tế hiện có 3 cách nhìn nhận. Thứ nhất, đề cập tới bối cảnh sản sinh ra chính sách kinh tế mới của Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Chứng khoán Đại học Phúc Đán Vương Nghiêu Cơ. Ông Vương Nghiêu Cơ cho rằng “2 quỹ đạo tuần hoàn” là sách lược ứng chiến của Trung Quốc trước tình trạng kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh trong nước và tác động nghiêm trọng từ sự thay đổi của kinh tế quốc tế ở bên ngoài.
Thứ hai là yêu cầu mang tính chính sách của giới chức cấp cao Trung Quốc thông qua bài viết đăng ngày 24/5/2020 trên tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bài báo có đoạn: “Phải phát huy đầy đủ ưu thế thị trường quy mô siêu lớn trong nước, lấy việc đáp ứng nhu cầu trong nước làm xuất phát điểm và điểm dừng chân của sự nghiệp phát triển, tăng tốc xây dựng hệ thống nhu cầu trong nước hoàn chỉnh, nỗ lực đả thông các khâu từ sản xuất, phân phối, lưu thông tới tiêu dùng, nâng cao trình độ hiện đại hóa của chuỗi cung ứng, chuỗi ngành nghề, tạo ưu thế phát triển mới trong tương lai”.
Thứ ba là đề cập của nhà kinh tế Quản Thanh Hữu về sự thay đổi từ việc thực hiện phát triển kinh tế “2 quỹ đạo”. Vị chuyên gia đồng thời là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tài chính Như Thị này cho rằng “2 quỹ đạo tuần hoàn” chí ít gồm 5 điều then chốt: Thống nhất thị trường, kích thích nhu cầu trong nước, số hóa kinh tế, xây dựng lại chuỗi ngành nghề và bố trí lại các khu vực. Trong đó, thống nhất thị trường là cơ sở, kích thích nhu cầu trong nước là động lực, số hóa kinh tế là nâng cao, xây dựng lại chuỗi ngành nghề và bố trí lại các khu vực là kết quả./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận