Bùng nổ gian lận xuất xứ hàng hóa
Các hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực giúp hàng hóa Việt Nam được hưởng ưu đãi khi chuẩn bị xuất khẩu (XK) sang nhiều thị trường. Nhưng hệ lụy cũng đến khi nhiều mặt hàng phải chịu áp lực do gian lận xuất xứ hàng hóa.
Nở rộ các vụ việc gian lận xuất xứ hàng hóa
Trước tình hình các nước ồ ạt khởi xướng điều tra với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam, doanh nghiệp Việt phải đối mặt với việc nhiều mặt hàng Việt như đá nhân tạo, gỗ, sắt, thép... đang lọt vào danh sách cảnh báo nguy hiểm bị Mỹ điều tra chống bán phá giá. Gần đây nhất, vụ kho nhôm 4,3 tỷ USD là điển hình của việc Việt Nam dễ bị nhận hình phạt từ phía Mỹ, nếu nhà chức trách không quyết tâm, gắt gao với các hành vi gian lận trong giới kinh tế.
Theo công bố mới đây của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, việc gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, đã và đang ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp làm ăn chân chính, dễ bị áp dụng biện pháp trừng phạt, mất đi thương hiệu Việt Nam, gây thiệt hại không thể tính toán được đối với nền kinh tế nước ta.
Các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam liên tục gia tăng, với nhiều hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi với 2 nhóm hành vi: Nhóm hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ trong nước; Nhóm hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam, chuyển tải bất hợp pháp để xuất khẩu. Các nhóm mặt hàng có nguy cơ gian lận, giả mạo xuất xứ, gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; nhôm và các sản phẩm từ nhôm…
Nguyên nhân của tình trạng này, trước hết là do hành lang pháp lý hiện chưa theo kịp diễn biến thực tế. Quy định về quy tắc xuất xứ với một số mặt hàng còn lỏng lẻo; việc quy định kiểm tra hồ sơ xin cấp C/O chưa chặt chẽ; quy định pháp luật về xuất xứ chưa cụ thể, chưa bao quát được, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe và phòng ngừa. Một số doanh nghiệp lợi dụng việc tổ chức cấp C/O tạo sự thông thoáng trong khâu kiểm tra hồ sơ trước khi xuất khẩu để thực hiện hành vi gian lận về chứng từ chứng minh xuất xứ hàng hóa hoặc lợi dụng việc cấp các loại Giấy chứng nhận khác có nội dung tương tự C/O để gian lận…
Ông Trần Hữu Linh – Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho hay, thời gian qua, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhiều lần gửi hồ sơ sang Tổng cục Quản lý thị trường về nghi vấn gian lận C/O, làm C/O giả. Qua kiểm tra, doanh nghiệp cũng lý giải là do cần gấp C/O, nếu không cấp kịp phía đối tác sẽ huỷ đơn hàng.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác là tình trạng lợi dụng việc một số nước nhập khẩu áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ. Một số nước (kể cả Mỹ) cho phép nhà nhập khẩu được tự khai báo, tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa nên xuất hiện hành vi gian lận xảy ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Điều này vượt tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh chia sẻ, Mỹ là thị trường cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Tức là doanh nghiệp không sản xuất hàng hóa tại Việt Nam, hàng hóa không có xuất xứ Việt Nam cũng có thể tự chứng nhận xuất xứ từ Việt Nam. Gian lận xuất xứ hàng hóa chỉ phát hiện ra ở khâu hậu kiểm. Điều này đã được Bộ Công Thương nhiều lần cảnh báo với phía bạn. Tuy không thuộc lỗi phía Việt Nam nhưng tình trạng này ít nhiều khiến hàng hóa Việt Nam ảnh hưởng.
Tăng cường quản lý gian lận xuất xứ
Trước tình trạng bùng nổ gian lận xuất xứ hàng hóa, Bộ Công Thương được đề nghị khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện, trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về một số biện pháp cấp bách để tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng chống gian lận xuất xứ. Trong tháng 12/2019, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại.
Khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về cách xác định hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam theo đúng quy trình, thủ tục của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thường xuyên cung cấp cho Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) danh sách các mặt hàng bị điều tra, áp thuế chống phá giá, thuế chống trợ cấp mà các nước sử dụng đối với thị trường có nguy cơ chuyển tải qua Việt Nam; cung cấp các doanh nghiệp, các mặt hàng có nghi ngờ gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn, chuyển tải bất hợp pháp để các cơ quan cấp C/O và Bộ Tài chính tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.
Tổ công tác của Thủ tướng cũng yêu cầu theo dõi số liệu xuất khẩu, nhập khẩu các mặt hàng thuộc Danh sách và các mặt hàng Việt Nam đang điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để hàng tháng cung cấp thông tin cho Bộ Công Thương, Bộ Công an, đặc biệt lưu ý hiện tượng kim ngạch xuất nhập khẩu biến động bất thường…
Về phía Bộ Công Thương, ngoài những nhiệm vụ được giao, mới đây Bộ Công Thương đã xây dựng và ban hành dự thảo Thông tư quy định cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam, lấy ý kiến các Bộ ngành. Dự thảo chỉ rõ, hàng hóa tạm nhập tái xuất, hàng hóa chuyển khẩu, quá cảnh Việt Nam không được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam trên nhãn hàng hóa và/hoặc trên bất kỳ tài liệu, vật phẩm nào chứa đựng thông tin liên quan đến hàng hóa đó. Đây là quy định để phòng tránh gian lận thương mại, trong đó có gian lận xuất xứ, gây ảnh hưởng xấu tới hàng hóa Việt Nam. Có quy định này, cơ quan chức năng sẽ có thêm cơ sở để đấu tranh phòng chống gian lận thương mại.
Trước nguy cơ mặt hàng gỗ dán có thể qua Việt Nam lẩn tránh thuế vào thị trường Mỹ, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 22/2019/TT-BCT ngày 12 tháng 11 năm 2019 quy định về việc tạm ngừng kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập gỗ dán vào Việt Nam để tái xuất sang Mỹ. Mục tiêu nhằm tăng cường quản lý xuất khẩu gỗ dán sang Mỹ để phòng tránh gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp, dẫn tới nguy cơ Mỹ có thể áp dụng các biện pháp siết chặt quản lý đối với gỗ dán xuất khẩu của Việt Nam, tác động tiêu cực đến sản xuất trong nước.
Bộ cũng thường xuyên trao đổi, cảnh báo các tổ chức cấp C/O về việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc cấp C/O, đặt biệt lưu ý tới một số mặt hàng có nguy cơ cao về gian lận xuất xứ hàng hóa (pin mặt trời, lốp ô tô, hạt dẻ cười, tôm, nhôm, thép, gỗ ván ép, gạch men, xe đạp điện...). Đồng thời, chủ động tổ chức các đoàn kiểm tra, xác minh cơ sở sản xuất của doanh nghiệp khi có nghi vấn về gian lận xuất xứ. Tập huấn, hướng dẫn kịp thời về xuất xứ hàng hóa cho doanh nghiệp và khuyến nghị doanh nghiệp phối hợp cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý khi thấy có dấu hiệu bất thường, tránh gây ảnh hưởng đến cả ngành sản xuất.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận