Bugatti Tourbillon Hybrid ra mắt, sử dụng động cơ hybrid gần 1.800 mã lực
Siêu xe giá 4,1 triệu USD này sử dụng hệ thống hybrid V16 thay vì động cơ W16 nổi tiếng của hãng, và được sản xuất với số lượng giới hạn chỉ 250 chiếc.
Bugatti đã hoàn tất việc sản xuất 500 xe Chiron, với chiếc cuối cùng lăn bánh khỏi nhà máy Molsheim vào tháng 5, 9 năm sau khi mẫu xe này ra mắt lần đầu vào năm 2015. Kế nhiệm Chiron sẽ là Tourbillon, với số lượng chỉ bằng một nửa - 250 chiếc. Dự kiến những khách hàng đầu tiên sẽ nhận xe vào năm 2026.
Mẫu siêu xe mới này đánh dấu sự thay đổi lớn của Bugatti, khi không còn sự hiện diện của động cơ W16 8.0L tăng áp nổi tiếng đã được sử dụng từ năm 2004, với nhiều biến thể khác nhau. Thay vào đó, tân binh Tourbillon dùng hệ thống hybrid với động cơ V16 8.3L hút khí tự nhiên, có tốc độ lên tới 9.000 vòng/phút.
Các chuyên gia xe điện ở Rimac, công ty đã nắm quyền kiểm soát Bugatti từ năm 2021, quyết định không làm Tourbillon là xe thuần điện, mà chọn hệ thống hybrid kết hợp động cơ xăng với 3 mô-tơ điện, cho xe khả năng chạy 60km hoàn toàn bằng điện.
Riêng động cơ xăng V16 cho công suất 986 mã lực, không thua kém gì sức mạnh động cơ W16 của Veyron trước đây mà không cần tới sự hỗ trợ của 4 bộ tăng áp. Trong khi đó, 3 mô-tơ điện bổ sung thêm 789 mã lực. Kết hợp lại, cả hệ thống hybrid cho công suất 1.775 mã lực.
Theo số liệu chính thức của Bugatti, Tourbillon có thời gian tăng tốc từ 0 lên 100km/h nhanh hơn 0,4 giây so với Chiron, chỉ mất 2 giây, đạt tốc độ 300km/h trong chưa đến 10 giây và đạt 400km/h trong chưa đến 25 giây.
Tốc độ tối đa của Tourbillon được giới hạn điện tử ở mức 380km/h, bằng Chiron, nhưng có thể "mở khóa" để đẩy giới hạn lên 445km/h.
Bugatti cho biết, khung và kết cấu thân xe Tourbillon được phát triển mới hoàn toàn. Cụm pin 25kWh được tích hợp vào thân xe liền khối bằng vật liệu sợi carbon, cùng với một số biện pháp giảm cân như biến bộ khuếch tán gió sau trở thành một phần của kết cấu chống va chạm và sử dụng tay đòn kép bằng nhôm thay vì thép, giúp Tourbillon có trọng lượng 1.995kg bằng Chiron dù dùng công nghệ hybrid.
Tên gọi của siêu xe này xuất phát từ việc sử dụng thiết kế tourbillon ra đời từ năm 1801 mà đến giờ vẫn được các hãng đồng hồ cao cấp sử dụng, trong đó có tùy chọn đồng hồ giá 170.000 USD trên xe Bentley Bentayga, để tăng độ chính xác.
Bugatti không lắp đồng hồ tourbillon lên táp lô xe giống như Bentley, mà sử dụng công nghệ này để làm cụm đồng hồ tốc độ sau tay lái, trong đó có đồng hồ báo công suất động cơ đốt trong và mô-tơ điện. Đại diện duy nhất của thời đại kỹ thuật số trên cụm đồng hồ là màn hình nhỏ hiển thị tốc độ xe.
Trên táp-lô có một màn hình bí mật. Hai giây sau khi tài xế cài số lùi, một màn hình dọc sẽ nhô lên ở phía trên táp-lô, hiển thị hình ảnh phía sau xe. Hoặc tài xế có thể chủ động "gọi" màn hình này lên, sau 5 giây sẽ hiển thị như màn hình trung tâm truyền thống, có hỗ trợ kết nối Apple CarPlay.
Trên vô-lăng có hai chấu ở vị trí 6 giờ và 12 giờ. Điểm khác biệt là trục vô-lăng cố định và hai chấu thực ra nằm phía sau cụm đồng hồ, tức là biểu tượng chữ "B" của Bugatti luôn đứng thẳng, thay vì xoay tròn theo chuyển động vô-lăng, và hai chấu không bao giờ che mặt đồng hồ.
Thiết kế tổng thể nội thất của tân binh Tourbillon về cơ bản giống Chiron, trừ vài chi tiết nhỏ. Một trong số đó là núm khởi động động cơ V16.
Một điểm khác biệt nữa của Tourbillon so với Chiron là pedal có thể điều chỉnh, còn ghế ngồi gắn cố định
Về hình thức bên ngoài, điểm nhấn là thiết kế cửa mở kéo lên như hai cánh máy bay, thay vì mở ngang như các mẫu sedan thông thường. Đường gân chạy dọc từ mũi đến đuôi xe nhô cao hơn so với Chiron.
Lưới tản nhiệt hình vó ngựa có kích thước lớn hơn, nhô ra hơn, giống phong cách mẫu W16 Mistral mô phỏng cổng hầm chứa máy bay chiến đấu và cửa hầm đường sắt.
Tên hãng Bugatti nằm chính giữa dải đèn LED viền đuôi xe.
Nếu như Chiron có giá 3,3 triệu USD, thì Tourbillon có giá lên tới 4,1 triệu USD (3,8 triệu euro), dự kiến đến tay những khách hàng đầu tiên vào năm 2026.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận