Bùng nợ vay tiêu dùng đang gia tăng
Nợ xấu vay tiêu dùng tăng nhanh, tình trạng “rủ nhau bùng nợ” dần phố biến, sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy không chỉ với các công ty tài chính, mà cả với chính người đi vay, những người xung quanh và xã hội.
Vay tiêu dùng trực tuyến là một trong những dịch vụ được nhiều công ty tài chính áp dụng để phổ cập tài chính, tăng khả năng tiếp cận vốn cho mục đích tiêu dùng, đẩy lùi "tín dụng đen".
Tuy nhiên, thời gian gần đây, các bản tin Thời sự đã đề cập tới việc xuất hiện nhiều hội nhóm mạng xã hội dạy cách quỵt nợ vay tiêu dùng. Người bùng nợ có thể đối mặt với hình phạt cao nhất 20 năm tù vì tội lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên hình phạt này không khiến cho người dân e ngại.
Chỉ cần lên MXH Facebook gõ từ khóa "bùng nợ" hay "bùng vay tiền qua app" sẽ cho ra hàng loạt hội nhóm, với số lượng thành viên từ vài chục nghìn đến hàng trăm nghìn người. Các thông tin được chia sẻ đều xoay quanh việc hướng dẫn làm giấy tờ giả, dạy "bùng nợ" các khoản vay từ các công ty tài chính, ngân hàng và tổ chức tín dụng…
Nội dung được trao đổi trong các hội nhóm này chủ yếu chia sẻ về câu chuyện không trả được nợ, xin tư vấn về cách đối phó, "bùng nợ" của các thành viên. Đáng chú ý, chỉ cần một bài viết đăng trong nhóm nói về ý định sẽ "bùng nợ" thì bên dưới sẽ có hàng chục, thậm chí hàng trăm dòng bình luận theo kiểu "không sao đâu”, “càng trả càng nợ, bùng là hết nợ”…
Đối với những bài viết hỏi kinh nghiệm "bùng nợ", các thành viên đa phần sẽ khuyên sử dụng căn cước công dân giả, sim rác... để tránh bị đòi nợ khi đến hạn. Đặc biệt, có những tài khoản công khai quảng cáo dịch vụ giúp "bùng nợ" với giá từ hàng trăm đến hàng triệu đồng, tùy vào số nợ.
Cơ quan công an nhận định, đặc điểm chung của đa số thành viên trong các hội nhóm này chính là kiểu tư duy "không làm mà vẫn có ăn", nhiều thành viên không hề e ngại khoe khoang chiến tích "bùng" được tiền vay từ công ty tài chính, sau đó quảng cáo, mời chào các thành viên khác sử dụng các dịch vụ hỗ trợ "trốn nợ" như làm căn cước công dân giả, bán tài khoản mạng xã hội ảo, bán danh bạ điện thoại ảo hay thậm chí là cả những bộ hồ sơ đẹp để dễ dàng vay tiền. Thậm chí, người dạy cách bùng tiền nhiều khả năng lại chính là những đối tượng lập ra những ứng dụng cho vay trực tuyến như một cách để thu hút người có nhu cầu.
Thế nhưng, người đi vay học quỵt nợ, họ không ngờ tới mình lại là con mồi, bởi không loại trừ khả năng việc "dạy bùng nợ" chính là cái bẫy giăng ra để đón lõng người vay tiền, giúp tăng doanh số cho các app vay không chính thống (tín dụng đen) để rồi phải khổ sở vì đòi nợ kiểu xã hội đen.
Chịu ảnh hưởng lớn nhất từ làn sóng bùng nợ chính là các công ty cho vay tài chính, các ngân hàng và tổ chức tính dụng… Đặc biệt, khi hoạt động thu hồi nợ bị siết chặt quản lý, người vay vốn càng chây ỳ, càng bùng nhiều hơn. Nhiều người từ chối cuộc gọi nhắc nợ, thậm chí quay lại đe dọa và hành hung nhân viên thu hồi nợ.
Câu chuyện dạy bùng nợ qua các group hội nhóm trên mạng xã hội tưởng chừng chỉ là câu chuyện đơn giản, nhưng hệ lụy khôn lường. Bởi nếu bùng nợ gia tăng sẽ thu hẹp cánh cửa tiếp cận nguồn vốn vay của nhiều người có nhu cầu thực. Còn người bùng nợ dính lịch sử tín dụng xấu, lại không thể tiếp tục vay mượn ở các tổ chức tài chính hợp pháp và chính họ lại là những người tiếp tay cho hoạt động tín dụng đen phát triển khi họ phải tìm đến những tổ chức phi pháp này. Đây là hệ lụy nghiêm trọng cho cả xã hội.
Một điều cần khẳng định rằng không ai ngẫu nhiên lập ra những hội, nhóm tư vấn miễn phí các hành vi tiêu cực như bùng tiền vay app online. Đằng sau những hội, nhóm trên Facebook là những "cò mồi" dẫn dắt câu kéo đưa người đi vay nợ chồng nợ, lãi chồng lãi.
Những Admin ra tay hỗ trợ người vay một cách "nghĩa hiệp" này có thể đang thỏa thuận giúp gia tăng doanh số với các app hoặc web vay tiền online. Họ sẽ nhận được một phần chiết khấu, hoa hồng khi có người đăng ký vay tiền thành công.
Người đi vay cứ nghĩ mình khôn ngoan, quỵt được nợ, nhưng thực chất họ chính là con mồi cho tín dụng đen. Đằng sau câu chuyện này đó lại là một khoảng trống pháp lý rất lớn và từ việc thiếu các cơ chế chính sách quản lý hợp lý đã dẫn tới những hệ lụy ghê gớm, thậm chí gây mất an ninh trật tự xã hội khi gia tăng bùng nợ, gia tăng tín dụng đen.
Các chuyên gia tài chính cho biết, việc bùng nợ vay tiêu dùng đang cho thấy một báo động đỏ về trách nhiệm trả nợ của người vay, cũng như đã đến lúc cần phải có hành lang pháp lý cụ thể và chặt chẽ hơn để quản lý việc cho vay tiêu dùng.
"Nhiều vụ đòi nợ theo kiểu xã hội đen, có lẽ vì như thế nên chúng ta thấy phức tạp, khó quản lý nên đã cấm. Tuy nhiên nhu cầu tất yếu của xã hội là nó buộc phải xảy ra. Người ta chuyển đòi nợ thuê thành mua bán nợ hoặc những hình thức khác, vẫn cứ diễn ra như cũ, nhưng không có hành lang pháp lý để thực hiện hay xử lý", Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho hay.
Để nâng cao sự lành mạnh của thị trường tín dụng tiêu dùng, những yếu tố như tín dụng đen hay các hội nhóm tuyên truyền cách "bùng" nợ chính là mối nguy hại cần được loại bỏ. Người dân cần cân nhắc thật kỹ trước khi vay tiền các ứng dụng tài chính.
Trong văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước mới đây, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng do Ngân hàng Nhà nước cấp phép hiện gặp nhiều khó khăn do các hành vi trốn nợ của các hội nhóm. Nợ xấu của nhiều công ty tài chính tiêu dùng đã tăng lên ở mức rất cao và thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng. Đã đến lúc cần phải xây dựng hệ thống văn bản luật để quản lý tốt hơn việc cho vay tiêu dùng, tránh những hệ lụy lâu dài cho người dân, các tổ chức tín dụng và cho xã hội.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận