Bức tranh kinh tế 7 tháng năm 2020: Kịch bản nào cho những tháng cuối năm?
Dù đang đối mặt với đợt bùng phát COVID-19 mới, nhưng kinh tế Việt Nam nửa cuối năm vẫn có thể tiếp tục trở thành ngoại lệ như trong nửa đầu năm nay.
Theo WB, nếu đại dịch trên toàn cầu được từng bước kiểm soát, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 2,8% trong năm 2020.
Cần tạo động lực mới
Theo khuyến nghị của WB, ba hướng hành động mà Việt Nam cần quan tâm để tạo động lực mới là:
Thứ nhất, phải tiếp tục từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại, và từng bước mở cửa quốc gia, đồng thời tìm ra giải pháp tốt nhất cho nhu cầu kinh tế và y tế. Đây là thách thức lớn nhất của Việt Nam khi khuyến nghị của WB được đưa ra trước COVID-19 lần 2.
Thứ hai là tập trung vào chính sách tài khóa. Hiện Chính phủ đã và đang yêu cầu các tỉnh thành, địa phương tăng giải ngân đầu tư công. Song WB vẫn cho rằng kế hoạch bơm khoảng 4 tỷ USD vào nền kinh tế trong nước đòi hỏi Chính phủ phải cải thiện về quản lý chương trình đầu tư công.
Thứ ba là hỗ trợ khu vực tư nhân phục hồi, nhưng nên có lựa chọn. Theo đó, Chính phủ nên quan tâm nhiều hơn nữa về đối tượng hỗ trợ tài chính, nếu không, sẽ lãng phí nguồn lực công và gửi tín hiệu sai cho thị trường. Đây cũng là khuyến nghị của nhiều chuyên gia lẫn kiến nghị doanh nghiệp trong bối cảnh chờ 1 gói hỗ trợ mới.
Cơ hội cho doanh nghiệp
Nhìn từ nhận diện kinh tế Việt Nam 7 tháng một cách độc lập của WB, nhóm nông nghiệp hầu như không bị ảnh hưởng. Đặc biệt, các hộ gia đình sản xuất dù trong giãn cách cũng vẫn ít bị tác động về sản xuất. Vậy vấn đề nằm ở chỗ phát huy kinh tế nông nghiệp ra sao và phụ thuộc bao tiêu đầu ra như thế nào? Câu trả lời phụ thuộc vào sự linh hoạt của các doanh nghiệp cầu nối và năng lực ứng dụng công nghệ để đảm bảo tiêu thụ hiệu quả trong nước. Ở quốc tế, là khả năng “chiến đấu” để tiếp tục cung cấp thực phẩm cho các nhà nhập khẩu ngay cả ở những vùng trời còn có dịch.
Với công nghiệp, việc vá lại chuỗi cung ứng toàn cầu của các quốc gia đi cùng sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ, là cơ hội cho công nghiệp và chế tạo. Tuy nhiên, “lót ổ đón đại bàng” vẫn là tiến trình mà chúng ta chưa thể hái quả trong năm nay. Ngành này vẫn chịu tác động kép cung- cầu mà lối thoát là nỗ lực chuyển đổi sản phẩm, linh hoạt trong bức tranh thương mại toàn cầu mới.
Trong khi đó, thương mại điện tử, giáo dục, y tế vào cuộc thí nghiệm xã hội ứng dụng công nghệ mới phần nào giúp các ngành này ít tổn thương trong 6 tháng cuối năm.
Bài tiếp theo của kịch bản kinh tế Việt Nam cuối năm chúng tôi sẽ giới thiệu tới bạn đọc chia sẻ của PGS-TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận