Bức tranh kinh doanh quý 2: Covid-19 'phủ bóng đen'
Chật vật đi qua quý đầu năm đã rất khó khăn, thế nhưng áp lực vẫn chưa vơi đi đã khiến các doanh nghiệp tiếp tục phải hứng chịu những “đòn giáng” nặng nề. Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết chính là minh chứng sống cho sự càn quét khốc liệt chưa có hồi kết của cơn đại dịch Covid-19.
Theo thống kê của Vietstock, tính đến ngày 03/08/2020 có 629 doanh nghiệp niêm yết đã công bố BCTC quý 2/2020 với 515 doanh nghiệp có lãi và 114 doanh nghiệp lỗ. Trong đó, 261 doanh nghiệp báo lãi giảm, 77 doanh nghiệp lãi chuyển lỗ, 20 doanh nghiệp tăng lỗ, 224 doanh nghiệp tăng lãi, 16 doanh nghiệp giảm lỗ và 31 doanh nghiệp có lỗ chuyển lãi.
Theo đó, tổng doanh thu và lợi nhuận của 629 doanh nghiệp trên đạt hơn 402,910 tỷ đồng và 28,523 tỷ đồng.
Doanh nghiệp ‘gồng mình’ ôm lỗ
Trong quý đầu năm 2020, rất nhiều doanh nghiệp đầu ngành phải chịu cảnh thua lỗ thì sang đến quý 2, kết quả cũng chẳng mấy khả quan hơn. Doanh nghiệp hứng chịu nặng nề nhất những tác động của đại dịch không thể không nhắc đến là Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines, HOSE: HVN).
Lãi ròng của HVN qua các quý gần đây. Đvt: Tỷ đồng
Kết thúc quý 2, HVN ghi nhận lỗ hơn 3,945 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức lỗ của quý trước là 2,589 tỷ đồng. Đồng thời, HVN còn phải hứng chịu áp lực khổng lồ từ các khoản nợ ngắn hạn trong bối cảnh các biện pháp phong tỏa trên thế giới kìm chân người dân tại nhà.
Như vậy, sau nửa đầu năm 2020, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần đạt 24,808 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ, đồng thời lỗ ròng 6,534 tỷ đồng. Tuy vậy, mức lỗ này vẫn còn khá hơn so với ước tính lỗ ròng 7,474 tỷ đồng trước đó.
Top 20 doanh nghiệp báo lỗ nặng nhất quý 2/2020
Cặp “bài trùng” của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết là Tập đoàn FLC (HOSE: FLC) và Xây dựng FLC Faros (HOSE: ROS) cũng ngậm ngùi báo lỗ ròng quý 2 lần lượt gần 377 tỷ đồng và 151 tỷ đồng.
Sau quý 1 thiệt hại nặng vì dịch Covid-19, tình hình kinh doanh của FLC tiếp tục gặp khó khăn trong quý 2. So với cùng kỳ năm trước, doanh thu thuần của FLC giảm tới 47% về còn 1,722 tỷ đồng. Theo giải trình từ Công ty, doanh thu trong quý giảm mạnh do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19.
Kết thúc quý 2, FLC báo lỗ sau thuế hợp nhất gần 838 tỷ đồng và lỗ ròng gần 377 tỷ đồng. Con số lỗ hợp nhất trong 2 quý đầu năm 2020 của FLC đã lên tới hơn 2,729 tỷ đồng. Tình hình dịch Covid-19 đã ảnh hưởng mạnh tới doanh thu của Công ty trong quý 2.
Trong khi đó, ROS mang về 84 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý 2/2020, sụt giảm hơn 94% so với cùng kỳ. ROS cho rằng do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty bị ảnh hưởng nặng nề trong giai đoạn này. Sản lượng sản xuất và doanh thu suy giảm mạnh đồng thời Công ty vẫn phải ghi nhận các khoản chi phí quản lý và chi phí tài chính dẫn đến kết quả lỗ ròng gần 151 tỷ đồng trong quý vừa qua.
Hay như Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HOSE: DLG) báo lỗ quý 2 nặng nhất trong 10 năm qua, ở mức hơn 210 tỷ đồng.
Kết quả thua lỗ quý 2 của CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, HOSE: VNS) cũng không mấy ngạc nhiên khi ông Trần Anh Minh - Phó TGĐ phụ trách mảng đầu tư của VNS dự báo trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 diễn ra sáng ngày 30/06/2020.
Kết thúc quý 2, VNS báo lỗ ròng hơn 110 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi 29 tỷ đồng. Khép lại nửa đầu năm 2020, VNS “ôm” lỗ gộp hơn 14 tỷ đồng và lỗ ròng hơn 126 tỷ đồng.
Bên cạnh những doanh nghiệp phải hứng chịu khoản lỗ khủng thì cũng có nhiều doanh nghiệp từ lãi chuyển lỗ như CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (HNX: LAS), CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (HOSE: TLH) và CTCP Lilama 5 (HNX: LO5)…
Đáng chú ý là Dịch vụ Hàng không Taseco (HOSE: AST) khi báo lỗ hơn 13 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 55 tỷ đồng. Theo AST, toàn bộ các điểm kinh doanh của AST phải đóng cửa từ 01-27/04/2020. Trong tháng 5-6/2020, các điểm kinh doanh của AST tiếp tục đóng cửa theo quy định về tạm dừng các đường bay quốc tế, chỉ thực hiện các chuyến bay đón các công dân Việt Nam từ nước ngoài trở về tránh dịch. Mặc dù đường bay Quốc nội đã được mở từ ngày 28/04 nhưng lượng khách vẫn chưa nhiều. Bên cạnh đó, hoạt động khách sạn À La Carte của AST cũng phải đóng cửa theo chỉ thị của Chính phủ do dịch và đồng thời tiến hành hoạt động sửa chữa, làm mới diện mạo để đón khách sau đợt giãn cách xã hội.
Top 20 doanh nghiệp có lãi chuyển lỗ trong quý 2/2020
Hơn 60% doanh nghiệp có lợi nhuận “đổ đèo”
Có đến 385 doanh nghiệp có lợi nhuận suy giảm trong quý đầu năm 2020, trong đó nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thấp kỷ lục.
Dẫn đầu trong top lãi giảm mạnh là CTCP Tập đoàn Khách sạn Đông Á (HOSE: DAH) với doanh thu giảm mạnh 97% so với cùng kỳ, xuống còn 2 tỷ đồng và lãi ròng chỉ đạt 19 triệu đồng trong khi cùng kỳ ghi nhận gần 11 tỷ đồng.
Do tình hình Covid-19 xảy ra khiến doanh thu bán hàng của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HOSE: KBC) sụt giảm. Trong đó, doanh thu đạt 172 tỷ đồng, giảm 84% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức doanh thu thấp nhất mà KBC đạt được kể từ quý 3/2017 và cũng đánh dấu mức giảm doanh thu quý thứ 5 liên tiếp. Từ đó dẫn đến lãi ròng giảm mạnh 99% so với cùng kỳ, còn vỏn vẹn 1.6 tỷ đồng (thấp nhất kể từ năm 2014).
Tương tự, Tàu cao tốc Superdong - Kiên Giang (HOSE: SKG) cũng báo lãi ròng giảm mạnh 99% so với cùng kỳ, xuống mức 638 triệu đồng, thấp nhất kể từ khi niêm yết. Nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh của SKG suy giảm là do dịch Covid-19 bùng phát mạnh vào quý 2. Qua đó, SKG đã phải tạm ngưng hoạt động vào tháng 4. Hơn nữa, dịch cũng làm thay đổi lịch nghỉ dưỡng, nghỉ hè khiến công suất lấp đầy của SKG giảm trong tháng 5, tháng 6 và góp phần không nhỏ trong việc kéo lùi kết quả của Công ty.
Top 20 doanh nghiệp có lãi ròng giảm mạnh nhất quý 2/2020
Những điểm sáng trong bức tranh toàn ngành
Dù bức tranh chung bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch, tuy nhiên, vẫn có những doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng khá ấn tượng.
Dẫn đầu trong top doanh nghiệp báo lãi tăng phi mã là Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HOSE: DBC) với kết quả kinh doanh ghi nhận là quý tốt nhất trong lịch sử hoạt động với hơn 401 tỷ đồng lãi ròng, cao hơn cả quý 1/2020 và gấp 53 lần quý 2/2019.
Trong quý 2/2020, ngành chăn nuôi nói chung có sự hồi phục đáng kể (cùng kỳ năm 2019 phải chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch tả lợn Châu Phi bùng phát). Điều đó dẫn đến kết quả sản xuất của các đơn vị chăn nuôi và sản xuất chăn nuôi của DBC hoạt động có hiệu quả cao. Mặt khác, DBC đã đưa vào hoạt động sản xuất một số dự án trong quý 2 như Nhà máy dầu thực vật Dabaco, nhà máy chế biến trứng ăn liền Devi, Khu chăn nuôi gà giống và Nhà máy thức ăn chăn nuôi tại Bình Phước… đã đóng góp đáng kể vào kết quả của Công ty.
Top 20 doanh nghiệp có lãi ròng tăng mạnh nhất quý 2/2020
Trong quý 2, có 7 doanh nghiệp ghi nhận lãi trên ngàn tỷ là Vinhomes (HOSE: VHM), Vinamilk (HOSE: VNM), Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG), Tập đoàn VINGROUP (HOSE: VIC), Tổng Công ty Khí Việt Nam (HOSE: GAS), Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (HOSE: SAB) và Hàng không Vietjet (HOSE: VJC).
Mặc dù VHM có lãi ròng cao nhất thị trường, ghi nhận gần 3,759 tỷ đồng nhưng so với cùng kỳ lại giảm 48%. Nguyên nhân chủ yếu do lợi nhuận từ chuyển nhượng bất động sản và lợi nhuận từ hợp đồng hợp tác kinh doanh giảm.
Trong năm 2020, VHM lên kế hoạch doanh thu đạt 97,000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 31,000 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, Công ty chỉ mới thực hiện được 24% kế hoạch doanh thu và 37% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.
Top 20 doanh nghiệp có lãi cao nhất trong quý 2
Ngược lại, VNM lại ghi nhận doanh thu thuần và lãi sau thuế đồng loạt tăng 6% so với cùng kỳ, lần lượt đạt 15,495 tỷ đồng và 3,072 tỷ đồng. Trong đó, hoạt động kinh doanh nội địa đem về doanh thu thuần 13,364 tỷ đồng, tăng 7.6%. Mức tăng trưởng này đến từ việc VNM bắt đầu hợp nhất kết quả hoạt động kinh doanh của CTCP GTNFoods (GTN)/Mocchau Milk (MCM) từ quý 1/2020.
Nhờ sản lượng bán thép tăng, giá vốn tốt và mảng nông nghiệp bắt đầu tạo lợi nhuận. HPG cũng báo lãi tăng 35% so với cùng kỳ, ghi nhận gần 2,743 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, HPG ghi nhận doanh thu thuần và lãi ròng lần lượt tăng 30% và 31% so với cùng kỳ, lên mức 39,655 tỷ đồng và 5,028 tỷ đồng. Chi phí tài chính trong nửa đầu năm cũng ghi nhận tăng mạnh lên mức 1,364 tỷ đồng, gấp 2.5 lần cùng kỳ, trong đó lãi vay phải trả chiếm hơn 1,000 tỷ đồng. Kết thúc nửa đầu năm 2020, HPG đã thực hiện được 47% kế hoạch doanh thu và 56% kế hoạch lãi sau thuế 2020.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận