Bù lỗ cho nhiều đoàn tàu hỏa hàng chục tỷ đồng/năm
Sau nhiều năm gánh lỗ để duy trì hoạt động tối thiểu của những chuyến tàu khách từ Hà Nội đi một số tỉnh thành phía Bắc, những đoàn tàu này đã phải tạm dừng hoạt động hơn 2 năm nay.
Hết khả năng bù lỗ
Vắng khách, thua lỗ nhiều năm, khó khăn bởi dịch COVID-19, trong khi chưa được ngân sách nhà nước hỗ trợ, ngành đường sắt đã phải dừng chạy tàu khách các tuyến từ Hà Nội đi Đồng Đăng (Lạng Sơn), Hà Nội đi Quán Triều (Thái Nguyên) và Hà Nội đi Hạ Long (Quảng Ninh).
Từ giữa năm 2020, Thủ tướng đã có quyết định dùng ngân sách nhà nước trợ giá để duy trì chạy tàu khách với 3 tuyến đường sắt trên để đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, tới nay, việc trợ giá chưa thể thực hiện do không có định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá để làm cơ sở xây dựng mức hỗ trợ.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Viết Hiệp, Tổng Giám đốc Cty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội (Haraco) cho biết: Từ đầu năm 2020 tới nay, tàu khách chạy các tuyến Hà Nội đi Đồng Đăng, Quán Triều, Hạ Long đã tạm dừng hoạt động. Lý do là tàu càng chạy càng lỗ, trong khi Nhà nước chưa trợ giá, dịch COVID-19 khiến công ty không còn đủ nguồn lực gánh thêm lỗ. Hiện, các tuyến đường sắt này chỉ khai thác tàu hàng, ngày chạy ngày không.
“Không có khách, thu nhập của người lao động đường sắt cũng giảm vì doanh thu và khối lượng công việc giảm”, lãnh đạo Haraco nói.
Số liệu của Haraco cho thấy, từ năm 2019 về trước, khi còn duy trì tối thiểu mỗi ngày 1 đoàn tàu đi và về, tuyến Hà Nội - Quán Triều và Hà Nội - Đồng Đăng chỉ thu được khoảng 4 tỷ đồng/năm. Trong khi chi phí chạy tàu với 2 tuyến này khoảng 19 tỷ đồng, nên công ty phải bù lỗ khoảng 15 tỷ đồng/năm. Nếu tính cả tàu khách tuyến Hà Nội - Hạ Long, mỗi năm Haraco bù lỗ khoảng 20 tỷ đồng cho 3 tuyến.
Cục Đường sắt (Bộ GTVT) đánh giá, các tuyến tàu Hà Nội đi Quán Triều, Đồng Đăng, Hạ Long đều có đường bộ cao tốc chạy song song, dù tàu bán vé giá thấp hơn xe khách nhưng không thể cạnh tranh được vì thời gian di chuyển chậm hơn. Hà Nội đi Quán Triều, tàu chạy hơn 2 giờ, nhưng ô tô chỉ 1 giờ 30 phút; Hà Nội đi Đồng Đăng tàu chạy hơn 4 giờ 30 phút, đi ô tô chỉ 3 giờ. Vì vậy, chỉ một số khách khó khăn như người nghèo, học sinh, sinh viên, hoặc khách không đi được ô tô mới chọn đi tàu.
Chưa hẹn ngày chạy lại
Cục Đường sắt dẫn Luật Đường sắt và các hướng dẫn đều quy định về chạy tàu an sinh xã hội được Nhà nước trợ giá. Tuy nhiên, tới nay chưa có tiêu chí xác định chi phí làm cơ sở hỗ trợ từ ngân sách. Để giải quyết, Bộ GTVT đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư Định mức kinh tế kỹ thuật để xây dựng kế hoạch chạy tàu an sinh xã hội, áp dụng với các tuyến Hà Nội - Quán Triều, Hà Nội - Đồng Đăng.
Việc duy trì các đoàn tàu này nhằm hỗ trợ đi lại với người nghèo, học sinh, sinh viên, bệnh nhân đi khám chữa bệnh sinh sống dọc tuyến đường sắt, duy trì kết cấu hạ tầng đường sắt tránh lãng phí, xuống cấp. Dự thảo đưa ra các định mức, đơn giá, cách tính chi phí nhân công, nhiên liệu, sửa chữa, điều hành, các tiêu chuẩn xác định tàu an sinh...
Năm 2018, bình quân mỗi chuyến tàu khách tuyến Hà Nội – Quán Triều chỉ có 56 khách/chuyến, năm 2019 cũng chỉ 65 khách/chuyến; tuyến Hà Nội - Đồng Đăng bình quân năm 2018 chỉ phục vụ khoảng 71 khách/chuyến, năm 2019 khoảng 95 khách/chuyến. Các tuyến này mỗi ngày chỉ có 1 đoàn tàu khách đi và về.
Phó Cục trưởng Cục Đường sắt Dương Hồng Anh cho biết, dự kiến tháng 11 tới dự thảo Thông tư Định mức kinh tế kỹ thuật nói trên sẽ được ký ban hành. Từ định mức này, Haraco sẽ xây dựng kế hoạch chạy tàu, chi phí dự kiến cần hỗ trợ và báo cáo Bộ GTVT để đề xuất Bộ Tài chính quyết định chi ngân sách trợ giá. Nếu không có gì thay đổi, từ năm 2023 sẽ bắt đầu trợ giá để chạy tàu vì mục đích an sinh.
Theo quyết định của Thủ tướng, có 3 tuyến đường sắt Nhà nước sẽ trợ giá để chạy tàu an sinh, nhưng dự thảo thông tư chỉ quy định 2 tuyến. Điều này, theo ông Hồng Anh, do toa tàu khách của tuyến Hà Nội - Hạ Long đã hết niên hạn sử dụng, nếu có trợ giá cũng chưa thể hoạt động, khi nào có tàu sẽ tính toán sau.
Theo tính toán sơ bộ của Haraco, để đảm bảo bù lỗ và duy trì hoạt động tàu khách ở mức tối thiểu trên các tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng/Quán Triều/Hạ Long, ngân sách cần trợ giá khoảng 10 tỷ đồng mỗi tuyến/năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận