Bủa vây khó khăn, 11.000 doanh nghiệp khu vực ĐBSCL ngừng hoạt động
Trước khó khăn do đại dịch COVID-19, trong 8 tháng đầu năm nay khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có trên 11.000 doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, các doanh nghiệp khác cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Vật lộn để tồn tại
Chia sẻ với Nhadautu.vn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai Trương Vĩnh Thành cho biết, để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, gần 2 tháng nay hơn 1.200 cán bộ công nhân viên (CBCNV) cụm công nghiệp Sao Mai đã thực hiện “ba tại chỗ” trong sản xuất. So với nhiều doanh nghiệp khác, Tập đoàn Sao Mai có thuận lợi hơn đó là có cụm công nghiệp riêng nên việc bố trí chỗ nơi ăn, nghỉ cho hàng ngàn công nhân không phải là vấn đề lớn. Tuy nhiên, khó khăn nhất của Tập đoàn hiện nay là chi phí để duy trì sản xuất “ba tại chỗ” lớn hơn rất nhiều so với bình thường, trong đó chi phí nhân công tăng gần gấp đôi.
Cụ thể, chi phí xét nghiệm hàng tuần, chi phí ăn, nghỉ, sinh hoạt và hỗ trợ cho công nhân phát sinh thêm khoảng 3 triệu đồng/người/tháng, đó là chưa kể chi phí đầu tư sửa chữa cơ sở vật chất ban đầu để tiếp nhận công nhân vào làm việc “ba tại chỗ”. Bên cạnh đó, do các địa phương siết chặt kiểm soát phòng chống dịch nên việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa cũng gặp không ít khó khăn, ảnh hưởng đến việc vận chuyển nguyên liệu về nhà máy, vận chuyển thức ăn đến các vùng nuôi; mặc dù vấn đề này đã được các cơ quan chức năng tập trung tháo gỡ nhưng vẫn còn “nơi thông, nơi tắt”.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn thuỷ sản Minh Phú, cũng cho biết để duy trì sản xuất, doanh nghiệp đã phải thuê cả khách sạn, nhà nghỉ để bố trí cho công nhân ở tạm, mặc dù đã làm hết khả năng nhưng cũng chỉ huy động được khoảng 25% công nhân tại 2 nhà máy trên địa bàn tỉnh Cà Mau và Hậu Giang. Tuy nhiên, điều đáng mừng là mặc dù chỉ có 25% công nhân làm việc nhưng năng suất sản xuất lại đạt trên 50%, sản lượng 8 tháng tăng gần 10%, giá trị xuất khẩu tăng gần 20% so với cùng kỳ, điều đó đã nói lên sự đồng cảm, nỗ lực của tập thể CBCNV doanh nghiệp cùng đồng hành với chủ doanh nghiệp để vượt qua khó khăn, thủ thách do đại dịch COVID-19.
Doanh nghiệp đang cần tiếp sức
Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), nếu như 3 đợt dịch COVID-19 trước khủng hoảng chuỗi cung ứng đến từ các quốc gia khác, thì đợt dịch lần thứ 4 đã tác động mạnh đến doanh nghiệp trong nước và trên toàn Miền Nam, trong đó có chuỗi sản xuất chế biến nông sản.
Theo khảo sát của VCCI Cần Thơ vào thời điểm trước đợt dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát đối với 110 doanh nghiệp, 30 CEO đã cho thấy có đến 40% doanh nghiệp dự báo tiêp cận nguồn nguyên liệu đang kém đi, gần 80% cho biết tiếp cận vốn vay rất khó khăn, 42% doanh nghiệp bi quan về tình hình việc làm cho người lao động nhưng cũng đồng thời tin tưởng sẽ có thể tìm kiếm giải pháp để có thể giữ vững việc làm cho người lao động trong thời gian khó khăn.
Phân tích về những khó khăn của doanh nghiệp khu vực ĐBSCL hiện nay, ông Lam cho rằng: Có thể nói hiện nay hoạt động sản xuất chế biến nông sản ở khu vực này đang tê liệt hoàn toàn do không thu hoạch được có thu hoạch được thì việc bảo quản, chế biến sẽ rất khó khăn do nhà máy ngưng sản xuất, thiếu kho tàng tồn trữ nông, thủy sản.
"Điều gì sẽ xảy ra nếu sau giãn cách không còn nguyên liệu do qua mùa vụ và nông dân không đầu tư tái sản xuất, nếu không kịp thời có giải pháp “giải cứu” thì nguy cơ khủng hoảng sản xuất rất có thể xảy ra. Đối với chuỗi sản xuất chế biến nông sản một khi bị đứt gãy thì phải mất nhiều tháng mới có thể hồi phục được, chứ không phải như các ngành khác như da giày, dệt may sau thời gian tạm nghỉ thì có thể mở cửa là hoạt động động lại được", ông Lam nói.
“Theo số liệu ghi nhận được của VCCI Cần Thơ thì chỉ trong vòng 3 tháng từ tháng 6-8, khu vực ĐBSCL đã có hơn 10.000 doanh nghiệp ngưng hoạt động, trong đó có hàng ngàn doanh nghiệp chờ làm các thủ tục chấm dứt hoạt động, gấp 10 lần so với 5 tháng đầu năm. Điều đó cho thấy “sức khỏe” của doanh nghiệp trong vùng đã thật sự “nguy cấp” cần phải được “hồi sức, cấp cứu”. Giải pháp “cấp cứu” doanh nghiệp đó là sự tháo gỡ nghẽn mạch trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa; các chính sách về tín dụng cần nhanh và mạnh hơn, cùng với đẩy nhanh tỷ lệ bao phủ vaccine cho lực lượng tham gia chuỗi cung ứng, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp duy trì được sản xuất”, ông Lam đề xuất.
Tại diễn đàn trực tuyến “Tôm Việt 2021- Giải pháp tháo gỡ khó khăn ngành tôm trong tình hình dịch bệnh COVID-19 vừa diễn ra vào ngày 1/9, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các địa phương vùng trọng điểm nuôi tôm như Bạc Liêu, Cà Mau đã cho biết trước những khó khăn do dịch COVID-19, diện tích thả nuôi tôm vụ mới đã sụt giảm nghiêm trọng, điều này sẽ dẫn tới nguy cơ thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu trầm trọng cho các nhà máy vào thời điểm cuối năm.
Trong 7 tháng đầu năm, 3 địa phương tại khu vực ĐBSCL là Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu đã vươn lên dẫn đầu cả nước về xuất khẩu thủy sản, khu vực này cũng đã đóng góp gần 3 triệu tấn gạo xuất khẩu và nhiều loại nông sản khác. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các hoạt động sản xuất, chế biến, xuất khẩu đang có nguy cơ đứt gãy. Những khó khăn của doanh nghiệp và người dân nơi đây đang trông chờ và kỳ vọng sớm được Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp tiếp nhận, tháo gỡ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận