Bức tranh sớm lợi nhuận doanh nghiệp ngành dầu khí
Doanh nghiệp ngành dầu khí vừa có một năm khá thành công khi giá dầu tăng mạnh, bên cạnh đó là các loại hàng hóa khác cũng khởi sắc ngoài dự kiến. Dù vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng tăng trưởng so với 2020.
Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PVPower, mã POW)
Dịch bệnh Covid, việc giá dầu biến đổi, cùng với việc gia tăng nguồn điện năng lượng tái tạo đã ảnh hưởng lớn tới kết quả sản xuất - kinh doanh của POW so với các năm trước dịch bệnh.
Cụ thể, dịch bệnh làm giảm nhu cầu phụ tải toàn thị trường, giảm sản lượng các nhà máy điện của POW khoảng 1,9 tỷ kWh, tương ứng doanh thu giảm khoảng 3.750 tỷ đồng. Ảnh hưởng bởi giá dầu tăng làm tăng giá khí, tăng chi phí biến đổi , làm giảm khả năng được giao Qc và giảm tính cạnh tranh khi tham gia thị trường điện, với sản lượng điện thương mại ước giảm khoảng 2,4 tỷ kWh so với năm trước. Ảnh hưởng bởi việc tăng trưởng nguồn điện năng lượng tái tạo, được ưu tiên vận hành làm giảm sản lượng điện thương mại của POW khoảng 1,8 tỷ kWh.
Doanh thu toàn Tổng công ty ước đạt 25.175 tỷ đồng, bằng 83% so với thực hiện năm 2020. Doanh thu toàn Tổng công ty thấp hơn kế hoạch giao chủ yếu do tại Công ty mẹ doanh thu giảm so với kế hoạch 13% do sản lượng điện thấp hơn so với kế hoạch giao nên doanh thu bán điện giảm 2.756 tỷ đồng so với kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế của POW năm 2021 ước đạt 1.917 tỷ đồng, chỉ bằng 72% so với năm 2020.
Tổng công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp Dầu khí (mã PET)
Mặc dù tất cả các mảng kinh doanh đều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng nhờ sự tăng trưởng mạnh từ mảng phân phối sản phẩm điện thoại, laptop, các thiết bị điện tử phục vụ xu hướng học và làm việc tại nhà, đặc biệt là các dòng sản phẩm của Apple.
PET đã đạt được những kết quả kinh doanh ấn tượng trong 9 tháng đầu năm và chính thức hoàn thành các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận trước 3 tháng. Năm 2021, PET ước tổng doanh thu đạt 15.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 320 tỷ đồng, tăng lần lượt 60% và 88% so với kế hoạch.
Riêng mảng phân phối thiết bị điện tử đạt 12.980 tỷ đồng doanh thu, tăng 72% so với kế hoạch, còn lợi nhuận trước thuế đạt tới 222 tỷ đồng, gấp 3 lần kế hoạch đặt ra.
Trong năm 2021, doanh số hàng tháng các sản phẩm laptop, IT của các hãng liên tục ghi nhận những con số kỷ lục khi nhu cầu các mặt hàng này tăng lên chóng mặt do xu hướng triển khai học và làm việc từ xa tại nhà trước diễn biến của dịch Covid-19.
Có thể nói, đối với Petrosetco, khi dịch bệnh xảy ra thì đây là mảng kinh doanh được hưởng lợi nhiều nhất. Tình trạng hàng hóa khan hiếm nên công tác thu hồi công nợ với các đại lý được triển khai tốt hơn.
Nhu cầu thị trường cao, hàng hóa nhập về xuất bán ngay nên vòng quay tài chính tốt. PET đang hướng đến mở rộng kênh phân phối dự án với các sản phẩm như điều hòa không khí, tivi, sơn, gạch ốp, thiết bị vệ sinh..., từng bước tiếp cận và mở rộng kết nối với các tổng thầu, các chủ đầu tư của các dự án bất động sản đang triển khai để trở thành nhà phân phối trong chuỗi cung ứng này.
Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP (mã DPM)
Doanh thu hợp nhất ước đạt 12.826 tỷ đồng, đạt 107% kế hoạch năm 2021, tăng 60% so với năm 2020. Đây là mức doanh thu cao nhất trong vòng 9 năm qua và là năm cao thứ 2 kể từ khi thành lập công ty (Năm 2012, Tổng công ty đạt doanh thu 13.906 tỷ đồng do năm này được Tập đoàn giao nhiệm vụ bao tiêu thêm Đạm Cà Mau).
Đạm Phú Mỹ ước đạt lợi nhuận trước thuế 3.600 tỷ đồng, đạt 160% kế hoạch năm, tăng 325% so với năm 2020. Đây cũng là mức lợi nhuận kỷ lục kể từ khi doanh nghiệp đi vào hoạt động đến nay.
Đạm Phú Mỹ đã bám sát tình hình thị trường, bám sát tình hình dịch bệnh và có giải pháp điều hành sản xuất - kinh doanh phù hợp trong đó chú trọng quản trị chi phí để cắt/tiết giảm chi phí, chú trọng quản trị sản xuất để tối ưu quá trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm tiêu hao nguyên vật liệu, năng lượng nên tuy giá khí đầu vào cho sản xuất tăng, nhưng giá thành các sản phẩm chính không tăng quá cao.
Năm 2022, Đạm Phú Mỹ đặt mục tiêu hoàn thiện và tổ chức triển khai Chiến lược phát triển doanh nghiệp và kế hoạch 5 năm 2021 - 2025; tiếp tục thực hiện công tác tái cơ cấu tổng thể PVFCCo giai đoạn 2021 - 2025; vận hành Nhà máy đạm Phú Mỹ, xưởng sản xuất NPK và xưởng sản xuất UFC 85/Formaldehyde đảm bảo an toàn ổn định, đảm bảo chất lượng sản phẩm; tìm kiếm nguồn khí ổn định (sản lượng, giá bán) dài hạn cho sản xuất đạm.
Tổng công ty đặt mục tiêu doanh thu 11.059 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.130 tỷ đồng.
Tổng công ty cổ phần Khoan và dịch vụ khoan Dầu khí (mã PVD)
Tổng doanh thu năm 2021 của PVD ước đạt 4.200 tỷ đồng, đạt 95% so với kế hoạch năm 2021 và giảm 26% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế năm 2021 ước đạt 40 tỷ đồng, tăng 167% so với kế hoạch năm 2021 và đạt 20% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả của PVD thấp hơn cùng kỳ năm trước chủ yếu do số giàn khoan thuê bình quân trong năm 2021 thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (năm 2021 có 0,26 giàn khoan thuê trong khi cùng kỳ năm trước có 1,62 giàn).
Đơn giá bình quân cho thuê giàn khoan thực tế thấp hơn kế hoạch và cùng kỳ năm trước; giảm doanh thu từ các dịch vụ kỹ thuật giếng khoan do nhu cầu khách hàng giảm; giảm lợi nhuận được chia từ liên doanh PVD – Baker Hughes; chi phí logistics, hỗ trợ sản xuất tăng mạnh do ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
Tổng công ty Hóa chất và dịch vụ Dầu khí – CTCP (mã PVC)
Năm 2021, PVChem phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Cụ thể, lĩnh vực dịch vụ: dự án khoan của một số nhà thầu bị chậm so với kế hoạch ban đầu, do vậy khối lượng công việc thực hiện lĩnh vực dịch vụ của PVChem năm 2021 ở mức thấp. Việc phát triển thị trường, tìm kiếm các hợp đồng kinh doanh, dịch vụ mới gặp nhiều khó khăn do khó cạnh tranh về giá và ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
PVChem chịu sức ép cạnh tranh lớn khi tham gia các gói thầu, để tăng cơ hội trúng thầu doanh nghiệp phải chấp nhận để giá dự thầu thấp, dẫn đến biên lợi nhuận giảm, ảnh hưởng tới kế hoạch lợi nhuận đã đặt ra.
Do ảnh hưởng của dịch Covid làm cước vận tải biển tăng cao dẫn tới giá hóa chất và chi phí đầu vào tăng cao trong khi các hợp đồng kinh doanh của PVChem phần lớn là các hợp đồng dài hạn với giá bán cố định.
Điều này đã gây ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh. Năm 2021, PVChem đạt tổng doanh thu 2.622 tỷ đồng, tăng 19% so với kế hoạch, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 28,75 tỷ đồng, bằng 88% so với thực hiện 2020.
Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau (mã DCM)
Năm 2021, Phân bón Cà Mau ước đạt 10.067 tỷ đồng doanh thu, 1.343 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, bằng 604% kế hoạch năm. Năm 2021, Đạm Cà Mau đặt mục tiêu đạt 7.893 tỷ đồng doanh thu và 197,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, riêng trong quý IV, doanh nghiệp đã đạt 521 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
DCM đã công bố các chỉ tiêu hoạt động sản xuất - kinh doanh chính năm 2022. Về sản lượng sản xuất, dự kiến sản lượng Đạm Cà Mau (Ure quy đổi) đạt 860.100 tấn, trong đó các sản phầm từ gốc Ure đạt 80.000 tấn. Sản lượng sản xuất NPK dự kiến đạt 80.000 tấn.
Về sản lượng kinh doanh hợp nhất, dự kiến sản lượng Đạm Cà Mau (Ure) đạt 770.270 tấn, các sản phẩm từ gốc Ure đạt 80.000 tấn, NPK đạt 80.000 tấn.
Về kế hoạch kinh doanh hợp nhất, tổng doanh thu ước đạt gần 9.060 tỷ đồng, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế gần 544 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 513 tỷ đồng.
Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (mã PVX)
Năm 2021, PVX ước đạt 2.104 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, lợi nhuận trước thuế đạt 4,78 tỷ đồng. Đáng chú ý, Công ty mẹ PVX dự kiến lãi 26,93 tỷ đồng, dù vậy lỗ lũy kế tính đến 31/12/2021 ước đạt 3.685 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của Công ty mẹ PVX đạt 392 tỷ đồng tính đến cuối tháng 12/2021.
Tại 7 công ty con PVC nắm quyền chi phối, có duy nhất PVC Đông Đô thực hiện vượt mức kế hoạch doanh thu đề ra do hoàn thành công tác đấu giá chuyển nhượng dự án CT5E Xuân Phương.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận