24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hồ Mai
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Bức tranh công nghiệp hoá của Việt Nam

Phát triển sản xuất thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ đối diện với nhiều khó khăn và thách thức, đòi hỏi Việt Nam cần có chiến lược bài bản, chính sách đột phá...

“Phát triển sản xuất thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là nội dung của hội thảo do Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì tổ chức với Bộ Công Thương, Hội Tự động hóa Việt Nam.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết báo cáo của Unido cho thấy Việt Nam được xếp trong nhóm các nền kinh tế tiêu dùng công nghệ số và đứng thứ 15 trong số 40 nền kinh tế chủ động theo đuổi công nghiệp 4.0.

Cụ thể, ngành công nghệ thông tin của Việt Nam có sự thay đổi nhanh và tốt nhất để đi tắt đón đầu với tốc độ phát triển nhanh của nền kinh tế số. Mạng 5G đã bắt đầu được triển khai thương mại hóa với cơ sở hạ tầng cốt lõi, đã tạo ra nền tảng tốt cho việc đẩy mạnh hoạt động sản xuất thông minh.

Một số doanh nghiệp trong nước đã mạnh dạn phát triển sản xuất thông minh với hệ điều hành sản xuất trên nền tảng số hóa, kết nối với các dây chuyền tự động xuyên suốt chuỗi giá trị, như Thaco Madaz, Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast tại Khu kinh tế Cát Hải (Hải Phòng), nhà máy sữa Vinamilk tại Bình Dương, giàn khoan tự nâng của Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel,…

Tuy nhiên, nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố đầu tháng 11/2021, cho thấy 70% doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam vẫn sử dụng máy móc do con người điều khiển, 20% làm thủ công, chỉ 9% sử dụng máy móc được điều khiển bằng máy vi tính và dưới 1% sử dụng công nghệ tiên tiến hơn như robot, sản phẩm đắp lớp 3D...

Bên cạnh đó, quy mô doanh nghiệp chiếm 75% là nhỏ và vừa, chưa kể có đến 2/3 doanh nghiệp lớn tham gia khảo sát cho biết còn hoài nghi về lợi ích kinh tế của việc đầu tư vào công nghệ mới.

ĐÃ CÓ NHỮNG BƯỚC ĐI BAN ĐẦU

Khảo sát do Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp của Khối thịnh vượng chung (Australia) phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện cũng cho biết, chỉ có một phần nhỏ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các hoạt động đổi mới sáng tạo.

Theo đó, tỷ lệ doanh nghiệp có R&D trong các ngành sản xuất còn rất thấp như: ngành sản xuất thiết bị điện 17%, ngành sản xuất hóa chất 15%, ngành sản xuất chế biến thực phẩm 9%, ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và nhựa 7%, ngành sản xuất da và sản phẩm có liên quan 6%, ngành dệt may 5%...

Bức tranh công nghiệp hoá của Việt Nam

“Thực tế này cho thấy phát triển sản xuất thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức”, ông Hiển nhận định.

Đồng quan điểm trên, ông Đào Trọng Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), cho rằng thúc đẩy sản xuất thông minh ở Việt Nam là bài toán rất lớn cần có lời giải từ phía các cơ quan nhà nước, các đơn vị nghiên cứu và các nhà khoa học.

Theo khảo sát của Bộ Công Thương, phần lớn các doanh nghiệp đang ở mức tiếp cận thấp so với yêu cầu của phát triển sản xuất thông minh và nhà máy thông minh. Tỷ lệ áp dụng các công nghệ 4.0 rất hạn chế, chỉ từ 2-3% và tỷ lệ dự kiến đầu tư áp dụng các công nghệ này của doanh nghiệp cũng còn khá khiêm tốn.

Cùng với đó là một tỷ lệ không nhỏ các doanh nghiệp không thể kiểm soát các thiết bị bằng công nghệ thông tin do các thiết bị của doanh nghiệp hầu hết được đầu tư đã lâu khiến việc ứng dụng công nghệ thông tin để cải tiến, nâng cấp, đổi mới cũng gặp nhiều khó khăn.

Tại các doanh nghiệp, việc áp dụng các phần mềm quản trị còn rất hạn chế, đặc biệt là các phần mềm quản lý chuỗi cung ứng SCM và quản lý theo vòng đời sản phẩm. Chất lượng lao động cũng chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là các kỹ năng gắn liền với yêu cầu vận hành, sản xuất hiện đại.

Bức tranh công nghiệp hoá của Việt Nam

ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP THÁO GỠ

Để tháo gỡ những “nút thắt” trên, theo ông Hiển, chúng ta cần đột phá lớn trong tư duy và thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. “Phát triển sản xuất thông minh cần gắn với quá trình tái cơ cấu lại ngành công nghiệp và nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế và khả năng tham gia sâu, có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Hiển nhấn mạnh.

Cụ thể hơn, ông Cường cho biết trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ doanh nghiệp quyết liệt hơn. Môi trường chính sách là một trong ba yếu tố dẫn tới thách thức của doanh nghiệp trong sản xuất thông minh, cũng như chuyển đổi số. Vì thế, Bộ sẽ thiết lập cơ chế, môi trường chính sách thuận lợi cho các hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp. Có chính sách ưu tiên mang tính đặc thù cũng như là đột phá về hoạt động khoa học công nghệ, về chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp. Hình thành được liên minh công nghiệp và công nghệ số, qua đó liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi.

Mặt khác, Bộ sẽ hỗ trợ và phát triển năng lực toàn diện cho các doanh nghiệp phát triển nguồn lực số và hình thành các nguồn tài nguyên, hạ tầng số dùng chung, đầu tư phát triển hạ tầng và công cụ, giải pháp công nghệ cho các doanh nghiệp. Triển khai một số dự án chuyển đổi số có tính đại diện để đảm bảo tính lan tỏa, nhân rộng các mô hình đã triển khai, gia tăng hiệu quả thực tiễn.

Là doanh nghiệp tiên phong trong ứng dụng công nghệ thông minh vào sản xuất, ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, cho rằng việc đầu tiên là cần thay đổi nhận thức, thay đổi tư duy, thay đổi mô hình kinh doanh, chiến lược sản phẩm, cơ chế vận hành trong doanh nghiệp.

Để chuyển đổi số thành công cần tiếp thu các nguồn tri thức từ bên ngoài, nhưng phải vận dụng theo cách của Việt Nam. Việc chuẩn hoá quá phức tạp thì chuyển đổi số khó khăn. Do ra đời lâu nên nguồn gốc máy móc nhà máy khác nhau, thế hệ công nghệ khác nhau vì thế cần hợp nhất các nền tảng công nghệ máy móc đã có cho bước chuyển đổi số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo ông IL-Dong Kwon, Tổng giám đốc BCG Vietnam, để chuyển đổi sang mô hình sản xuất thông minh, Việt Nam cần xây dựng nền tảng mạnh mẽ cho chuyển đổi. “Chúng ta không thể chuyển đổi số nếu không có nền tảng mạnh mẽ, vững chãi, bởi sẽ giống như xây lâu đài bằng cát. Trước khi chuyển đổi số cần suy nghĩ nền tảng cốt lõi trong doanh nghiệp của mình và xây dựng trên nền tảng đó. Tuy nhiên, không nên tập trung quá nhiều vào điểm cốt lõi, các doanh nghiệp cần có sự cân bằng giữa chi phí và sự tăng trưởng. Có chiến lược về tăng trưởng như: tăng trưởng nhà máy, tăng trưởng năng lực, làm sao để thích ứng nhanh trong 1 tuần chứ không phải 2 tháng… Khi đó chúng ta sẽ chuyển đổi số thành công”, ông IL-Dong Kwon cho biết.

Ở khía cạnh khác, theo ông Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, việc thiết lập một cơ sở dữ liệu chung để các doanh nghiệp có nền tảng tiếp cận một cách nhanh chóng, chính xác trong chuyển đổi số là vô cùng quan trọng. Khởi nguồn của chuyển đổi số là cơ sở dữ liệu chung.

Song ở Việt Nam tính tại thời điểm này gần như chưa có được một cơ sở dữ liệu quốc gia. Hiện chúng ta đã bắt đầu xây dựng cơ sở dữ liệu trong một số lĩnh vực ví dụ như: quản lý dân cư, quản lý đất đai, quản lý công nghệ cho một số doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Do đó, việc Bộ Thông tin và Truyền thông có sáng kiến giao cho một số doanh nghiệp công nghệ thông tin chủ trì, xây dựng những tiền đề dữ liệu cơ bản để phổ biến cho doanh nghiệp được đánh giá cao. Tuy nhiên, theo ông Quân, cơ sở dữ liệu phải được công khai để tất cả các doanh nghiệp, các cơ quan khai thác một cách hiệu quả nhất. Nếu cơ sở dữ liệu không mở, không thể tiếp cận được, thì các hệ thống thông minh không đủ điều kiện để có thể vận hành.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả